Hải Thạch B.O.T giảm tỉ lệ sở hữu tại Đèo Cả xuống 20,11%
Sau giao dịch Hải Thạch B.O.T giảm lượng sở hữu cổ phiếu HHV từ 103,66 triệu đơn vị (tỷ lệ 33,68%) xuống 61,9 triệu đơn vị (tỷ lệ 20,11%).
CTCP Đầu tư Hải Thạch B.O.T thông báo đã bán hết hơn 41 triệu cổ phiếu HHV của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả trong thời gian từ 16/1-8/2.
Sau giao dịch Hải Thạch B.O.T giảm lượng sở hữu cổ phiếu HHV từ 103,66 triệu đơn vị (tỷ lệ 33,68%) xuống 61,9 triệu đơn vị (tỷ lệ 20,11%).
Nói về mối liên quan, nhiều lãnh đạo của Giao thông Đèo Cả cũng là các lãnh đạo tại Hải Thạch B.O.T. Cụ thể, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch của Giao thông Đèo Cả là Thành viên HĐQT của Hải Thạch B.O.T.
Ông Võ Thụy Linh, Thành viên HĐQT của Giao thông Đèo Cả là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Hải Thạch B.O.T.
Tính riêng quý 4/2022, HHV ghi nhận doanh thu thuần đạt 616 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính giảm 89% trong khi chi phí tăng 18% so với quý 4/2021. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của HHV giảm 3% về mức xấp xỉ 75 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu thuần của HHV đạt gần 2.095 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Mảng thu phí BOT chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu, tăng trưởng mạnh nhất với gần 18%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 73% về còn 6 tỷ đồng, do chưa nhận được cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty liên quan. Ngược lại, chi phí tài chính tăng 18%, lên gần 648 tỷ đồng. Kết quả, HHV lãi sau thuế 315 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2021. Theo đó, HHV chỉ thực hiện được khoảng 70% kế hoạch lợi nhuận.
Theo giải trình của HHV, tình hình thị trường năm qua gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp như khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu; giá nguyên vật liệu, xăng dầu tăng cao; công tác bù giá/điều chỉnh giá chưa được chủ đầu tư thực hiện kịp thời; lãi suất ngân hàng liên tục tăng và hết nguồn cung tín dụng... Công ty dù đã tiết giảm chi phí và đảm bảo tiến độ công việc, nhưng các yếu tố thị trường vẫn làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Về nguyên nhân khiến doanh thu đi ngang, HHV cho biết mặc dù các hoạt động duy tu bảo dưỡng hầm đường, quản lý vận hành các trạm thu phí đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng doanh thu hoạt động xây lắp lại giảm đáng kể.
Theo đó, cuối năm 2021 là giai đoạn cao điểm hoàn thiện thi công xây lắp dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, do đó doanh thu xây lắp Công ty ghi nhận trong giai đoạn này có sự tăng trưởng đột biến. Trong khi đó, cuối năm 2022 là giai đoạn các dự án đầu tư công cao tốc Bắc Nam được kỳ vọng giúp tăng trưởng doanh thu xây lắp cho Công ty nhưng thực tế lại bị chậm triển khai so với dự kiến và phải dời thời gian khởi công sang tháng 1/2023.
Mới đây, HHV đã công bố việc trúng gói thầu XL1 thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có trị giá khoảng 3,862 tỷ đồng
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của HHV đạt hơn 35.643 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, gần 28.558 tỷ đồng là tài sản cố định hữu hình (chiếm 80% quy mô tài sản) hình thành từ các dự án BOT như hạng mục hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân, tuyến cao tốc Bắc Giang – TP Lạng Sơn…
Dư nợ tài chính cuối kỳ của HHV ở mức 20.653 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu kỳ, chiếm gần 76% tổng nợ và gấp 2,46 lần vốn chủ sở hữu. Phần lớn nợ là các khoản vay dài hạn từ ngân hàng Vietinbank, VietABank, bao gồm 10.169 tỷ đồng nhằm thực hiện dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn; 4.800 tỷ đồng để phục vụ dự án xây dựng Hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1.