Tham vấn chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phát triển không gian ngầm đô thị
Ngày 25/8, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Tham vấn chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phát triển không gian ngầm đô thị” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tham dự và phát biểu tại Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn; ông SHINODA Takanobu, Phó Trưởng Đại diện, Văn phòng JICA Việt Nam; đại diện một số Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng; lãnh đạo các Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, đại diện doanh nghiệp và chuyên gia các tổ chức trong nước và quốc tế.
Hội thảo được tổ chức, nhằm thu thập các ý kiến, quan điểm của các Bộ, ngành, tổ chức, chính quyền địa phương liên quan và kinh nghiệm quốc tế để phục vụ cho nghiên cứu, xây dựng nội dung dự thảo Luật Quản lý và phát triển đô thị.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết: Với sự phát triển kinh tế, xã hội, sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng (cả nước hiện có 888 đô thị), đô thị đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội, cơ cấu lao động. Trong đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm có ý nghĩa quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển của đô thị.
Việc sử dụng khai thác không gian ngầm có hiệu quả, tiết kiệm đất đai, bố trí hợp lý các công trình ngầm không chỉ giải quyết một số bức xúc về hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện nay mà còn phải được nghiên cứu, xác định trong trong tương lai để đô thị có thể phát triển theo hướng bền vững góp phần thúc đẩy quá trình phát triển, nâng cao chất lượng sống của người dân và phục vụ phát triển kinh tế của các đô thị.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, trong đó đã đặt mục tiêu phát triển “Về hạ tầng đô thị lớn, từng bước phát triển đồng bộ và hiện đại, giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập; cung cấp điện, nước và xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường”.
Ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã đặt ra mục tiêu: Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại.
Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11 - 16% vào năm 2025, 16 - 26% vào năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 - 8m2 vào năm 2025, khoảng 8 - 10m2 vào năm 2030 và xác định nhiệm vụ hoàn thiện chính sách, pháp luật “Sớm xây khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị”.
Căn cứ theo các chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Bộ Xây dựng đã tích cực tham gia công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tạo hệ thống pháp lý cho quá trình phát triển hạ tầng kỹ thuật và không gian ngầm đô thị, làm nền tảng cho công tác quản lý để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và không gian ngầm nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
Trong đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng và khai thác quản lý vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đã được xây dựng, hoàn thiện phù hợp giai đoạn phát triển, tạo cơ sở cho quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị trong giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh chóng, các phát minh, cải tiến về khoa học công nghệ trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và xây dựng công trình ngầm ngày càng nhiều và theo xu hướng chủ đạo là thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường dần thay thế các công nghệ cũ. Pháp luật có liên quan đến lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm như: Pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, đầu tư PPP, đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công và một số pháp luật khác được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung. Mặt khác, công tác quản lý và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị tại các địa phương còn có một số bất cập trong quá trình thực thi.
Để có cơ sở đánh giá các khó khăn, bất cập cũng như đề xuất các nhóm chính sách về quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về báo cáo tình hình quản lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn (Văn bản số 993/BXD-HTKT ngày 17/3/2023) và rà soát, tổng hợp báo cáo khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị trong quản lý, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị (Văn bản số 1069/BXD-PTĐT ngày 22/3/2023).
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cũng cho biết, trên cơ sở quá trình nghiên cứu, tổng kết từ thực tế thực hiện, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và chủ trương của Đảng về phát triển hạ tầng kỹ thuật và không gian ngầm đô thị, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu dự thảo Luật Quản lý và phát triển đô thị theo nhiệm vụ được Chính phủ giao. Trong dự thảo Luật có hai nội dung quan trọng cần phải quy định đó là: Chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; chính sách quản lý phát triển không gian ngầm đô thị.
Trong đó, dự kiến nội dung của chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ sẽ bao gồm các vấn đề chính: Quy định bảo đảm tính đồng bộ, cơ chế tăng cường nguồn lực trong đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật; cơ chế, quy định về bàn giao, quản lý sử dụng khai thác tài sản hạ tầng kỹ thuật; quy định quản lý vận hành khai thác, cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị. Dự kiến nội dung chính sách quản lý phát triển không gian ngầm đô thị sẽ bao gồm các vấn đề chính: Các nguyên tắc quản lý không gian ngầm đô thị bảo đảm thống nhất, kết nối đồng bộ về không gian ngầm, không gian nói chung đô thị, bảo đảm an toàn trong xây dựng, hiệu quả trong đầu tư; Quy định kiểm soát phát triển không gian ngầm theo thời gian; Các quy định, quy chế quản lý khai thác công trình ngầm nhằm bảo đảm an toàn, an ninh và điều tiết mối quan hệ các chủ thể sử dụng không gian ngầm trong giai đoạn khai thác sử dụng.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, Bộ Xây dựng rất mong muốn nhận được các ý kiến, quan điểm của các Bộ, ngành, tổ chức, chính quyền địa phương liên quan và kinh nghiệm quốc tế về nội dung: Chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và chính sách quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, làm cơ sở để Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách tại dự thảo Luật Quản lý và phát triển đô thị. Bộ Xây dựng trân trọng cảm ơn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) luôn đồng hành cùng Bộ Xây dựng trong quá trình xây dựng chính sách về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật nói riêng và lĩnh vực xây dựng nói chung.
Tại Hội thảo, ông SHINODA Takanobu, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam đánh giá, phát triển đô thị ở Việt Nam góp phần quan trọng vào phát triển đất nước, tạo việc làm mới và nâng cao đời sống người dân.
Tuy nhiên, do sự tập trung quá mức ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nên tại các đô thị này dễ nảy sinh các vấn đề xã hội như dòng dân cư từ nông thôn ra thành thị, môi trường sống suy giảm, ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí, rủi ro thiên tai. Vì vậy, sử dụng không gian ngầm an toàn và hiệu quả có thể coi là một trong những giải pháp cho những vấn đề này.
Ông SHINODA Takanobu cho biết, tại Nhật Bản, việc sử dụng không gian ngầm được ban hành riêng lẻ trong từng luật như Luật Phòng cháy chữa cháy và Luật Đường bộ, đồng thời có nhiều hệ thống khác nhau tham gia vào việc đảm bảo an toàn cho không gian ngầm. Hướng dẫn chi tiết về các biện pháp đối phó với thảm họa như động đất và lũ lụt cũng đã được thiết lập. Ngoài ra, trong những năm gần đây, việc sử dụng không gian ngầm ở các thành phố lớn ngày càng phổ biến và nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này đã được ban hành...
Hội thảo cũng đã lắng nghe và ghi nhận một số tham luận đến từ các chuyên gia của Nhật Bản, Cục Hạ tầng kỹ thuật và các nhà khoa học, các địa phương cùng các Bộ, ngành liên quan về thực trạng và định hướng chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; thực trạng và đề xuất các chính sách quản lý không gian ngầm đô thị; tổng quan về quản lý và phát triển đô thị tại Nhật Bản; hệ thống pháp lý và các quy định về hạ tầng ngầm tại Nhật Bản; thi công mở rộng khu vực nhà ga tàu điện ngầm đô thị; một số khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai dự án đường sắt đô thị liên quan đến pháp luật về quản lý và phát triển không gian ngầm.
Các đại biểu tại Hội thảo cũng đã đưa ra những góp ý, đề xuất liên quan đến hệ thống pháp luật chung có liên quan đến quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; pháp luật chuyên ngành; thoát nước và xử lý nước thải, công trình công cộng ngầm…
Đáng chú ý, theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, kinh phí đầu tư xây dựng công trình ngầm lớn hơn nhiều lần so với công trình nổi trên mặt đất, nên vấn đề tài chính vẫn là thách thức lớn đối với phát triển không gian ngầm.
Do đó, để phát triển không gian ngầm trong các đô thị, cần dành nguồn lực đầu tư thích đáng, đa dạng phương thức huy động vốn cho phát triển không gian ngầm; cần hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật có liên quan đến quy hoạch, thi công xây dựng, bảo trì công trình ngầm; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công trình ngầm, cơ sở dữ liệu cấu trúc nền địa chất đô thị phục vụ xây dụng công trình ngầm; phát triển công nghệ tiên tiến, xây dựng nguồn nhân lực trình độ cao là điều kiện tiên quyết để nhanh chóng xây dựng được hệ thống các công trình xây dựng ngầm đô thị hiện đại, hiệu quả và đồng bộ, giảm tác động tiêu cực đến sinh hoạt của đô thị. Hòa vào xu hướng chung của thời đại; đồng thời, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao về lĩnh vực khai thác, sử dụng, phát triển không gian ngầm thành phố.
Việc đưa công nghệ vào phát triển đô thị lại rất cần một lực lượng nhân sự lớn có trình độ cao. Bởi vậy, bên cạnh việc tiếp nhận công nghệ mới, cần có kế hoạch đào tạo bài bản, quy mô lớn đội ngũ nhân lực này ngay từ bây giờ.
Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Ecopark Hải Dương góp ý: Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng suất vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật thực tế tại các dự án khu đô thị của Công ty có giá trị khoảng 14 đến 15 tỷ/ha, trong khi suất vốn đầu tư khu đô thị kiểu mẫu đươc Bộ Xây dựng công bố năm 2022 chỉ khoảng gần 10 tỷ/ha cho “Khu đô thị mới kiểu mẫu” và/hoặc “Khu đô thị mới Sinh thái - Hiện đại - Thông minh”, trong đó tập trung vào các tiêu chí về quy hoạch, thiết kế hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; Hướng dẫn đánh giá, công nhận “Khu đô thị mới kiểu mẫu” và/hoặc “Khu đô thị mới Sinh thái - Hiện đại - Thông minh”; Bộ Xây dựng nghiên cứu, bổ sung suất vốn đầu tư xây dựng công trình hạ tầng các “Khu đô thị mới kiểu mẫu” và/hoặc “Khu đô thị mới Sinh thái - Hiện đại - Thông minh”; phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn được ban hành; đảm bảo phù hợp với suất vốn đầu tư thực tế. Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm “gắn trách nhiệm đầu tư xây dựng, vận hành và bảo trì các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho chủ đầu tư các khu đô thị mới” theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/20228; Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, định mức... làm căn cứ cấp kinh phí cho chủ đầu tư/nhà đầu tư nhằm bù đắp chi phí quản lý đô thị, bảo trì các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đảm bảo lợi ích hợp lý cho chủ đầu tư/nhà đầu tư; gia tăng phúc lợi xã hội cho người dân; Bộ Xây dựng nghiên cứu, đánh giá để định hướng, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy hoạch xây dựng tại các khu vực bãi chôn lấp rác và vùng ảnh hưởng môi trường (làm cơ sở thực hiện giải pháp tổng thể nêu trên); Bộ Xây dựng thống nhất xác định và bổ sung hạng mục “Xử lý triệt để bãi chôn lấp rác” là một hạng mục đặc thù của hạ tầng kỹ thuật; Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật đối với hạng mục “Xử lý triệt để bãi chôn lấp rác”, làm cơ sở xác định chi phí đầu tư xây dựng.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Tạ Quang Vinh cho biết, Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến đến từ đại diện các địa phương, các cơ quan quản lý Nhà nước, các Bộ, ngành và các tổ chức quốc tế chia sẻ, mong muốn quản lý triển khai thực hiện cho các đô thị trên lãnh thổ Việt Nam, để xây dựng thể chế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP và góp phần tháo gỡ cho các doanh nghiệp cũng như người dân đang triển khai thực hiện những lĩnh vực đang vướng mắc, đặc biệt là Ban quản lý đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, là hai địa phương, hai đô thị đặc biệt, tiên phong trong triển khai đường sắt đô thị…