Các hình thức lừa đảo giả mạo ngân hàng ngày càng gia tăng
Trong thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo giả mạo ngân hàng đã trở thành một vấn đề đáng báo động, với số lượng các vụ lừa đảo không ngừng gia tăng.
Những kẻ gian ngày càng tinh vi trong việc lợi dụng sự thiếu cảnh giác và thiếu hiểu biết của người dân để chiếm đoạt tài sản thông qua các chiêu trò lừa đảo công nghệ cao.
Theo cảnh báo từ các ngân hàng, một số hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay bao gồm: hỗ trợ cài đặt sinh trắc học, nâng hạn mức thẻ tín dụng, hỗ trợ gói vay ưu đãi, khóa thẻ, ứng lương...
Trong cảnh báo mới đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết kẻ gian thường giả danh nhân viên ngân hàng bằng cách tạo các tài khoản ảo với tên gọi như "Nhân viên ngân hàng", "Hỗ trợ khách hàng". Chúng liên hệ với khách hàng qua điện thoại, tin nhắn, hoặc mạng xã hội như zalo, facebook... để hỗ trợ cài đặt thông tin sinh trắc học.
Thậm chí, có trường hợp kẻ gian còn tương tác với bình luận của khách hàng dưới các bài viết trên fanpage chính thức của ngân hàng để giả danh nhân viên và hướng dẫn khách hàng đăng ký xác thực khuôn mặt.
Mục đích của chúng là thu thập thông tin cá nhân, các dữ liệu bảo mật liên quan đến dịch vụ ngân hàng trực tuyến, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt của khách hàng... Đôi khi, chúng còn yêu cầu cuộc gọi video để ghi lại giọng nói và cử chỉ của khách hàng.
Tiếp theo, kẻ gian thường dẫn dụ khách hàng truy cập vào các đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng giả mạo, nhằm thu thập sinh trắc học trên điện thoại.
Với chiêu lừa đảo này, thậm chí kẻ gian còn mạo danh cả Ngân hàng Nhà nước, tạo giao diện giả mạo hòm thư điện tử (email) của Ngân hàng Nhà nước với địa chỉ "no-reply@sbvgov.site", nhằm lừa khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học phục vụ cho các giao dịch ngân hàng.
NHNN khẳng định đây là hành vi mạo danh NHNN lừa người nhận thư thực hiện theo yêu cầu của kẻ lừa đảo để thu thập thông tin khách hàng. Cụ thể, bằng cách dẫn dụ khách hàng nhận thư bấm vào đường link giả mạo để tải và cài đặt ứng dụng thu thập thông tin sinh trắc học nhưng thực chất là tải về tệp (file) có chứa mã độc, phần mềm gián điệp, khai thác thông tin của khách hàng để chiếm quyền kiểm soát thiết bị cá nhân, tài khoản ngân hàng của khách hàng hoặc đánh cắp thông tin, dữ liệu nạn nhân để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
Hiện nay, NHNN chỉ cung cấp thông tin đến công chúng chính thức qua Cổng thông tin điện tử NHNN tại địa chỉ (https://www.sbv.gov.vn). NHNN không gửi thư điện tử (email) trực tiếp đến khách hàng của tổ chức tín dụng đề nghị cập nhật thông tin sinh trắc học. Do đó, NHNN đề nghị người dân, khách hàng các tổ chức tín dụng hết sức đề cao cảnh giác, không bấm vào các đường link lạ được gửi qua chat, SMS hoặc email; không cung cấp thông tin cá nhân cho các trang web không rõ nguồn gốc; không cung cấp mật khẩu dùng một lần (mã OTP), mật khẩu ngân hàng điện tử/ ứng dụng ngân hàng di động (internet banking/ mobile banking)... cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng;
Người dân, khách hàng phải cẩn trọng, cảnh giác khi tiếp nhận, xử lý thông tin, yêu cầu từ các kênh thông tin không chính thức, không rõ nguồn gốc (như thông tin không phải từ các kênh thông tin chính thức của cơ quan nhà nước đã được công bố công khai).
Theo khuyến cáo của các ngân hàng, có 6 dấu hiệu nhận biết cuộc gọi mạo danh cán bộ ngân hàng, bao gồm:
1. Cuộc gọi từ số điện thoại lạ
Ngân hàng chỉ liên hệ với khách hàng qua đầu số hiển thị tên thương hiệu của ngân hàng.
2. Giới thiệu là nhân viên ngân hàng một cách chung chung
Đối tượng giới thiệu nhân viên ngân hàng từ hội sở hay nhân viên chăm sóc khách hàng trụ sở chính.
Cuộc gọi chính thức từ ngân hàng sẽ từ cán bộ trung tâm dịch vụ khách hàng hoặc tên chi nhánh cụ thể.
3. Yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu
Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật như mật khẩu, mã OTP, mã PIN thẻ, màn hình giao dịch,... cũng như không bao giờ yêu cầu khách hàng nộp tiền vào tài khoản.
Do vậy, người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập tài khoản, mã PIN thẻ, mã OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại, kể cả khi người gọi tự xưng là nhân viên ngân hàng.
4. Yêu cầu kết bạn qua Zalo, Facebook hay mạng xã hội khác để hướng dẫn mở thẻ, mở tài khoản,...
Ngân hàng chỉ hướng dẫn khách hàng đăng ký mở thẻ/mở tài khoản thông qua hai kênh là tại quầy hoặc mở trực tuyến trên ứng dụng chính thức và duy nhất của mỗi ngân hàng và không yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật cũng như nộp tiền vào tài khoản.
5. Gọi lại số điện thoại thường không liên lạc được
Khi khách hàng gọi lại số điện thoại nghi ngờ lừa đảo thì không có tín hiệu hoặc rất lâu mới có tín hiệu, có tín hiệu nhưng không có người bắt máy.
6. Tạo áp lực, hối thúc
Kẻ gian thường tạo áp lực, hối thúc “con mồi” cung cấp thông tin hoặc thực hiện giao dịch ngay lập tức. Trong trường hợp này, hãy bình tĩnh và từ chối cung cấp thông tin hoặc từ chối thực hiện giao dịch.
Bên cạnh chiêu lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng, gần đây các đối tượng lừa đảo gia tăng tiếp cận người có tài khoản ngân hàng bằng cách giả danh cơ quan chức năng (công an, thuế,... ) yêu cầu cài đặt dịch vụ công.
Tiến Hoàng