Nhà đầu tư cẩn trọng trước các thủ đoạn lừa đảo đầu tư chứng khoán trên không gian mạng
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vừa có khuyến cáo đến người dân khi nhận được chào mời tham gia diễn đàn, hội nhóm đầu tư chứng khoán trên không gian mạng hoặc tải, cài đặt, sử dụng các ứng dụng (app) giao dịch.
Theo đó, các đối tượng này giới thiệu cho người dân về cơ hội đầu tư chứng khoán, đồng thời mời gọi tham gia vào các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội như Facebook, Zalo... để nhận được tư vấn đầu tư chứng khoán, giao dịch chứng khoán hoặc thực hiện tải, cài đặt, sử dụng các ứng dụng (app) giao dịch.
Trước tình hình trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến cáo người dân nâng cao ý thức cảnh giác khi nhận cuộc gọi điện thoại của người lạ; Cẩn trọng, cân nhắc tránh bị lôi kéo, tham gia các ứng dụng, diễn đàn, hội nhóm trên không gian mạng với mục đích đầu tư chứng khoán.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán cần trang bị cho mình kiến thức về chứng khoán, thị trường chứng khoán và tìm hiểu thông tin liên quan đến thị trường chứng khoán tại các kênh chính thống của cơ quan quản lý, đơn vị vận hành thị trường và các tổ chức kinh doanh chứng khoán có chức năng tư vấn, môi giới chứng khoán đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết chiêu trò lừa đảo đầu tư chứng khoán qua mạng xã hội:
- Lời hứa sinh lời quá cao: Sàn đầu tư lừa đảo thường hứa lợi nhuận vượt trội, những lời mời gọi như nếu thua lỗ thì sẽ được đền bù và giá mua các mã cổ phiếu qua các Quỹ đầu tư sẽ có ưu đãi từ 15%-30% so với giá đang giao dịch.
- Thiếu thông tin minh bạch: cung cấp không đầy đủ thông tin về công ty, giấy phép hoạt động, lịch sử giao dịch và nhân sự quản lý, cũng như các tài khoản ảo, các lượt đánh giá app, website ảo trên mạng xã hội
- Yêu cầu chuyển tiền vào App, website: Yêu cầu người tham gia chuyển khoản vào link, vào app khi bắt đầu giao dịch, thường là dưới hình thức phí đăng ký, phí tham gia hoặc tiền ký quỹ và khi bị trục trặc thì vô hiệu hóa tài khoản của người tham gia.
Trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư chứng khoán, nếu nhận thấy một trong những dấu hiệu trên, người dân nên cần cân nhắc và chú ý để tránh mất tiền của, thời gian, công sức.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, trường hợp có nghi ngờ hoặc phát hiện các cá nhân mạo danh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cung cấp thông tin sai sự thật và các hành vi lừa đảo khác, đề nghị người dân thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực tế trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán đã liên tục chứng kiến sự gia tăng của các vụ lừa đảo đầu tư thông qua không gian mạng. Những hành vi lừa đảo này không chỉ trở nên phổ biến hơn mà còn ngày càng tinh vi và phức tạp, gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều nhà đầu tư.
Điển hình, ngày 20/8 vừa qua, Công ty Chứng khoán SSI đã phát cảnh báo về việc các đối tượng lừa đảo giả mạo hình ảnh cá nhân lãnh đạo SSI bằng cách sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện các livestream tư vấn đầu tư
Theo đó, đối tượng lừa đảo đã lập tài khoản có tên Nguyễn Duy Hưng trên nền tảng Zalo để đưa ra các nhận định, tư vấn.
Từ nền tảng Zalo, đối tượng tiếp tục điều hướng vào nhóm kín trên nền tảng Telegram. Tại đây, đối tượng sử dụng công nghệ AI tạo hình ảnh, video giả mạo Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng của Công ty Chứng khoán SSI tư vấn đầu tư chứng khoán nhằm dụ dỗ nhà đầu tư vào cạm bẫy.
Không chỉ riêng SSI, mà nhiều công ty chứng khoán khác như MBS hay VNDirect cũng không ngừng đưa ra những cảnh báo về tình trạng đáng lo ngại này.
Theo các chuyên gia kinh tế, để tạo sự tin tưởng, các đối tượng lừa đảo thậm chí còn hỗ trợ nạn nhân tiền để tham gia đầu tư, và nhận được lợi nhuận chỉ sau vài lần giao dịch với số tiền đầu tư nhỏ.
Vì vậy, người dân tuyệt đối không nên đầu tư vào các website tài chính, cũng như không tham gia vào các trang kêu gọi đầu tư chứng khoán, tiền ảo, bởi toàn bộ các trang và các hoạt động đầu tư này đều không được Nhà nước Việt Nam thừa nhận, cấp phép.
Tiến Hoàng