0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 26/05/2025 14:31 (GMT+7)

Trái phiếu doanh nghiệp bứt tốc, bất động sản khởi sắc trở lại

Theo dõi KT&TD trên

Tháng 4, thị trường trái phiếu ghi nhận mức phát hành kỷ lục với hơn 46.300 tỷ đồng, tăng vọt 148% so tháng trước, nhóm bất động sản tái gia nhập cuộc chơi.

Làn sóng phát hành tăng tốc, ngân hàng dẫn dắt thị trường

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 4 chứng kiến sự khởi sắc mạnh mẽ với 33 đợt phát hành mới, tổng giá trị ước tính hơn 46.300 tỷ đồng – mức tăng ấn tượng 148% so với tháng trước và tăng 141% so với cùng kỳ năm 2024, theo dữ liệu từ Công ty Chứng khoán MBS.

Trong đó, nhóm ngân hàng tiếp tục giữ vai trò chủ lực với giá trị phát hành chiếm đến 73,2% toàn thị trường, tương đương 32.600 tỷ đồng. Các tổ chức phát hành đáng chú ý gồm Techcombank (13.500 tỷ đồng, kỳ hạn từ 2 đến 3 năm, lãi suất dao động 5,1% - 5,2%), VietinBank (6.500 tỷ đồng, kỳ hạn kéo dài đến 15 năm, lãi suất từ 5,73% - 6,35%).

Trái phiếu doanh nghiệp bứt tốc, bất động sản khởi sắc trở lại - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Sự gia tăng mạnh mẽ này được lý giải bởi nhu cầu tái cấu trúc nguồn vốn dài hạn, giảm phụ thuộc vào vốn ngắn hạn, cũng như chủ động trong chiến lược tài chính của các tổ chức tín dụng trong bối cảnh điều kiện thị trường có dấu hiệu tích cực trở lại.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, lượng TPDN phát hành đạt hơn 71.400 tỷ đồng, tăng 58,7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, hình thức phát hành ra công chúng đang dần chiếm ưu thế, ghi nhận 13 đợt phát hành với tổng trị giá hơn 27.100 tỷ đồng, tăng tới 154% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm ngân hàng hiện vẫn là trụ cột của thị trường với gần 52.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành trong 4 tháng – cao gấp gần 4 lần so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 72,6%. Mức lãi suất bình quân ở ngưỡng 6%/năm, kỳ hạn bình quân là 4,84 năm, cho thấy chiến lược cân đối giữa chi phí vốn và kế hoạch tăng trưởng trung - dài hạn.

Bất động sản quay lại thị trường, nợ xấu vẫn là nỗi lo

Sau giai đoạn trầm lắng, nhóm doanh nghiệp bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục khi quay trở lại thị trường trái phiếu trong tháng 4. Tổng giá trị phát hành của nhóm này đạt gần 12.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 17,1% tổng giá trị trái phiếu trong tháng.

Các đợt phát hành nổi bật bao gồm Vingroup (9.000 tỷ đồng, kỳ hạn từ 2 đến 3 năm, lãi suất 12% - 12,5%), Công ty CP Tư vấn và Kinh doanh BĐS TCO (3.000 tỷ đồng) và Oleco – NQ (490 tỷ đồng). Lãi suất bình quân nhóm bất động sản ở mức cao 11%/năm, kỳ hạn bình quân 2,72 năm, phản ánh rủi ro tín dụng vẫn còn hiện hữu.

Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể, lượng phát hành của bất động sản trong 4 tháng vẫn giảm 41% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy doanh nghiệp ngành này vẫn thận trọng với kênh huy động vốn này sau hàng loạt sự cố về thanh khoản và pháp lý những năm trước.

Song song đó, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn cũng sôi động hơn. Riêng trong tháng 4, các doanh nghiệp đã chi hơn 12.100 tỷ đồng để tất toán sớm trái phiếu – tăng 21,4% so với tháng trước. Nhóm ngân hàng chiếm 53,3% trong số này, trong khi bất động sản chiếm 28,5%.

Tính từ đầu năm, tổng giá trị mua lại đạt gần 39.600 tỷ đồng – giảm 15,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lượng trái phiếu bất động sản được mua lại tăng mạnh 65,2%, cho thấy áp lực nợ và nghĩa vụ thanh toán đang được doanh nghiệp chủ động kiểm soát hơn.

Dù vậy, bức tranh thị trường vẫn có những gam màu tối khi tháng 4 ghi nhận thêm ba doanh nghiệp chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, với tổng giá trị hơn 721 tỷ đồng. Các doanh nghiệp gồm Xây dựng Tracodi, BB Power Holdings và Đầu tư Năng lượng Hoàng Sơn 2.

Tính đến cuối tháng 4, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp quá hạn nghĩa vụ thanh toán ước lên tới 209.600 tỷ đồng – tương đương khoảng 20% tổng dư nợ trái phiếu toàn thị trường. Trong đó, bất động sản tiếp tục là điểm nghẽn lớn nhất khi chiếm đến 69% giá trị chậm trả.

Dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có dấu hiệu phục hồi mạnh về quy mô và số lượng phát hành, đặc biệt từ các nhóm ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản, nhưng tính bền vững vẫn còn là dấu hỏi lớn. Áp lực nợ đến hạn, cùng rủi ro chậm trả vẫn đang là thách thức mà nhà đầu tư và doanh nghiệp phải thận trọng đối mặt. Trong bối cảnh đó, việc duy trì minh bạch thông tin, nâng cao chất lượng tài sản và củng cố niềm tin thị trường là yếu tố sống còn cho giai đoạn tới.

BN

Bạn đang đọc bài viết Trái phiếu doanh nghiệp bứt tốc, bất động sản khởi sắc trở lại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

"Đánh" thuế tài sản số: Những bài toán vẫn cần lời giải
Việt Nam đang đi đúng hướng khi xây dựng khung pháp lý cho tài sản số, phù hợp với xu thế của quốc tế. Dẫu vậy, việc tận dụng cơ hội và thu nguồn lợi từ thị trường tiền số vẫn nhiều thách thức từ môi trường pháp lý đến công nghệ...
Kinh tế tiêu dùng số: Thay đổi từ cú click chuột
Trong khoảng thời gian chưa đầy ba thập kỷ, thế giới đã chứng kiến một cuộc cách mạng thầm lặng nhưng mạnh mẽ, nơi mà những cú click chuột đơn giản đã biến đổi hoàn toàn cách thức con người tiêu dùng, mua sắm và tương tác với nền kinh tế toàn cầu.

Tin mới

Thị trường chứng khoán 23/7: Cổ phiếu vừa và nhỏ bứt phá, VN-Index giữ vững sắc xanh
Phiên giao dịch ngày 23/7 tiếp tục khép lại trong sắc xanh, nhưng đà tăng của chỉ số VN-Index đã có phần “hạ nhiệt” so với phiên bùng nổ trước đó. Dòng tiền thị trường có sự dịch chuyển rõ rệt, khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trở thành tâm điểm hút vốn thay vì các mã vốn hóa lớn.
Startup trà sữa: Nhượng quyền hay tự xây thương hiệu?
Trong bối cảnh thị trường trà sữa Việt Nam đang bùng nổ với giá trị hàng tỷ USD, những người có ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực này thường đứng trước một lựa chọn quan trọng: tham gia mô hình nhượng quyền từ các thương hiệu đã có tên tuổi hay tự tay xây dựng một thương hiệu riêng từ con số không.