Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng 4.386 căn nhà ở xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 6 dự án nhà ở xã hội đang thi công, trong đó 5 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 4.386 căn hộ.
Hơn 3 năm chỉ hoàn thành được 4 dự án nhà ở xã hội
Theo Chương trình phát triển nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” của Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu phát triển đến năm 2030 là đầu tư xây dựng khoảng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng khoảng 26.200 - 35.000 căn, giai đoạn 2026 - 2030 xây dựng khoảng 43.300 - 58.000 căn.
Về kết quả thực hiện, 6 tháng đầu năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng hoàn thành 2 dự án nhà ở xã hội với quy mô 610 căn hộ, tổng diện tích sàn 50.831m2. Cụ thể, Khu nhà ở xã hội Nguyên Sơn, huyện Bình Chánh (242 căn hộ) và dự án nhà lưu trú công nhân phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức (368/1040 căn).
Lũy kế từ đầu nhiệm kỳ 2021 đến tháng 6/2024, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành 4 dự án, gồm: 3 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án lưu trú công nhân với quy mô 1.233 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng 112.385m2. Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh có 6 dự án nhà ở xã hội đang thi công, trong đó 5 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 4.386 căn hộ.
Cụ thể, dự án Khu dân cư tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (1.344 căn); dự án Khu nhà ở xã hội - Khu nhà ở thương mại tại khu đất Chợ Bình Phú cũ, quận 6 (390 căn); Tổ hợp nhà ở - nhà ở xã hội Tân Bình, quận Tân Bình (168 căn); dự án tại số 324 Lý Thường Kiệt, quận 10 (1.254 căn); Khu dân cư phường Long Trường, Thành phố Thủ Đức (558 căn); Nhà lưu trú công nhân tại phường Thạnh Mỹ Lợi, Thành phố Thủ Đức (672/1.040 căn).
Theo Sở Xây dựng, việc phát triển nhà ở xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp; các quy trình thủ tục như nhà ở thương mại, thậm chí còn nhiều bước hơn.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó có hướng dẫn cách tính khung giá thuê nhà ở xã hội do cá nhân tự đầu tư xây dựng, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Do đó, Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quy định khung giá cho thuê nhà ở xã hội do cá nhân xây dựng sau khi nghị định nêu trên được ban hành.
Lo thiếu vốn để thực hiện các chương trình nhà ở xã hội
Mới đây, báo cáo tại buổi giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở từ năm 2015 - 2023, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết nêu khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước, ngân sách Nhà nước nên chưa thể được bố trí đầy đủ để xây dựng các chương trình nhà ở xã hội thuộc sở hữu của Nhà nước để giải quyết đầy đủ cho các đối tượng chính sách như cán bộ, công chức, viên chức…
Ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết, Thành phố chỉ bố trí được 10% nguồn vốn để thực hiện các chương trình nhà ở xã hội. Từ nay đến năm 2025, theo chương trình kế hoạch đặt ra cần 37.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thành phố chỉ có khả năng đáp ứng bố trí từ ngân sách khoảng 3.770 tỷ đồng. Đến năm 2030, Thành phố cần số vốn 86.400 tỷ đồng nhưng Thành phố chỉ có khả năng bố trí từ trong ngân sách 8.600 tỷ đồng. Còn lại chỉ có thể sử dụng từ các nguồn vốn xã hội.
Do đó, Thành phố đề xuất Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thống nhất điều kiện tham gia vay ưu đãi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Chính phủ theo hướng đơn giản thủ tục, điều kiện vay.
Trong khi đó, việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, trường hợp nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư: Kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, ban hành quy định về cách tính lãi suất bảo toàn vốn.
Trường hợp nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư thì kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng ban hành quy định cụ thể về cơ chế ưu đãi thuế giá trị gia tăng cho dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê và cách tính chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng vào giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội. Cùng đó, kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, điều chỉnh suất vốn đầu tư xây dựng chung cư nhà ở xã hội bằng chung cư nhà ở thương mại.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, đối với phát triển nhà ở xã hội, kết quả đạt được có khả quan nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu về nhà ở xã hội của người dân có thu nhập thấp. Ngoài những vấn đề về thủ tục pháp lý hay quá trình thực hiện, việc thiếu vốn cũng là vấn đề khi chỉ cần một giai đoạn ách tắc sẽ khiến cả quá trình bị đình trệ.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, nguồn vốn là một trong những yếu tố khiến việc phát triển nhà ở xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Hải lưu ý, Thành phố cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới như Singapore, thành lập ngân hàng phát triển nhà ở xã hội Thành phố Hồ Chí Minh như một quỹ đầu tư với sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế sẽ bền vững hơn để người có thu nhập có nhà ở trong tương lai.