Rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng, chuẩn bị phương án tăng lương
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề nghị các địa phương cần cập nhật lại địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu, để chuẩn bị phương án đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm 2025...
Yêu cầu được Bộ LĐTBXH nêu trong văn bản gửi các địa phương đề nghị rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu.
Bộ LĐTBXH cho biết, ngày 30/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, trong đó mức lương tối thiểu được chia theo vùng (gắn với địa bàn hành chính cấp huyện).
Thời gian vừa qua, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sự điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện (đổi tên, thành lập mới, nhập, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính) theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vì vậy, để cập nhật địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu và chuẩn bị phương án đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu trong thời gian tới theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động, Bộ LĐTBXH đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan quản lý Nhà nước về lao động ở địa phương phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện rà soát lại địa bàn áp dụng.
Theo đó, các địa phương rà soát, cập nhật lại tên các địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu, nhất là các đơn vị hành chính cấp huyện đã thực hiện sắp xếp lại, như đổi tên, thành lập mới, nhập, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ 1/7/2024 đến nay đồng thời, đánh giá, đề xuất việc điều chỉnh phân vùng hiện hành.
Trường hợp có đề xuất điều chỉnh phân vùng, thì cơ quan quản lý Nhà nước về lao động ở địa phương phối hợp với Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp trao đổi bằng văn bản với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, Chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp tỉnh và khu vực, các Hiệp hội nghề nghiệp, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trên địa bàn, trên cơ sở đó, báo cáo để Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến gửi về Bộ LĐTBXH.
Trước đó, để chuẩn bị cơ sở cho việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu trong năm 2025, Bộ LĐTBXH đã tiến hành điều tra năm 2024 về tiền lương, lao động tại 3.400 doanh nghiệp với 6.800 người lao động đang làm việc tại 18 tỉnh, thành phố.
Kết quả của cuộc điều tra sẽ phục vụ công tác quản lý, công bố mức tiền lương bình quân trên thị trường lao động để doanh nghiệp, người lao động tham khảo làm cơ sở thương lượng tiền lương.