Sắp khởi công 4 tuyến giao thông quan trọng phía Nam và Tây Nguyên
Bộ Giao thông Vận tải vừa có Báo cáo số 5835/BGTVT-CQLXD ngày 6/6/2023 gửi Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch khởi công các dự án đường bộ cao tốc, đường vành đai.
Theo đó, các địa phương đề xuất Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (gồm 4 dự án thành phần xây lắp), Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến khởi công vào ngày 18/6/2023. Các địa phương Đồng Nai, Bình Dương, Long An dự kiến khởi công từ ngày 26-30/6/2023; Dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (gồm 3 dự án thành phần xây lắp), Bộ Giao thông Vận tải dự kiến khởi công ngày 17/6/2023, tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk dự kiến khởi công từ ngày 25-30/6/2023; Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu (gồm 3 dự án thành phần xây lắp), tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ Giao thông Vận tải dự kiến khởi công ngày 18/6/2023; Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (gồm 4 dự án thành phần xây lắp), 4 tỉnh, thành phố (An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ) dự kiến khởi công ngày 17/6/2023.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tổ chức khởi công đồng loạt 04 dự án đường bộ cao tốc vào ngày 18/6 dưới hình thức trực tiếp kết trực tuyến, bao gồm: Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh tại 04 địa điểm đại diện cho các dự án.
Cụ thể, điểm cầu chính tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khởi công Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh do Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An là cơ quan chủ quản các dự án thành phần cùng tham dự.
Điểm cầu tại Đắk Lắk tổ chức khởi công Dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk là cơ quan chủ quản các dự án thành phần cùng tham dự.
Điểm cầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức khởi công Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì, tỉnh Đồng Nai và Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản các dự án thành phần cùng tham dự.
Điểm cầu tại Sóc Trăng tổ chức khởi công Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng do tỉnh Sóc Trăng chủ trì, các tỉnh An Giang, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ là cơ quan chủ quản các dự án thành phần cùng tham dự.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011, điều chỉnh năm 2013. Dự án có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua Thành phố Hồ Chí Minh và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An với 8 dự án thành phần vận hành độc lập, tổng mức đầu tư trên 75.000 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh dài 47km, diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 397ha, với 1.670 trường hợp bị ảnh hưởng trong đó 663 hộ phải giải tỏa trắng. Đoạn đi qua Đồng Nai dài 11,2km, qua Bình Dương dài 26,06km (trong đó, đoạn đi trùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn dài 15,3km đã được xây dựng với quy mô 6 làn xe ôtô) và qua Long An dài 6,6km. Đây được xem là cung đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh, thành dự án đi qua mà tác động tới cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 117,5km, tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng. Dự án chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công, trong đó dự án thành phần 1 do tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản, chiều dài 31,5 km. Dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông Vận tải làm cơ quan chủ quản, chiều dài gần 37 km và dự án thành phần 3 do tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản, chiều dài hơn 48 km.
Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài toàn tuyến là 53,7 km đi qua Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án được chia thành 3 đoạn, trong đó đoạn dự án thành phần 1 dài 16 km (tỉnh Đồng Nai đầu tư), dự án thành phần 2 dài 18,2 km đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai (Bộ Giao thông Vận tải đầu tư), dự án thành phần 3 đi qua địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5 km (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư). Tổng mức đầu tư của dự án là 17.837 tỷ đồng.
Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài hơn 188km, điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc Thành phố Châu Đốc (An Giang), điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng). Dự án được chia thành 4 dự án thành phần với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục, vận tốc 100km/h (giai đoạn1).
Tất cả 4 dự án này đều dự kiến có tiến độ đưa vào vận hành khai trong giai đoạn 2025 – 2027 đảm bảo kết nối lưu nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.