Rút tiền trong sổ tiết kiệm nhặt được của người khác thì có bị xử phạt?
Trả lời cho câu hỏi này, nhiều chuyên gia và luật sư khẳng định trường hợp nhặt được sổ tiết kiệm của người khác thì sẽ không thể rút được tiền trong sổ đó.
Theo đó, sổ tiết kiệm là loại giấy tờ, tài liệu dùng để xác nhận quyền sở hữu số tiền gửi tiết kiệm của người gửi tại các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác. Ngoài ra, sổ tiết kiệm còn có tên gọi khác là thẻ tiết kiệm. Loại giấy tờ này thường được cung cấp cho người gửi tiền khi khách hàng gửi trực tiếp tại quầy giao dịch của ngân hàng.
Theo Khoản 1 Điều 7 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định, thẻ tiết kiệm hoặc sổ tiết kiệm là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng, được áp dụng đối với trường hợp nhận tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng.
Để có thể nhận tiền gửi trong sổ tiết kiệm thì người gửi tiết kiệm phải xuất trình các loại giấy tờ:
Đầu tiên không thể thiếu đó là sổ tiết kiệm, tiếp đó là giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền hoặc của tất cả người gửi tiền nếu gửi tiết kiệm chung hoặc giấy ủy quyền/giấy tờ chứng minh tư cách đại diện cùng với giấy tờ xác minh thông tin người gửi. Ở mục này, thông thường các ngân hàng sẽ yêu cầu xuất trình Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn thời hạn…
Khách hàng cũng cần mang theo giấy rút tiền gửi tiết kiệm có chữ ký đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký tại ngân hàng. Bởi trước khi gửi tiền, người gửi phải đăng ký chữ ký mẫu. Vì vậy, để được rút tiền, người gửi cũng phải ký đúng chữ ký đã đăng ký tại ngân hàng trước đó. Đối với trường hợp, người gửi không đọc được, không nhìn được thì từng ngân hàng sẽ có hướng dẫn cụ thể riêng.
Sau đó, ngân hàng sẽ đối chiếu và kiểm tra chính xác thông tin của người gửi tiền, người đại diện hoặc người được ủy quyền với các thông tin trên sổ tiết kiệm, chữ ký trên giấy rút tiền với chữ ký đã đăng ký với ngân hàng và thông tin đã được lưu trữ tại ngân hàng.
Và cuối cùng, sau khi đối chiếu đúng thông tin người gửi, ngân hàng trả cả gốc và lãi tiền gửi tiết kiệm cho người gửi tiền.
Qua đó có thể thấy, để được rút tiền ra từ sổ tiết kiệm, khách hàng không chỉ phải mang mỗi sổ tiết kiệm mà còn cần các loại giấy tờ khác. Cùng với đó, ngân hàng cũng đối chiếu nhiều loại thông tin, giấy tờ, tài liệu để đảm bảo chi trả tiền lãi, tiền gửi đúng cho người gửi hoặc người đại diện/người uỷ quyền của người gửi.
Có thể khẳng định rằng người nhặt được sổ tiết kiệm sẽ không thể rút được tiền của người khác trong sổ tiết kiệm đó.
Rút tiền trong sổ tiết kiệm của người khác sẽ bị phạt thế nào?
Theo quy định hiện nay, mặc dù không thể rút được tiền trong sổ tiết kiệm của người khác nhưng với những đối tượng cố tình dùng thủ đoạn để rút tiền trong sổ tiết kiệm của người khác thì có thể sẽ bị xử lý.
Người cố tình rút tiền trong sổ tiết kiệm của người khác có thể bị xử phạt hành chính do nhặt được sổ tiết kiệm của người khác nhưng không trả lại cho người mất mà còn dùng sổ tiết kiệm đó để đi rút tiền, đó có thể bị coi là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
Do đó, căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nhặt được sổ tiết kiệm có thể bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng vì hành vi chiếm trái phép tài sản của người khác và sẽ bị buộc trả lại sổ tiết kiệm.
Thậm chí còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, căn cứ Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu cố tình không trả lại sổ tiết kiệm cho người mất thì người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm về Tội chiếm giữ trái phép tài sản với khung hình phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 02 năm và phạt tiền 10 - 50 triệu đồng với sổ tiết kiệm này giá trị từ 10 - dưới 200 triệu đồng; phạt tù từ 01 - 05 năm với sổ tiết kiệm có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên.
Nếu chưa nói về bị phạt theo quy định pháp luật thì về mặt đạo đức việc nhặt được đồ của người khác không trả lại đánh giá nền tảng đạo đức, giáo dục của bản thân người nhặt. Nhặt được của rơi trả người đánh mất là một nét đẹp trong phẩm chất đạo đức của mỗi con người, đây là bài học từ khi còn nhỏ mà mỗi chúng ta đều được học.
Theo luật sư Hà Hải - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, việc trả lại tài sản đánh rơi, bỏ quên không chỉ là ứng xử phù hợp với đạo đức mà pháp luật quy định đó là nghĩa vụ của người nhặt được. Theo Bộ luật dân sự quy định, người nhặt được tài sản phải trả lại cho chủ sở hữu nếu biết chủ sở hữu thông qua đặc điểm, thông tin lưu lại trên tài sản. Nếu không biết thì phải chuyển giao tài sản cho công an hoặc UBND cấp xã gần nhất để trả lại cho người bị mất.
Bích Ngọc