Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua diễn biến phức tạp
Trong thời gian gần đây, tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã trở nên ngày càng phức tạp và tinh vi, gây ra nhiều thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.
Những thủ đoạn lừa đảo không ngừng được cập nhật, từ việc giả danh cơ quan nhà nước, ngân hàng, đến các chiêu trò tinh vi qua mạng xã hội, khiến người dân dễ dàng rơi vào bẫy.
Theo đó, thời gian qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, trong tháng 8/2024, cả nước xảy ra 815 vụ, tăng hơn 11%, chiếm gần 16% trong cơ cấu tội phạm, trong đó tội phạm lừa đảo qua mạng chiếm gần 55% tổng số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá 50% các vụ lừa đảo sử dụng không gian mạng. Tội phạm sử dụng nhiều thủ đoạn, như: giả mạo các cơ quan, tổ chức thuế, ngân hàng, công an… để gọi điện thoại lừa gạt; giả mạo website các tập đoàn, công ty, thương hiệu lớn để thu hút vốn đầu tư, tuyển dụng nhân sự; lập các trang Facebook có logo của các trường đại học để lừa đảo tiền học phí, lệ phí...
Bộ Công an cũng đã phát hiện những vụ rất lớn có đầy đủ quy trình, quy phạm, giáo trình hướng dẫn các bước… đưa một người bình thường mắc bẫy qua không gian mạng. Các đối tượng triệt để sử dụng các ứng dụng, công nghệ, phương tiện hiện đại để thực hiện hành vi phạm tội, hoạt động ẩn danh, khó truy vết. Phần lớn hoạt động có tổ chức, nhưng chỉ liên lạc, móc nối qua không gian mạng, không có tiếp xúc, trao đổi trực tiếp. Dự báo trong thời gian tới, lừa đảo trên không gian mạng tiếp tục là chủ đề không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực, quốc tế đều phải đối mặt.
Về phòng ngừa, Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan các cấp nhấn mạnh công tác tuyên truyền. An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao duy trì 3 kênh trên không gian mạng: Facebook, Tiktok, Zalo để trao đổi, tuyên truyền, phổ biến các thông tin về tội phạm trên không gian mạng. Thời gian gần đây, một số vụ việc của người dân, nhiều ngân hàng đã chủ động phát hiện, ngăn chặn được hành vi lừa đảo.
Bộ Công an cùng với các bộ, ngành phối hợp ngăn chặn các lỗ hổng có thể sử dụng được; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông ngăn chặn sim rác, giảm tải sim rác, đảm bảo chính chủ sử dụng thuê bao; phối hợp với ngân hàng chống tài khoản ảo. Gần đây, hệ thống ngân hàng đã áp dụng biện pháp khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải kiểm tra sinh trắc học. Việc ứng dụng những biện pháp phòng ngừa này bắt đầu giảm hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng của các đối tượng phạm tội.
Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia cũng vừa ban hành phần mềm giúp phát hiện lừa đảo trên không gian mạng, cài đặt phần mềm này nếu có giao dịch, có cuộc gọi trên không gian mạng sẽ cảnh báo nguy cơ bị lừa đảo. Đây là công cụ tốt cho việc phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Về công tác đấu tranh, Bộ Công an đã chỉ đạo rất nhiều chuyên đề, kế hoạch để tập trung điều tra, xét xử nghiêm các vụ lừa đảo trên không gian mạng. Rà soát, vô hiệu hóa các website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn giả mạo các cơ quan, tổ chức để lừa đảo trên không gian mạng (từ tháng 3/2024 đến tháng 8/2024 đã vô hiệu hóa hơn 400 nghìn website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn hoạt động lừa đảo trực tuyến). Trên thực tế, khi xóa bỏ trang web này họ lại thay tên, đổi họ chuyển đổi trang web khác.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đã đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để khẩn trương truy vết dòng tiền, tạm thời khóa và phong tỏa tài sản có liên quan đến hoạt động lừa đảo phạm tội chiếm đoạt tài sản.
Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, đặc biệt là lừa đảo qua mạng, Người phát ngôn Bộ Công an đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm khai thác, lan tỏa thông tin cảnh báo tội phạm, góp phần nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác cho Nhân dân...
Đồng thời, Bộ Công an đề nghị người dân thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm; cảnh giác khi nhận các cuộc gọi mà người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, yêu cầu điều tra, giải quyết vụ án qua điện thoại; thận trọng, rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện tử, giao dịch trực tuyến. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động phạm tội thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ an ninh trật tự và an toàn tài chính của người dân. Để phòng tránh rủi ro, mỗi cá nhân cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết và luôn giữ vững tinh thần cảnh giác trước mọi thông tin không rõ ràng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý và nâng cao hiệu quả phòng ngừa để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Tiến Hoàng