Thị trường chứng khoán chờ đợi bùng nổ về thanh khoản
Sau chuỗi tăng điểm mạnh, thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn giằng co, thận trọng. Nhiều chuyên gia nhận định có thể sẽ xuất hiện vài phiên điều chỉnh kỹ thuật trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ mới và dòng tiền có dấu hiệu phân hóa.
Trong thời gian gần đây, VN-Index đã có nhịp tăng ấn tượng, tiến sát các vùng cản tâm lý như 1.300 điểm. Tuy nhiên, đà tăng này đang tạm chững lại khi nhiều cổ phiếu đã tăng "nóng" và dòng tiền bắt đầu có sự luân chuyển sang nhóm midcap, penny hoặc cổ phiếu đầu cơ ngắn hạn.
Áp lực chốt lời xuất hiện tại nhiều nhóm ngành đã tăng mạnh như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, khiến chỉ số không còn giữ được đà bứt phá như trước. "Thị trường đang thiếu thông tin tích cực mang tính hỗ trợ mạnh. Trong ngắn hạn, việc xuất hiện các phiên điều chỉnh là điều hoàn toàn bình thường, mang tính kỹ thuật và giúp nhà đầu tư đánh giá lại mặt bằng giá cổ phiếu", chuyên gia phân tích tại một công ty chứng khoán cho biết.

Trong tuần cuối của tháng 6 vừa qua, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm với mức tăng hơn 22 điểm (+1,64%) khi có sự đóng góp chính đến từ MSN (+13,78%), VIC (+10%), VHM (+9,69%). Kết tuần từ 23-27.6, VN-Index tăng 22,09 điểm so với tuần trước, đóng cửa tại mốc cao nhất từ đầu năm 1.371,44 điểm.
Điểm đáng chú ý là thị trường lúc này vẫn chưa ghi nhận sự đồng thuận rõ ràng từ dòng tiền. Việc thanh khoản liên tục giảm và duy trì mức thấp cho thấy, tâm lý có phần thận trọng của nhà đầu tư ở vùng điểm số mới. Nhiều chuyên gia lý giải dòng tiền đang dành sự ưu tiên cho các cổ phiếu vốn hoá lớn, thay vì lan tỏa trên toàn thị trường.
Bước sang tuần giao dịch đầu tháng 7, các chuyên gia đánh giá sẽ có nhiều yếu tố có khả năng tác động mạnh đến thị trường, đặc biệt là thời điểm tiệm cận kỳ hạn kết thúc hoãn áp thuế đối ứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vào ngày 8/7.
Bên cạnh đó là thời điểm các doanh nghiệp niêm yết sẽ công bố báo cáo tài chính quý II/2025 từ đầu tháng 7/2025, thông thường tuần thứ 3 của tháng 7 sẽ ghi nhận số lượng công ty công bố nhiều nhất.
Giới chuyên gia đánh giá khả quan về bức tranh lợi nhuận quý II của ngành ngân hàng, lĩnh vực có vốn hóa lớn nhất và cũng chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu lợi nhuận toàn thị trường. Theo đó, nhóm ngân hàng được dự báo có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân 12% - 15% nhờ nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Trong khi đó, nhóm bất động sản sẽ ghi nhận diễn biến phân hóa mạnh do hoạt động bàn giao các sản phẩm bất động sản có sự khác biệt lớn (về thời điểm) giữa các doanh nghiệp trong ngành.
Nhận định về xu hướng chuyển động của thị trường, TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư chiến lược của DG Capital cho rằng, trong bối cảnh thông tin hỗ trợ chưa được xác nhận chính thức và tâm lý thị trường đang khá nhạy cảm, VN-Index có thể sẽ xuất hiện 1-2 phiên điều chỉnh đầu tuần trước khi xác lập xu hướng mới.
Giai đoạn nửa cuối tuần sau sẽ rất đáng chú ý, khi các thông tin liên quan đến kết quả kinh doanh và đàm phán thương mại nhiều khả năng sẽ dần được hé lộ. Rủi ro vẫn hiện hữu nếu kết quả đàm phán không được như kỳ vọng.
"Nhà đầu tư nên duy trì sự thận trọng, đặc biệt với các quyết định giải ngân mới, ưu tiên quan sát phản ứng thị trường quanh các mốc hỗ trợ quan trọng và chỉ nên hành động khi có tín hiệu xác nhận rõ ràng hơn về xu hướng", vị chuyên gia này khuyến nghị.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Asean cũng đồng quan điểm khi nhận định VN-Index có thể vẫn rung lắc, tuy nhiên trạng thái này diễn ra trong xu hướng tăng ngắn hạn của chỉ số. Ngưỡng mục tiêu tiếp theo của chỉ số là khu vực quanh 1.380 điểm, trong khi hỗ trợ gần của chỉ số là các ngưỡng điểm 1.370 điểm và 1.360 điểm.
Các chuyên gia của Asean đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu đang có câu chuyện hỗ trợ (ví dụ kết quả kinh doanh quý II/2025 được công bố hoặc ước tính tích cực...) và thuộc các lĩnh vực ít chịu tác động bởi biến số thuế quan, bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bán lẻ, đầu tư công.
Tuệ Lâm (t/h)