Trụ sở Techcombank đạt chứng nhận LEED Vàng về công trình xanh
Trụ sở Techcombank số 6 Quang Trung, Hà Nội và tòa nhà hội sở 23 Lê Duẩn, TP.HCM vừa được Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) trao chứng chỉ LEED Vàng. Để đạt được tiêu chuẩn này các công trình phải đáp ứng được 9 tiêu chí khắt khe nhất của USGBC.
Như vậy Trụ sở Techcombank số 6 Quang Trung, Hà Nội đã trở thành tòa nhà văn phòng đầu tiên của ngành ngân hàng Việt Nam được USGBC trao tặng chứng chỉ LEED Vàng cho công trình đẳng cấp thân thiện với môi trường.
Để đạt được chứng chỉ này, các công trình phải đáp ứng được 9 tiêu chí khắt khe nhất của USGBC, trong đó có thiết kế, xây dựng tòa nhà nội thất cho tới vận hành.
Tòa nhà Trụ sở Techcombank được USGBC đánh giá ở thang điểm (60-79 điểm) đạt tiêu chuẩn Vàng. Kết quả này vượt xa chứng chỉ LEED Bạc, thuộc thang điểm 50-59.
Được thiết kế bởi tập đoàn kiến trúc hàng đầu thế giới Foster + Partners, Hội sở Techcombank số 6 Quang Trung gây ấn tượng mạnh với dấu ấn “Tương lai trên nền di sản”, kết hợp hài hòa giữa thiết kế hiện đại hòa quyện cùng hoa văn tinh tế, mang đậm di sản Bắc Bộ và phố cổ Hà Nội.
Trong khi đó Hội sở 23 Lê Duẩn, TP Hồ Chí Minh lại thể hiện dòng năng lượng vượt thời gian của thành phố kinh tế năng động nhất Việt Nam. Foster + Partners đánh giá đây là “tác phẩm kiến trúc tinh tế của công nghệ hiện đại và phong cách thời thượng".
Chứng chỉ LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) là bộ tiêu chuẩn quan trọng trong xây dựng và thiết kế kiến trúc, do Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) phát triển từ năm 1995, nhằm tạo ra những công trình tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường trên toàn thế giới.
Trong hệ thống LEED, chứng chỉ LEED Bạch Kim (Platinum) là phân hạng cao nhất, theo sau bởi LEED Vàng (Gold), LEED Bạc (Silver) và tiêu chuẩn căn bản LEED.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Uỷ viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường, để thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh, hướng tới mục tiêu loại bỏ phát thải ròng trong tương lai, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ công trình đạt tiêu chí xanh; hỗ trợ chủ đầu tư công trình xanh.
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống nào được cơ quan quản lý Nhà nước chính thức ban hành như một công cụ có tính pháp lý để đánh giá, quản lý “Công trình xanh". Nhận thức về “Công trình xanh" vẫn chưa chính xác. Hầu hết công trình xanh được mọi người hiểu rằng “công trình xanh nghĩa là nhiều cây xanh".
Song ngoài kiến trúc xanh, công trình xanh còn phải đạt hiệu quả cao khi sử dụng năng lượng, nước, vật liệu… nhằm đảm bảo không tác động xấu tới sức khỏe người dân, giảm thiểu chất thải độc hại cho môi trường.
Nhật Hạ