TPBVSK Bình Vị Quản quảng cáo sai sự thật, lừa dối NTD về công dụng
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), vừa phát cảnh báo về việc thông tin quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bình Vị Quản trên mạng vi phạm quy định của pháp luật, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Quảng cáo tràn lan trên mạng nhưng cơ sở sản xuất Bình Vị Quản phủ nhận
Ngày 13/7/2023, Cục An toàn thực phẩm đã phát đi cảnh báo về sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bình Vị Quản được quảng cáo vi phạm các quy định của pháp luật, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Cụ thể, trong thời gian vừa qua tại một số website, đường link đã quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bình Vị Quản vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm (quảng cáo sản phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; sử dụng hình ảnh bác sĩ, ý kiến bệnh nhân mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh, quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định).
Một số website, đường link được Cục An toàn thực phẩm cảnh báo:
- https://tiyanbvq.com/
- https://www.binhviquan.vn/
- https://www.binhviquan.online/nguyenvantoai?fbclid=IwAR2O4RPEMxWAN2u3g7W8SHF-XvQ0VwlGYH9xD7FX6dwfYotsh1VCgzsB9ns
- https://www.facebook.com/baksotelerrtaiwan/photos/3060508044254816
Được biết, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bình Vị Quản do Công ty TNHH Đông dược và sức khỏe Doanh Diễm (tên cũ: Công ty TNHH D.BOLD), có địa chỉ trụ sở chính: Thôn Thọ Khê, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Tại buổi làm việc với Cục An toàn thực phẩm vào ngày 23/6/2023, Giám đốc Công ty TNHH Đông dược và sức khỏe Doanh Diễm khẳng định, Công ty không thực hiện và không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bình Vị Quản tại các đường link nêu trên.
Hiện nay, Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo vi phạm tại đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Lấy hình ảnh bác sĩ để quảng cáo thực phẩm Bình Vị Quản trái quy định
Ghi nhận của phóng viên vào sáng 14/7, hai trong số bốn đường link đăng tải nội dung quảng cáo sản phẩm Bình Vị Quản được Cục An toàn thực phẩm cảnh báo hiện đã bị vô hiệu hóa, không thể truy cập.
Hai đường link còn lại là https://tiyanbvq.com/ và https://www.binhviquan.vn/ vẫn truy cập bình thường và còn những quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Đáng nói, những website này còn sử dụng hình ảnh bác sỹ, ý kiến bệnh nhân để mô tả, thổi phồng công dụng của Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bình Vị Quản thành bài thuốc chữa dứt điểm bệnh dạ dày.
Điều đáng nói, trong các clip quảng cáo thực phẩm Bình Vị Quản, còn có dấu hiệu ghép logo VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam, để thu hút niềm tin của người bệnh. Ngoài ra, những người bệnh trong clip quảng cáo, được cho là đã khỏi bệnh dạ dày nhờ Bình Vị Quản, thì đều là những diễn viên nghiệp dư được thuê vào vai diễn để đóng giả người bệnh.
Theo tìm hiểu, sản phẩm Bình Vị Quản được quảng cáo với công dụng bảo vệ và làm tăng khả năng niêm mạc của dạ dày; Gây suy yếu, ức chế và đào thảo vi khuẩn chủng HP; Giảm tiết acid dịch vị, giúp làm giảm nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng.
Đối với các thông tin quảng cáo về sản phẩm Bình Vị Quản nói riêng hay các sản phẩm thực phẩm chức năng nói chung trên Internet, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi quyết định mua để tránh tình trạng 'tiền mất, tật mang'.
Hầu hết các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo “nổ” vi phạm quy định. Với những trường hợp như vậy, Cục An toàn thực phẩm đăng tải thông tin công khai, khuyến cáo người tiêu dùng trong khi cơ quan chức năng đang xử lý, người dân không mua, sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật.
Tất cả các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo trên mạng xã hội dùng thư tín bệnh nhân, hình ảnh cơ sở y tế, danh nghĩa cơ quan y tế, hình ảnh bác sĩ, có công dụng chữa bệnh nọ bệnh kia hoàn toàn sai sự thật, tuyệt đối không mua. Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và “thổi phồng” như thuốc chữa bệnh hiện nay như: sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan..., thậm chí có thuốc quảng cáo phải dùng vài tháng mới thấy tác dụng, chính thời gian này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân, rất nguy hiểm.
Do đó, trước khi sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.
Theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, (có hiệu lực từ 20/10/2018) thay thế cho Nghị định số 178/2013/NĐ-CP với mức xử phạt cao hơn, mang lại giá trị răn đe tốt hơn với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.
Cụ thể, Nghị định này quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm răn đe hơn so với Nghị định số 178/2013/NĐ-CP: Quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.
Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, cần phải lưu ý rằng đây không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
Đinh Toàn