Vi phạm về mỹ phẩm, Công ty CP Thị trường Quốc tế Việt Nam bị xử phạt
Ngày 22/1, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Thị trường Quốc tế Việt Nam (điạ chỉ tại số 331 Bát Khối, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội) do vi phạm quy định trong kinh doanh mỹ phẩm.
Theo quyết định xử phạt, Công ty CP Thị trường Quốc tế Việt Nam đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính khi: kinh doanh mỹ phẩm có thành phần công thức của sản phẩm ghi trên nhãn không đúng với Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với 7 sản phẩm:
Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều 4; Điểm c Khoản 3 Điều 71 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Điểm c Khoản 21 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP.
Đáng chú ý, do Công ty còn có các tình tiết tăng nặng là từ 02 sản phẩm mỹ phẩm trở lên thuộc cùng một hành vi vi phạm tại Điểm c Khoản 3 Điều 56 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ và được phát hiện trong một lần thanh tra, kiểm tra.
Theo đó, công ty bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt là 80 triệu đồng. Hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 71 Nghị định 117/2020/NĐCP của Chính phủ: Mức phạt tiền đối với cá nhân từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Do có tình tiết tăng nặng, áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân là 40.000.000 đồng theo quy định tại Điểm c Khoản 21 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Áp dụng quy định tại Khoản 5 Điều 4 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân là 80.000.000 đồng.
Ngoài bị phạt tiền, công ty còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc thu hồi và tiêu hủy 07 sản phẩm mỹ phẩm nêu trên (Công văn 10463/QLD-MP ngày 14/12/2023); Thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm của 07 sản phẩm nêu trên (Quyết định số 920/QĐ-QLD ngày 14/12/2023).
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Quyết định này được giao cho ông Quách Hùng Anh (chức danh Giám đốc) là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Thị trường Quốc tế Việt Nam để chấp hành.
Nếu quá thời hạn mà Công ty Cổ phần Thị trường Quốc tế Việt Nam không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
QUY ĐỊNH VỀ GHI NHÃN MỸ PHẨM
Các yêu cầu đối với việc ghi nhãn trên sản phẩm mỹ phẩm
Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.
Nhãn mỹ phẩm là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hóa.
Ghi nhãn mỹ phẩm là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về mỹ phẩm lên nhãn để người dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn và sử dụng đúng; để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hoá của mình và làm căn cứ để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
Cơ sở pháp lý:
Nghị định số 93/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm.
Thông tư 06/2011/TT-BYT Quy định về quản lý mỹ phẩm.
1. Vị trí và hình thức nhãn mỹ phẩm
Nhãn mỹ phẩm phải được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa. Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ các nội dung bắt buộc.
Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường tự xác định kích thước của nhãn hàng hoá mỹ phẩm nhưng phải bảo đảm thông tin ghi trên nhãn phải dễ đọc bằng mắt thường. Nội dung của nhãn và nhãn phụ (nếu có) phải trung thực, rõ ràng, chính xác và phản ánh đúng tính năng của sản phẩm. Màu sắc của chữ, chữ số, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu, ký hiệu trình bày trên nhãn mỹ phẩm phải rõ ràng. Màu sắc của chữ và số phải tương phản với nền của nhãn.
Nội dung nhãn mỹ phẩm phải được trình bày bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt; riêng hướng dẫn sử dụng; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; và lưu ý về an toàn khi sử dụng phải ghi bằng tiếng Việt.
2. Nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn
Nhãn sản phẩm mỹ phẩm phải phù hợp với yêu cầu ghi nhãn mỹ phẩm của ASEAN. Những thông tin sau phải được thể hiện trên nhãn sản phẩm:
- Tên của sản phẩm và chức năng của nó; trừ khi dạng trình bày sản phẩm đã thể hiện rõ ràng chức năng của sản phẩm;
- Hướng dẫn sử dụng, trừ khi dạng trình bày đã thể hiện rõ ràng cách sử dụng của sản phẩm;
- Thành phần công thức đầy đủ: Phải ghi rõ các thành phần theo danh pháp quốc tế quy định trong các ấn phẩm mới nhất (không phải ghi tỷ lệ phần trăm của các thành phần);
- Tên nước sản xuất;
- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (ghi đầy đủ bằng tiếng Việt theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư);
- Định lượng thể hiện bằng khối lượng tịnh hoặc thể tích; theo hệ mét hoặc cả hệ mét và hệ đo lường Anh;
- Số lô sản xuất;
- Ngày sản xuất hoặc hạn dùng phải được thể hiện một cách rõ ràng (ví dụ: ngày/tháng/năm). Cách ghi ngày phải thể hiện rõ ràng gồm tháng, năm hoặc ngày, tháng, năm theo đúng thứ tự. Có thể dùng từ “ngày hết hạn” hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày”; nếu cần thiết có thể bổ sung thêm điều kiện chỉ định cần tuân thủ để đảm bảo sự ổn định của sản phẩm;
- Với những sản phẩm có độ ổn định dưới 30 tháng, bắt buộc phải ghi ngày hết hạn;
- Lưu ý về an toàn khi sử dụng, đặc biệt theo những lưu ý nằm trong cột “Điều kiện sử dụng và những cảnh báo bắt buộc phải in trên nhãn sản phẩm” được đề cập trong các phụ lục của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN, những thận trọng này bắt buộc phải thể hiện trên nhãn sản phẩm.
Một số trường hợp cần lưu ý
Trong trường hợp kích thước, dạng hoặc chất liệu bao gói không thể in được đầy đủ các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này trên nhãn gốc, những nội dung bắt buộc này phải được ghi trên nhãn phụ đính kèm theo sản phẩm mỹ phẩm và trên nhãn mỹ phẩm phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó. Tên sản phẩm và số lô sản xuất bắt buộc phải được ghi trên nhãn gốc của bao bì trực tiếp của sản phẩm.
Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu chứng minh tính an toàn và hiệu quả của mỹ phẩm và phải tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của ASEAN.
Nội dung quảng cáo mỹ phẩm, hội thảo, sự kiện giới thiệu mỹ phẩm phải có đủ các thông tin sau:
- Tên mỹ phẩm;
- Tính năng, công dụng (nêu các tính năng, công dụng chủ yếu của mỹ phẩm nếu chưa thể hiện trên tên của sản phẩm);
- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường;
- Lưu ý khi sử dụng (nếu có).
Thanh Phong