Thành phố Hồ Chí Minh: Chủ đầu tư tuyến Metro số 1 nói gì khi bị kiện đòi 4.000 tỷ đồng?
Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) vừa có văn bản phản hồi thông tin báo chí về việc nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) khởi kiện đơn vị này, yêu cầu bồi thường gần 4.000 tỷ đồng chi phí phát sinh khi gia hạn hoàn thành tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
MAUR cho biết, các hợp đồng triển khai thi công thực hiện xây dựng tuyến Metro số 1 là các hợp đồng áp dụng mẫu của Hợp đồng FIDIC (Hiệp hội Tư vấn kỹ sư quốc tế).
Theo quy định hợp đồng, nhà thầu tự cho rằng mình có quyền đòi hỏi các chi phí trong trường hợp: Nhà thầu nhận thấy trong quá trình thi công có những điểm khác biệt so với thông tin khảo sát ban đầu, hoặc nhà thầu cho rằng kế hoạch thực hiện hợp đồng của họ bị thay đổi so với kế hoạch ban đầu gây bất lợi cho họ thì nhà thầu khiếu nại đến chủ đầu tư yêu cầu chi phí.
Việc khiếu nại trong các dự án của Hợp đồng FIDIC là rất phổ biến trên thế giới và việc xử lý các khiếu nại luôn được quy định rõ trong các hợp đồng. Đối với dự án Metro số 1, việc khiếu nại xảy ra ở tất cả các gói thầu của dự án trong suốt quá trình triển khai thực hiện.
Theo trình tự được quy định trong hợp đồng, tư vấn chung (với vai trò đại diện chủ đầu tư và kỹ sư) sẽ đánh giá các khiếu nại của nhà thầu về tính hợp lý và chi phí. Hiện nay, đa phần các khiếu nại của nhà thầu đã được tư vấn chung bác bỏ do không có đủ căn cứ pháp lý.
Tuy nhiên, trong trường hợp không hài lòng, nhà thầu có quyền đề nghị thành lập Ban xử lý tranh chấp hoặc đề nghị Trọng tài thương mại xem xét theo đúng các điều khoản đã ký.
Theo MAUR, trong suốt quá trình thực hiện dự án, đối với các khiếu nại và phát sinh hợp lý, sau khi Tư vấn chung đánh giá, chủ đầu tư đã tiến hành giải quyết thanh toán cho các nhà thầu.
Đối với những khiếu nại mà nội dung chưa thống nhất được, các bên vẫn đang giải quyết theo quy định Hợp đồng thông qua Trung tâm trọng tài để xem xét. Gần đây, MAUR và nhà thầu đang bàn bạc thêm một giải pháp giải quyết thông qua Ban xử lý tranh chấp (DAB).
Tuy nhiên, quá trình xử lý là thông tin “mật” nên MAUR không thể cung cấp thông tin chi tiết. Dù vậy, quá trình đều được MAUR báo cáo đầy đủ cho cấp có thẩm quyền theo dõi, chỉ đạo.
Cũng theo MAUR, việc gửi các khiếu nại đến chủ đầu tư là quyền của nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án theo Hợp đồng quốc tế FIDIC đã ký kết. Việc giải quyết các khiếu nại luôn diễn ra song song với quá trình triển khai thực hiện dự án, do đó công tác thi công vẫn được thực hiện theo tiến độ với phía các nhà thầu và tư vấn của Nhật Bản.
Trước đó, MAUR đã có văn bản gửi Sở Ngoại vụ Thành phố về dự thảo báo cáo Thủ tướng và Bộ Ngoại giao về đề xuất các giải pháp giải quyết các vướng mắc dự án Metro số 1.
Một trong số những nội dung đáng chú ý được đề cập là vướng mắc tại gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) do nhà thầu Hitachi thực hiện. Gói thầu này có thời gian thực hiện từ tháng 8/2013 đến tháng 4/2018 (244 tuần). Do quá trình triển khai dự án gặp nhiều vướng mắc, kéo dài, nhà thầu yêu cầu tính thêm chi phí cho việc gia hạn thời gian hoàn thành là 4.124 ngày.
Theo đánh giá của liên danh tư vấn chung NJPT, thời gian Hitachi được hưởng do kéo dài thực hiện hợp đồng là 2.161 ngày. Không đồng ý với tư vấn, Hitachi khởi kiện chủ đầu tư tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) với yêu cầu gia hạn thời gian hoàn thành ít nhất 2.773 ngày và chi phí bồi thường khoảng 527 tỷ đồng. Đến nay, tổng chi phí phát sinh cho việc gia hạn thời gian hoàn thành Metro số 1 được nhà thầu trên đơn phương đưa ra khoảng 23,721 tỷ Yen (gần 4.000 tỷ đồng).
MAUR cho rằng, những điều kiện, đòi hỏi của nhà thầu Hitachi chưa đủ pháp lý để giải quyết. Cụ thể, theo quy định của hợp đồng, nhà thầu có quyền hưởng EoT (Extension of Time - EoT) do lỗi từ chủ đầu tư gây ra do chậm tiến độ, hoặc nhà thầu phải bồi thường thiệt hại do chậm trễ nếu việc chậm tiến độ là lỗi của nhà thầu.
Theo MAUR, do sự phức tạp của các khiếu nại về EoT, các nguyên nhân gây kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, xác định trách nhiệm của mỗi bên vẫn đang diễn ra và chưa xác định được thời điểm kết thúc. Việc xử lý, giải quyết và thương thảo với nhà thầu đòi hỏi nhiều thời gian để tính toán thời điểm gia hạn hợp đồng và các chi phí bồi thường một cách hợp lý. Do đó, hiện nay chủ đầu tư vẫn chưa thể ban hành EoT và các chi phí có liên quan cho nhà thầu.