Bộ GTVT "bác bỏ" đề xuất đặt ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu khi lái xe
Theo Bộ GTVT, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông.
ĐBQH đề xuất đặt ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu
Trong phiên thảo luận hội trường về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XV vừa qua, quy định này cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu.
Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) lại cho rằng, việc quy định nghiêm cấm tuyệt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Chính phủ đã có ý kiến giải trình hợp lý. Theo đó, quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất các tai nạn giao thông quan trọng. Trên thực tế, việc xử lý quyết liệt vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, quy định này cũng có phần chưa phù hợp dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam cũng như góc độ sinh học... ĐB Trí đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, các căn cứ khoa học, bảo đảm tính khả thi.
Đồng tình, Đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) đề nghị, không nên quy định một cách tuyệt đối, cứng nhắc, mà nên quy định như trong luật cũ, nghĩa là có giới hạn nhất định về nồng độ cồn trong máu, hơi thở, khi vượt qua mốc đó thì mới phạt.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho biết việc không có mức tối thiểu nồng độ cồn khi tham gia giao thông là quy định khá nghiêm khắc.
Trong khi đó, nhiều trường hợp người dân sử dụng rượu bia từ trưa hoặc tối hôm trước nhưng khi kiểm tra nồng độ cồn thì đa số vẫn còn nồng độ cồn trong máu và hơi thở. Các trường hợp này vẫn bị xử phạt theo quy định.
Từ nhận định trên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi quy định theo hướng có ngưỡng giới hạn nồng độ cồn tối thiểu khi tham gia giao thông.
Bộ GTVT "bác bỏ" ý kiến
Mới đây, trong văn bản trả lời ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, Bộ GTVT cho biết Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia năm 2019 đã quy định hành vi bị nghiêm cấm là: "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Khi xây dựng Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021), Bộ GTVT cũng phải căn cứ theo luật trên nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, qua đó hạn chế tai nạn giao thông.
Theo Bộ GTVT, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông. Thực tế việc vi phạm về nồng độ cồn đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người.
Thời gian qua, khi việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn được áp dụng, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, ý thức của người dân đã được nâng cao.
Do đó, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe sẽ tiếp tục được đưa vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an xây dựng, dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm nay.
Anh Thư