Truyền thông bẩn: Các chiêu trò dắt mũi người tiêu dùng từ online sang offline
Để đạt được mục đích "kiếm lời" từ phân phối các sản phẩm kém sức cạnh tranh, nhiều cá nhân, doanh nghiệp không ngần ngại lập ra các chiến dịch “truyền thông bẩn”. Họ hướng người xem cuốn vào những scandal, drama, rồi “dắt mũi” đến sản phẩm đang phân phối.
Bất chấp hơn, các đối tượng còn dùng những thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh, phát tờ rơi, vi phạm pháp luật hòng đạt mục đích.
Baking soda gây mòn men răng... chỉ là “truyền thông bẩn”
Gần đây, mạng xã hội xuất hiện hàng loạt các video, thông tin chê sữa trái cây và khuyên dùng sữa trắng, hay thông tin về việc baking soda (Natri bicarbonat - NaHCO3) gây xói mòn men răng, biếng ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe… khiến dư luận và các mẹ đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, các thông tin, video này lại không phải xuất hiện một cách ngẫu nhiên, mà hoàn toàn có kịch bản, rõ ràng được xây dựng có chủ đích, nhằm thông tin một cách "ác ý", hướng người xem bị cuốn vào những scandal, drama rồi “dắt mũi” người tiêu dùng bằng những chiêu trò “truyền thông bẩn”. Việc thông tin mập mờ, sai lệch này khiến dư luận và người tiêu dùng ngày một bức xúc hơn.
Cụ thể, gần đây hàng loạt KOC, KOL, kênh mẹ bỉm chạy video, thông tin sản phẩm rơ lưỡi, gạc răng miệng hàng đầu của một số doanh nghiệp chứa baking soda không tốt cho trẻ nhỏ. Theo đó, thông qua tài khoản TikTok: Me Be Xanh, một cá nhân đã đăng tải bài viết có nội dung: 'Review sự thât 4 loại rơ lưỡi con đang dùng, sẽ khiến mẹ bất ngờ!”. Tại bài đăng có hình ảnh phân tích Gạc răng miệng của doanh nghiệp chứa thành phần: Baking soda, “nguy cơ gây xói mòn men răng”; “nếu con nuốt dịch tẩm -> gây biếng ăn”; “không nên dùng liên tiếp một tuần”; “phù hợp với bé có bệnh lý ở miệng".
Từ đây, bài viết đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận với hàng nghìn lượt thả tim, bình luận và chia sẻ trong các diễn đàn mẹ và bé. Đáng nói, đa số các bình luận đều thể hiện sự hoài nghi về thành phần baking soda, hay còn gọi là NaHCO3 trong các loại gạc rơ lưỡi có nguy cơ xói mòn men răng, biếng ăn, làm thay đổi môi trường PH trong khoang miệng…
Rồi không chỉ có những bình luận, clip của Mẹ bé Xanh, thông tin này còn nhanh chóng được các mẹ bỉm sữa đăng trên các kênh tiktok của mình, chụp ảnh màn hình, chia sẻ, lan truyền trên các hội nhóm, tạo ra một “làn sóng” thông tin xuất hiện dày đặc, tác động liên tục từ đó “vô tình” làm thay đổi ý thức người dùng.
Tuy nhiên, thông tin “Baking soda nguy cơ gây xói mòn men răng” hoàn toàn không chính xác vì NaHCO3 còn được dùng trong nhiều sản phẩm dược mỹ phẩm. Cụ thể, theo các chuyên gia đầu ngành về y dược và hóa học đều khẳng định, “Nói Baking soda nguy cơ gây xói mòn men răng” là sai sự thật, không đúng bản chất.
Theo đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, về công thức hóa học, baking soda là NaHCO3, là chất không độc, thường được dùng để tạo bọt khí trong các sản phẩm về chăm sóc răng miệng như kem đánh răng, nước súc miệng… Cùng với đó, trong các sản phẩm hóa mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm đều có quy định rõ của Bộ Y tế về hàm lượng baking soda. Các sản phẩm đưa ra thị trường đã được kiểm nghiệm đạt an toàn người dân có thể yên tâm sử dụng.
“Việc quy định các chất dùng trong y tế, thực phẩm được kiểm nghiệm rất chặt chẽ. Nếu đâu đó phát hiện sản phẩm nào quản lý chưa chặt lẫn tạp chất thì đó là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Còn về bản chất baking soda là chất không độc”. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.
Giải thích rõ ràng hơn, Ths Nguyễn Hữu Duy, Giảng viên khoa Dược lý - Dược Lâm Sàng, Đại học Dược Hà Nội chia sẻ, baking soda (NaHCO3) được ứng dụng rất rộng rãi trên thế giới và ở Việt Nam. Trong thực phẩm, NaHCO3 có vai trò là chất phụ gia, có tác dụng rất tốt trong chế biến món ăn, làm bánh…
Trong y tế, NaHCO3 sử dụng để giảm triệu chứng đau dạ dày, đầy bụng… Trong lĩnh vực nha khoa, NaHCO3 được sử dụng như 1 sản phẩm chăm sóc răng miệng hàng ngày giúp ngăn ngừa và điều trị các vấn đề răng miệng như: Nấm miệng, sâu răng, mòn men răng, hôi miệng và bệnh nha chu khác. NaHCO3 sử dụng trong thực phẩm, hoặc trong dược phẩm phải tuân thủ theo quy định trong Dược điển về độ tinh khiết và với hàm lượng phù hợp với quy định của Bộ Y tế.
Đánh giá cụ thể hơn về những tác động với trẻ nhỏ, bác sĩ CKII Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Trung Ương chia sẻ: “Một số người cho rằng, sử dụng natri bicarbonat khiến răng của trẻ bị mài mòn hoặc ảnh hưởng đến quá trình mọc răng của trẻ. Tuy nhiên, đây là quan điểm không chính xác. Về mặt hóa học, natri bicarbonat hỗ trợ quá trình hấp thu calci và phosphat và làm bền vững bề mặt răng. Về mặt vật lý, quá trình mài mòn chỉ diễn ra khi chà xát chất có độ cứng cao trên bề mặt chất có độ cứng thấp hơn.”
Như vậy, rõ ràng thông tin “baking soda (NaHCO3) gây mòn men răng” là hoàn toàn không chính xác, nhưng các video, hình ảnh lại liên tục được chia sẻ, đăng tải một cách đồng loạt, chung kịch bản trên mạng xã hội. Cùng với đó, việc các đối tượng này khéo léo định hướng các mẹ sử dụng một sản phẩm mà mình đang phân phối bằng cách liệt kê thành phần sản phẩm rồi khẳng định “giúp tăng hệ miễn dịch, dùng an toàn, dùng được hằng ngày…” từ đó bán ngay tại phần giỏ hàng, phần bình luận… Từ những yếu tố này, có thể thấy rõ “bộ mặt thật”, thấy rõ chiến dịch “truyền thông bẩn” của các đối tượng trên.
“Táng tận lương tâm” hơn, khi những thông tin sai trái, "ngụy khoa học", nói 1 nửa sự thật để cố tình tạo nên hoang mang cho người dùng, đặc biêt là các mẹ có con nhỏ, non kiến thức – đối tượng mà đáng ra cần được cung cấp thông tin chính xác để nuôi nấng cho 1 thế hệ tương lai. Nguy hiểm hơn, sản phẩm này thực tế không đủ sức cạnh tranh, ít được các mẹ tin dùng, vậy mà các cá nhân vẫn bất chấp để bán cho trẻ sơ sinh sử dụng để trục lợi cá nhân.
Vi phạm pháp luật… từ online đến offline
Không chỉ dừng lại ở việc thuê hàng loạt KOC, KOL, kênh mẹ bỉm chạy video, đưa thông tin sai lệch về baking soda (NaHCO3), các cá nhân, đối tượng này còn thực hiện cả việc phát tán công khai tờ rơi với nội dung tương tự. Theo đó, trong nội dung các tờ rơi này, các đối tượng gieo rắc cho người tiêu dùng về thông tin sự sai lệch nghiêm trọng trên, tạo một “làn sóng” thông tin xuất hiện dày đặc, tác động liên tục từ đó làm thay đổi ý thức người dùng. Sau đó, so sánh các sản phẩm rồi đưa ra kết luận… đã khiến các mẹ không thể tin tưởng vào sản phẩm rất tốt mà mình vẫn đang dùng, thay đổi sang sử dụng sản phẩm kém chất lượng hơn.
Cụ thể, theo nội dung tờ rơi của các đối tượng này, sau khi đưa những thông tin chính xác như baking soda (NaHCO3) là gì?, sử dụng như thế nào cho đúng,… thì các đội tượng “cài cắm” thông tin “baking soda (NaHCO3) gây mòn men răng” rồi tự ý đưa ra kết luận không được dùng gạc rơ lưỡi chứa baking soda (NaHCO3) cho trẻ.
Các đối tượng này giải thích, không được dùng gạc rơ lưỡi chứa baking soda (NaHCO3) cho trẻ là vì “trẻ nhỏ men răng yếu, không chịu được chất tẩy rửa mạnh; sử dụng liên tục và kéo dài dễ gây nguy cơ xói mòn men răng; gây tổn thương răng, dễ sâu răng sau này”. Cùng với đó, không biết có được sự đồng ý hay không, các đối tượng còn “liều lĩnh” cắt ghép những lời chia sẻ của một bác sĩ tại Đại học Y Hà Nội để tuyên truyền cho kiến thức sai lệch này. Một điểm không đồng nhất cho thấy sự “chắp vá” kiến thức của các đối tượng này thể hiện ngay trong tờ rơi, khi nội dung trước đó đã nói rõ, baking soda (NaHCO3) đúng công thức thì hoàn toàn không gây hại.
Ngoài ra, như đã thông tin, trong các video, thông tin sai lệch, các đối tượng đưa thông tin về 4 loai rơ lưỡi bằng cách “giật tit” 'Review sự thât con đang dùng, sẽ khiến mẹ bất ngờ!”. Từ đó, các đối tượng so sánh thành phần, công dụng không đúng thực tế, sai sự thật về các nhãn sản phẩm, sau đó kết luận và khuyên người tiêu dùng nên sử dụng sản phẩm do họ phân phối. Hành vi này không những thế hiện “cái tâm không còn đủ tròn” của người làm nghề Y, bán sản phẩm y tế cho trẻ em mà còn vi phạm quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật quảng cáo.
Theo đó, theo khoản 10 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác là hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.
Cùng với đó, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Quảng cáo không đúng sự thật, Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh cũng bị cấm theo quy định tại Điều 7 Luật Quảng cáo 2012.
Căn cứ điểm b khoản 4, khoản 7, điểm a khoản 8 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thì hành vi quảng cáo hàng hóa bằng việc so sánh chất lượng hàng hóa với công ty đối thủ nhưng không chứng minh được nội dung sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng với tổ chức.
Đồng thời, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng. Và bị buộc, tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hàng hóa hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi vi phạm trên.
Đinh Hiệu