Tập đoàn Đèo Cả đang kinh doanh ra sao?
Hiện nay, tập đoàn Đèo Cả đang nhận được rất nhiều công trình trọng điểm lớn nhưng điều khiến mọi người ngạc nhiên hơn chính là khoản nợ phải trả của tập đoàn này lại lên đến 31.200 tỷ đồng, chiếm 71% tổng tài sản.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2023 của Tập đoàn Đèo Cả ghi nhận tổng tài sản tăng khoảng 4,8% so với thời điểm đầu năm, lên 43.778 tỷ đồng, tương ứng khoảng 1,8 tỷ USD.
Trong số tài sản của Tập đoàn, lượng hàng tồn kho chỉ gần 1.200 tỷ đồng. Tài sản dài hạn 37.289 tỷ đồng, chiếm trên 85% tổng tài sản.
Tổng nợ phải trả 31.236 tỷ đồng, tăng 4,8% so với thời điểm đầu năm, tương ứng khoảng 1,3 tỷ USD. Trong số tổng nợ phải trả ghi nhận dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.589 tỷ đồng, tăng 382 tỷ đồng so với đầu năm; dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 19.724 tỷ đồng, giảm 447 tỷ đồng so với đầu kỳ.
Gánh nặng nợ vay cũng bào mòn lợi nhuận. BCTC năm 2022 ghi nhận doanh thu thuần cả năm đạt 4.184 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 2% lên gần 419 tỷ đồng.
Còn 6 tháng đầu năm 2023 doanh thu Tập đoàn Đèo Cả đạt 1.919 tỷ đồng, giảm 2,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 19% lên 307 tỷ đồng.
Lãi hàng trăm tỷ, song so với quy mô vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Đèo Cả, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 10,67% vào năm 2022 và ở mức 6,61% trong nửa đầu năm 2023.
Nguyên nhân chính khiến tình trạng nợ của tập đoàn Đèo Cả lớn như vậy là do gánh nặng chi phí lãi vay. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2023, tập đoàn này đã phải chi tận 360 tỷ đồng trả để trả lãi vay tăng 32 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Trong các khoản nợ phải trả, có đến 200 tỷ đồng trái phiếu, đây là lô trái phiếu được huy động để tài trợ cho dự án xây dựng đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo và sẽ đáo hạn vào tháng 10/2024.
Hiện nay, chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn Đèo Cả chính là Ngân hàng Công thương (Vietinbank – mã chứng khoán CTG) với số dư nợ lên đến 18.351 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, báo cáo tài chính của Tập đoàn Đèo Cả cho thấy, công ty còn khoản "phải thu ngắn hạn" 3.397 tỷ đồng, giảm 150 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, trong số này có 1.132 tỷ đồng "phải thu về cho vay ngắn hạn" và 939 tỷ đồng "phải thu ngắn hạn khác". Những khoản phải thu ngắn hạn này có nhiều khoản là phải thu với các cá nhân.
Cụ thể, năm 2023 phát sinh khoản "phải thu về cho vay ngắn hạn" với ông Đỗ Mạnh Hùng, số tiền 50 tỷ đồng. Số tiền cho vay ngắn hạn với ông Vũ Văn Thành tăng từ 20 tỷ đồng đầu năm lên 30 tỷ đồng đến hết quý 2/2023.
Ngoài ra, các khoản "phải thu ngắn hạn khác" với các cá nhân với số tiền lớn hàng trăm tỷ đồng, như ông Phạm Đình Thuận (hơn 88 tỷ đồng); ông nguyễn Văn Tùng (hơn 54,8 tỷ đồng); ông Đinh Văn Chương (hơn 48 tỷ đồng).
Nửa đầu năm 2023 cũng phát sinh khoản phải thu ngắn hạn khác với bên liên quan, trong đó có khoản phải thu mới với ôngVõ Thụy Linh, Phó Chủ tịch HĐQT, (52 tỷ đồng). Với ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, vẫn duy trì khoản phải thu 50 tỷ đồng từ trước đó.Những khoản phải thu với cá nhân này đều không được thuyết minh cụ thể.
Tính đến 30/6/2023, Tập đoàn Đèo Cả có 8 công ty con, 4 công ty liên doanh liên kết và các văn phòng, xí nghiệp khác. Các công ty con của Tập đoàn phần lớn lập ra để quản lý các dự án thành phần như các dự án BOT, kinh doanh vật liệu xây dựng, thu phí BOT,…
Trong các công ty trong hệ sinh thái Tập đoàn Đeo Cả có 1 doanh nghiệp đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán là, Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán HHV). Hiện tại HHV đang giao dịch trên HoSE với thị giá quanh mức 16.800 đồng/cổ phiếu.
Được biết, Tập đoàn Đèo Cả thành lập tháng 7/2015, tiền thân là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Cầu đường Sài Gòn. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực: Đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng giao thông; tổng thầu thiết kế, thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị,...
Hiện nay, HHV được giao dịch trên sàn HoSE với mức giá dao động 16.800 đồng/cổ phiếu. Tình hình kinh doanh của công ty này phải đến mấy năm gần đây mới thật sự khởi sắc khi nhận được những dự án lớn.
Tiến Hoàng