0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ tư, 19/07/2023 09:14 (GMT+7)

Doanh nghiệp thủy sản cần 'tiếp vốn' trước cơ hội bứt tốc

Theo dõi KT&TD trên

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đứng trước cơ hội hồi phục trong những tháng cuối năm 2023 nhờ những tín hiệu khả quan ở các thị trường tiêu thụ. Dòng vốn một lần nữa lại trở nên cấp thiết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản.

Xuất khẩu thủy sản đón cơ hội phục hồi ở nửa cuối năm

Những tín hiệu đáng mừng này đang thắp lên hy vọng cho ngành thủy sản, sau khoảng thời gian chật vật trong nửa đầu 2023. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ đạt 41,5% kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân chủ yếu là do lượng tồn kho tăng khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu tại các thị trường giảm. Ngoài ra, lạm phát diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia vốn là thị trường xuất khẩu chính mặt hàng thủy sản của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản...

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ dần hồi phục trong những tháng cuối năm 2023 nhờ những tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ, khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm, cũng như các dịp lễ hội lớn.

Doanh nghiệp thủy sản cần tiếp vốn trước cơ hội bứt tốc

Cũng theo VASEP, một trong những thị trường xuất khẩu thuỷ sản chủ lực của Việt Nam - Mỹ được dự đoán sẽ phục hồi từ nửa cuối năm do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm tăng. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ kỳ vọng sẽ tăng 40-50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tại thị trường EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, dự báo nhu cầu tăng nhẹ từ cuối quý 3.

Đặc biệt, giá cước vận tải đường thủy vẫn đang duy trì ở vùng thấp so với đợt cao điểm mùa dịch Covid-19. Nguồn cung dồi dào tàu và container trong thời điểm hiện tại cũng giúp việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các thị trường nước ngoài gặp nhiều thuận lợi hơn trong nửa cuối năm.

Để tận dụng cơ hội trong nửa cuối 2023, nhiều doanh nghiệp thủy sản đang tích cực rà soát lại chi phí để cung cấp cho khách hàng sản phẩm với giá tốt nhất; tập trung đa dạng hóa sản phẩm, chế biến chuyên sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị để duy trì đơn hàng; trong đó, chú trọng các loại mặt hàng thuỷ sản tiện lợi cho việc chế biến sẵn tại nhà; các loại sản phẩm khô với mức giá rẻ hơn, phù hợp với điều kiện thu nhập bị suy giảm của người tiêu dùng.

Ngoài tín hiệu tích cực từ thị trường và nỗ lực của doanh nghiệp, theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thuỷ sản Việt Nam, các doanh nghiệp hiện rất mong chờ những chính sách Chính phủ và các Bộ, ngành sớm được triển khai, để tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là khơi thông nguồn tín dụng, tập trung thu mua nguyên liệu.

Khơi thông dòng vốn vào ngành thuỷ sản

Dòng vốn một lần nữa lại trở nên cấp thiết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản. Theo các doanh nghiệp, để khơi thông được dòng vốn chảy vào hoạt động sản xuất cần giảm lãi suất cho họ.

Các doanh nghiệp bày tỏ, với điều kiện cho vay hiện nay yêu cầu các khoản vay mới chỉ được giải ngân khi đã trả nợ khoản vay trước đó sẽ khiến chi phí doanh nghiệp tăng thêm. Do đó, nếu được giãn, hoãn nợ 3 - 5 tháng, doanh nghiệp sẽ có nguồn lực để duy trì dòng tiền phục vụ sản xuất cuối năm.

Ngoài việc giảm lãi suất, các doanh nghiệp thuỷ sản cũng kiến nghị nới lỏng điều kiện cho vay, để các hộ, hợp tác xã nuôi thuỷ sản được vay vốn duy trì nguyên liệu phục vụ sản xuất dịp cuối năm.

Doanh nghiệp thủy sản cần tiếp vốn trước cơ hội bứt tốc

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, xử lý theo quy định các kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản. Trong đó, nổi bật hàng loạt kiến nghị xoay quanh việc khơi thông dòng vốn, lãi suất cho doanh nghiệp thuỷ sản.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cho biết xuất khẩu thuỷ sản là một trong những lĩnh vực ưu tiên, nên các ngân hàng luôn tập trung tín dụng cho các doanh nghiệp và đặc biệt không hạn chế khối lượng tín dụng cho vay nhóm này.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đã có 11 ngân hàng thương mại đăng ký gói tín dụng cho vay thuỷ sản, lâm sản với tổng vốn đăng ký là 15.000 tỷ, lãi suất ưu đãi giảm 1 - 2% so với mức bình thường.

Ngân hàng Nhà nước đã thông báo để các ngân hàng thương mại trên toàn hệ thống tiếp tục đăng ký cho vay. Tính đến thời điểm tháng 5, dư nợ tín dụng dành cho ngành thuỷ sản, lâm sản tại một số ngân hàng lớn như sau: Agribank cho biết dư nợ lĩnh vực thuỷ sản là 59.000 tỷ đồng; tại BIDV dư nợ cho vay lâm sản và thuỷ sản đạt 88.000 tỷ đồng; Vietcombank là 155.000 tỷ đồng.

Nhìn vào những con số trên rõ ràng lượng vốn chảy vào ngành thuỷ sản trong thời gian qua không phải nhỏ, tuy nhiên nhu cầu vốn cho hoạt động nuôi trồng, sản xuất, chế biến thuỷ sản vẫn rất cao. Đặc biệt để chuẩn bị cho sự phục hồi của thị trường trong dịp cuối năm.

Trung Anh (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp thủy sản cần 'tiếp vốn' trước cơ hội bứt tốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.