Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thủy sản
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu rà soát nội dung kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp thủy sản.
Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 5029/VPCP-TH ngày 16/7/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp thủy sản.
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ có Báo cáo số 2542/BC-VPCP ngày 30/6/2024, trong đó tóm tắt bài viết Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp thủy sản.
Theo đó, hồi tháng 6, VASEP kiến nghị gỡ 3 điểm vướng cho doanh nghiệp, ngư dân, gồm: Áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập; thủ tục cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác kéo dài hàng tháng; kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản.
VASEP nhận định, quy định áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập giữa ngân hàng và doanh nghiệp là không hợp lý, bởi ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu đầu tư.
Phía Hiệp hội này đã kiến nghị sửa đổi điều khoản để hủy bỏ quy định trên nhằm giúp doanh nghiệp không bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. VASEP cũng kiến nghị sửa đổi lại quy định các đối tượng không thuộc phạm vi áp trần chi phí lãi vay để các doanh nghiệp sản xuất không phải chịu áp mức trần của tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Mặt khác, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét thay đổi quy định về cách tiếp cận quy trình làm thủ tục xác nhận giấy Xác nhận nguyên liệu (S/C) tại cảng cá trong quy trình xác nhận truy xuất nguồn gốc IUU hiện nay.
Cuối cùng, về kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên, Hiệp hội kiến nghị rà soát lại các quy định kích thước khai thác tối thiểu và xem xét để điều chỉnh phù hợp lại thông số quy định này với một số loài thông dụng.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nắm bắt thông tin báo chí phản ánh; rà soát nội dung kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và khẩn trương xử lý theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 năm 2024.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023. Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ. Đơn cử như: tôm đạt hơn 1,6 tỷ USD, tăng 7% cá tra đạt 922 triệu USD, tăng gần 6%; cá ngừ đạt 477 triệu USD, tăng 25%.
Điều đáng mừng là xuất khẩu thủy sản đang ghi nhận tín hiệu khả quan khi bước sang đầu quý III/2024 khi nhiều đơn hàng được ký kết và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Trong đó, top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam vẫn là thị trường Mỹ (đạt 733 triệu USD, tăng 9%), tiếp đến là Trung Quốc (đạt 766 triệu USD, tăng 7%), EU (đạt 513 triệu USD, tăng 12%).
Nhiều chuyên gia nhận định, lợi thế lớn nhất của thủy sản Việt Nam là nhu cầu sử dụng sản phẩm giá trị gia tăng ngày càng cao. Tại các triển lãm thủy sản quốc tế ở Mỹ và EU năm nay, các sản phẩm giá trị gia tăng được khách hàng đặc biệt quan tâm. Việt Nam lại có lợi thế về trình độ chế biến thủy sản giá trị gia tăng, tay nghề của người lao động cao.
Ngoài ra, theo dự báo của các các doanh nghiệp thủy sản, cuối năm là thời điểm có nhiều sự kiện, lễ hội nên mức tiêu thụ mặt hàng này sẽ tăng mạnh. Việc đảm bảo chất lượng, sản lượng và khai thác tốt dư địa từ các thị trường sẽ giúp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sớm cán đích 10 tỷ USD.