TP.HCM tăng cường phối hợp triển khai các dự án nhà ở xã hội
Vừa qua, HĐND TP.HCM đã đề nghị các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn để triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 – 2025.
Nguồn cung còn khiêm tốn so với nhu cầu
Sáng ngày 25/10, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM làm trưởng đoàn giám sát tại Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và Cục thuế TP.HCM về giám sát việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội (NOXH) trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 – 2025.
Tại buổi làm việc với Sở Xây dựng, đoàn giám sát HĐND TP.HCM đã được nghe đại diện sở này báo cáo về tình hình phát triển, hỗ trợ các gói vay hỗ trợ mua NOXH.
Theo ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP.HCM thông tin, từ khi Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, Chính phủ đã có gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho các chủ đầu tư vay để thực hiện dự án NOXH và người dân vay để mua NOXH.
Sau đó, Chính phủ đã xác định rõ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định thực hiện việc cho vay ưu đãi hỗ trợ NOXH; Tiêu chuẩn diện tích NOXH từ 25 - 70 m2 là phù hợp với thực tiễn, đã từng bước thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng NOXH đáp ứng được một phần nhà ở cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, công nhân và các đối tượng thu nhập thấp trên địa bàn TP.HCM.
Cũng theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, trong giai đoạn 2016 – 2020, TPHCM đã có 19 dự án NOXH đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn này, cung ứng cho thị trường 1,23 triệu m2 sàn, tương ứng 14.954 căn hộ; 1 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 1.449 phòng, đáp ứng 7.596 chỗ ở cho công nhân.
Giai đoạn 2021 – 2025 ( tính đến hết Quý II năm 2023), TP.HCM đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 dự án với diện tích sàn xây dựng 59.893 m2, quy mô 623 căn hộ; có 7 dự án NOXH và nhà lưu trú công nhân đang thi công với quy mô 4.996 căn hộ, tổng diện tích sàn 383.258 m2, trong đó có 6 dự án NOXH với quy mô 3.956 căn hộ, tổng diện tích sàn 289.326 m2; và 1 dự án nhà lưu trú công nhân với 1.040 căn, tổng diện tích sàn 93.932 m2; có 82 dự án đang được thống kê để theo dõi trong kế hoạch phát triển NOXH.
Ông Phạm Đăng Hồ nhận định, thời gian qua, tình hình phát triển NOXH của TP.HCM mặc dù chưa thể đáp ứng hết nhu cầu rất lớn về nhà ở của các nhóm đối tượng có nhu cầu về NOXH, nhưng đã giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của một bộ phận người thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở trên địa bàn TP.HCM.
Về nguyên nhân dẫn tới việc triển khai các dự án NOXH chưa thể đáp ứng nhu cầu của người lao động, ông Phạm Đăng Hồ cho rằng, vẫn còn bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ để các dự án NOXH. Trong đó, đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10 ha, tuy đã xác định quỹ đất 20% xây dựng NOXH, nhưng chủ đầu tư dự án chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nên chưa triển khai đầu tư xây dựng NOXH.
Cũng theo đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, quy định đối với dự án NOXH được miễn tiền sử dụng đất, nhưng thực tế các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng NOXH đã tạo lập quỹ đất bằng cách tự thỏa thuận với người dân chi phí để giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn đưa chi phí này vào giá thành thực tế triển khai dự án.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết thêm, quỹ đất để phát triển NOXH hiện nay chủ yếu từ quỹ đất 20%, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải bàn giao, và đất do các doanh nghiệp tự bồi thường, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng. Loại hình NOXH chưa đa dạng, các loại căn hộ có diện tích nhỏ từ 25 đến 30 m2 và giá bán từ 300 đến 400 triệu đồng/căn và NOXH để cho thuê, thuê mua còn ít chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại chậm bàn giao quỹ đất 20% tại dự án cho Nhà nước hoặc chậm triển khai dự án NOXH trên phần đất 20% này.
Một số khó khăn về cơ chế, chính sách cũng được đại diện Sở Xây dựng TP.HCM chỉ rõ, nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện dự án NOXH, vay vốn xây dựng, các đối tượng được hưởng chính sách NOXH vay vốn mua nhà chưa ổn định. Bởi theo quy định, các dự án NOXH phải dành tối thiểu 20% số căn hộ của dự án để cho thuê, sau 5 năm mới được bán, làm chậm thu hồi vốn, dẫn đến kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Ngoài ra, TP.HCM cũng có chính sách cho vay đối với các đối tượng thu nhập thấp thông qua Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM (được vay tối đa 900 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 4,7%/năm). Tuy nhiên, mức vay này còn thấp so với giá trị căn nhà và đối tượng được vay còn hạn chế. Do đó, TP.HCM cần tăng mức cho vay và mở rộng đối tượng được vay vốn.
Cần tạo ra cơ chế thuận lợi hơn để phát triển NOXH
Sau khi nêu ra các khó khăn, vướng mắc trong phát triển NOXH trên địa bàn TP.HCM, đại diện Sở Xây dựng cũng đưa ra một số kiến nghị tới đoàn giám sát để trình Trung ương.
Cụ thể, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị Trung ương cần ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở nói chung và NOXH nói riêng để các địa phương triển khai thực hiện theo hướng cắt giảm hoặc liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Đồng thời, nghiên cứu ban hành quy định hướng dẫn việc xác định, phân bổ và hoàn trả các chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong trường hợp chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quỹ đất ở 20% để xây dựng NOXH.
Ngoài ra, Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp, nhà ở cho thuê, nhằm tạo thêm nguồn cung về nhà ở cho các đối tượng công nhân người lao động có thu nhập thấp.
Cho phép UBND TP.HCM quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ NOXH đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha đến dưới 10 ha theo 1 trong 3 hình thức: hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng NOXH, hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước tại thời điểm chuyển giao để sử dụng làm NOXH, hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất của chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên, thực hiện nghĩa vụ NOXH bằng hình thức dành quỹ đất 20% trong dự án theo quy định; Bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để thực hiện chính sách NOXH theo Luật Nhà ở 2014, để cho các doanh nghiệp vay để đầu tư phát triển NOXH; Cần tạo nguồn vốn dài hạn, ổn định với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ cho chủ đầu tư vay để thực hiện dự án nhà ở xã hội và các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở được vay mua nhà; Cho phép thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc TP.HCM để đầu tư, phát triển, quản lý NOXH trên địa bàn TP.HCM.
Đối với vấn đề cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) cho các đối tượng được sở hữu NOXH, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, qua rà soát giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2023, có 20 dự án có quyết định giao đất để thực hiện dự án NOXH, trong đó, có 18 dự án thuộc giai đoạn 2016-2020. Tính đến nay, có 6 dự án đã và đang được cấp GCN.
Sau khi nghe báo cáo của đại diện Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện đoàn giám sát, bà Nguyễn Thị Thanh Vân ghi nhận và đánh giá cao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và Cục thuế TP đã nỗ lực triển khai thực hiện các dự án NOXH trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 – 2025 có kết quả nhất định trong thời gian qua. Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân đề nghị các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn để triển khai thực hiện các dự án NOXH trên địa bàn TPHCM trong giai đoạn tiếp theo.
Đối với Sở Xây dựng, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM đề nghị rà soát những nội dung vướng mắc, đánh giá cụ thể, theo dõi tiến độ và có đề xuất triển khai thực hiện các dự án chậm hoặc chưa triển khai.
Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, bà Nguyễn Thị Thanh Vân đề nghị rà soát đối với nguồn gốc đất đối với 12 dự án trình Ban chỉ đạo để giải quyết các bước tiếp theo; rà soát các khu đất chậm đưa vào sử dụng để trách lãng phí nguồn lực đất đai.
Cuối cùng, đối với những đề xuất, kiến nghị của các sở ngành liên qua nêu trong báo cáo, đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp trao đổi với UBND TP.HCM tại buổi giám sát với UBND TP.HCM.
Theo đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, Thủ tướng giao TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 phát triển 69.700 căn nhà ở xã hội. Theo chương trình phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030, đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh sẽ phát triển 93.000 căn nhà ở xã hội.
Song Anh (t/h)