Tăng cường quản lý, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn
Thành phố Đà Nẵng tổ chức bán hàng bình ổn để cân đối cung cầu thực phẩm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, nhằm đảm bảo cân đối cung cầu một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết cổ truyền dân tộc, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, Sở Công Thương thành phố triển khai thực hiện Chương trình bình ổn Tết Nguyên đánGiáp Thìn năm 2024 với nhiều hoạt động bán hàng bình ổn trên địa bàn. Cụ thể, Hội chợ Xuân Đà Nẵng diễn ra từ ngày 23/1 – 28/1 (tức ngày 13 – 18/12 Âm lịch năm Quý Mão) với quy mô 250 gian hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và khách du lịch.
Tổ chức 19 điểm bán hàng bình ổn giá các mặt hàng gia súc, gia cầm (thịt heo, thịt bò, trứng…) trong 3 ngày từ 6 – 8/2 (tức ngày 27 – 29/12 Âm lịch) tại 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Khung giờ bán hàng bình ổn là từ 6h30 – 11h30 hàng ngày. Các doanh nghiệp tham gia chương trình cam kết bán với giá thấp hơn thị trường và giữ mức ổn định (giá bán được niêm yết hàng ngày, công khai rộng rãi). Ngân sách TP hỗ trợ một phần chi phí bán hàng (theo hình thức khoán gọn) để đơn vị thực hiện, bao gồm các chi phí như: băng rôn, nhân công, dụng cụ, bao bì, vận chuyển…
Thành phố Đà Nẵng tổ chức bán hàng bình ổn để cân đối cung cầu thực phẩm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết.
Bên cạnh đó, tổ chức 3 đợt đưa hàng phục vụ đồng bào miền núi huyện Hoà Vang với sự tham dự của 2 đơn vị Coopmart Đà Nẵng và Coopmart Sơn Trà. Cụ thể, tại xã Hòa Phú trong 2 ngày 16 và 17/1 (nhằm ngày 06 – 07/12 Âm lịch, năm Quý Mão); xã Hòa Bắc ngày 24 và 25/1 (nhằm ngày 14-15/12 Âm lịch, năm Quý Mão); xã Hòa Ninh ngày 26 và 27/1 (ngày 16-17/12 Âm lịch, năm Quý Mão). Các hoạt động đưa hàng phục vụ đồng bào miền núi tập trung các mặt hàng phục vụ Tết gồm bánh kẹo các loại, nước giải khát, mứt, đồ khô, quần áo... với mức giá cam kết thấp hơn giá bán lẻ tại thành phố Đà Nẵng từ 5-10%.
Ngành Công Thương thành phố vận động 4 siêu thị lớn trên địa bàn là siêu thị Go!; siêu thị Coopmart Đà Nẵng; siêu thị Lotte Mart Đà Nẵng và siêu thị MM Mega market tổ chức bán hàng bình ổn tại đơn vị với các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, đảm bảo giá cả hợp lý, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; trong đó, siêu thị Coopmart Đà Nẵng tổ chức gian hàng bình ổn riêng kéo dài từ 11/1 - 09/2/2024… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, đơn vị phân phối cũng đồng loạt tổ chức các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, góp phần phục vụ nhu cầu mua sắm và bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Để đảm bảo hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp lễ, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhất là các mặt hàng thiết yếu, các doanh nghiệp ngành Công Thương Đà Nẵng đã chuẩn bị dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết tổng trị giá khoảng 2.580 tỷ đồng... Theo báo cáo của Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đến nay các trung tâm thương mại, siêu thị, các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng, kinh doanh gia súc gia cầm trên đại bàn thành phố đã chuẩn bị và dự trữ nguồn hàng hóa dồi dào với tổng trị giá hơn 2.580 tỷ đồng.
Cụ thể các loại hàng hóa thiết yếu gồm hơn 68 tấn gạo, nếp các loại, 185 tấn thịt, 423 tấn thực phẩm chể biển sẵn, đóng hộp; 18 tấn thực phẩm khô; 1.223 tấn bánh kęo, mứt, hạt dưa và hơn 1.313 tấn rau củ quả các loại. Việc cung ứng hàng hóa ra thị trường được tập trung vào các kênh phân phối gồm: Các doanh nghiệp đầu mối cung ứng thịt gia súc, gia cầm, lương thực thực phẩm; trung tâm thương mại, siêu thị với giá trị dự trữ khoảng gần 1.015 tỷ đồng. Các thương nhân kinh doanh tại 04 chợ lớn thuộc Sở Công Thương quản lý như: Chợ Cồn, Chợ Hàn, Chợ Đống Đa, Chợ Đầu mối Hòa Cường và các chợ trên địa bàn thành phố tham gia dự trữ với giá trị ước khoảng 750 tỷ đồng; Các cửa hàng tạp hóa tại các khu dân cư, tuyến phố chuyên doanh tham gia dự trữ với giá trị ước trên 815 tỷ đồng...
Đối với mặt hàng xăng dầu, theo tính toán lượng tiêu thụ xăng dầu trung bình trên địa bàn thành phố khoảng 89 ngàn m3/tháng, riêng trong dịp Tết do nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa tăng cao, dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 20%. Với hệ thống dự trữ, cung ứng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có 08 kho (tổng dung tích 164.590 m3) và hệ thống 104 cửa hàng bán lẻ, các đơn vị đầu mối, phân phối đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu để phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân, các doanh nghiệp trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Ngành Công Thương Đà Nẵng đã chuẩn bị dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết tổng trị giá khoảng 2.580 tỷ đồng...
Sở Công Thương sẽ thành lập các tổ theo dõi tình hình thị trường, giá cả hàng hóa thiết yếu trước, trong, sau Tết và giám sát việc bán hàng bình ổn Tết Nguyên đán 2024. Đồng thời, phối hợp Ban An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng Tết, qua đó, ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá trái quy định cũng như công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ người dân.
Sở yêu cầu hàng hóa phải bảo đảm chất lượng, an toàn, với giá cả phù hợp, không tăng giá bất hợp lý; có nguồn dồi dào, ổn định, bảo đảm cân đối cung cầu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố; thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết để người tiêu dùng an tâm mua sắm trong dịp Tết. Các điểm bán hàng phải đa dạng các mặt hàng, được trang trí, sắp xếp gọn gàng, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 01/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Theo đó, trong năm 2023, tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp. Tiêu dùng và các hoạt động kinh tế suy giảm tại một số quốc gia. Lạm phát toàn cầu tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu biến động tăng giảm liên tục, giá lương thực ngày càng tăng. Trong khi đó, thị trường trong nước cho thấy các tín hiệu tích cực hơn, các mặt hàng quan trọng, thiết yếu cơ bản bình ổn, đáp ứng nhu cầu của người dân; hoạt động sản xuất nông nghiệp thuận lợi nên nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào. Hàng hóa, dịch vụ trong nước cung đáp ứng cầu.
Dự báo năm 2024 tiếp tục có nhiều yếu tố biến động khó lường của thị trường thế giới do tác động từ các xung đột chính trị, việc các quốc gia ngày càng có xu hướng bảo hộ thị trường trong nước, tăng cường dự trữ quốc gia sẽ ảnh hưởng đến cung, cầu hàng hóa khiến giá cả có thể diễn biến phức tạp. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan thuộc, trực thuộc bộ và sở tài chính các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và cả năm 2024...
Thùy Trang