Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, hầu hết các ý kiến Đại biểu nhất trí với phương án cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Chiều 22/5, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan tới dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã trình bày, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, so với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, số chương giữ nguyên và tăng 8 điều do bổ sung 5 điều mới, gộp 4 điều thành 2 điều, tách nội dung của một số điều thành 5 điều khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý nội dung của 79 điều, giữ nguyên nội dung 2 điều (Điều 33 và Điều 54). Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đạt được sự đồng thuận cao giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ...
Về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, đa số Đại biểu Quốc hội nhất trí với dự thảo Luật; một số Đại biểu đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Tham gia góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 trong phiên thảo luận tổ, đại biểu còn băn khoăn với phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe. Tuy nhiên, sau khi đi dự một đám cưới ở quê thì đại biểu đồng tình với phương án quy định cấm "điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Cũng đồng thuận với phương án "cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông", đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho hay, trong hồ sơ trình tại kỳ họp đã có báo cáo đánh giá tác động, kết quả điều tra xã hội học và bổ sung số liệu minh chứng cũng như kinh nghiệm quốc tế để đề xuất phương án tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia là cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với Phương án quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo Luật và hầu hết các ý kiến trên nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý", báo cáo nêu rõ.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết thêm: "Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Công an, Bộ Y tế đã nghiêm túc các yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ĐBQH, tổ chức hội thảo khoa học về "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ".
Hà My