Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo sẽ phục hồi ở mức 6,1% trong năm 2024,
Đây là mức cao hơn dự báo của tổ chức này hồi tháng 6 đối với nền kinh tế Việt Nam.
Theo IMF, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo sẽ phục hồi ở mức 6,1% trong năm 2024. Điều này có được là do hỗ trợ bởi cầu bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và các chính sách nới lỏng. Dự kiến tăng trưởng cầu trong nước sẽ hồi phục dần do doanh nghiệp phải chèo chống với mức nợ cao trong khi thị trường bất động sản sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn trong trung hạn. Lạm phát dự kiến sẽ dao động quanh mức mục tiêu 4 - 4,5% của NHNN trong năm nay.
Tuy nhiên, IMF nhận định, những rủi ro tiêu cực vẫn còn cao. Xuất khẩu, động lực chính của nền kinh tế Việt Nam, có thể yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng. Với điều kiện tiền tệ nới lỏng, nếu áp lực tỷ giá hối đoái kéo dài lâu hơn, việc này sẽ dẫn đến tác động truyền dẫn lớn hơn đến lạm phát trong nước.
Điểm đáng chú ý được IMF nhấn mạnh trong báo cáo: “Những yếu kém kéo dài của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng, làm phương hại đến tăng trưởng kinh tế cũng như làm suy giảm sự ổn định tài chính”.
Ban Giám đốc Điều hành IMF đánh giá cao các cơ quan chức năng đã hành động nhanh chóng để duy trì sự ổn định tài chính vĩ mô khi quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch phải đối mặt với những cơn gió ngược cả trong và ngoài nước. Họ lưu ý rằng rủi ro vẫn ở mức cao và cần phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo sự ổn định tài chính vĩ mô và có các cải cách sâu rộng nhằm khắc phục các điểm yếu và đảm bảo tăng trưởng xanh, mạnh mẽ và toàn diện trong trung hạn. Việc tiếp tục tăng cường năng lực sẽ rất quan trọng để hỗ trợ các cải cách.
Các lãnh đạo IMF lưu ý rằng, do dư địa tài khóa vẫn còn nhiều trong khi việc nới lỏng chính sách tiền tệ còn ít dư địa, chính sách tài khóa nên đi đầu trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế nếu cần. Trong bối cảnh này, IMF hoan nghênh kế hoạch của các cơ quan chức năng nhằm đẩy nhanh thực hiện đầu tư công, điều này sẽ đòi hỏi phải giải quyết các nút thắt và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng lưới an sinh xã hội để hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
“Củng cố khuôn khổ tài khóa, quy trình lập ngân sách và tăng huy động thu ngân sách trong trung hạn để hỗ trợ kế hoạch phát triển đầy tham vọng”, Ban Giám đốc IMF khuyến nghị.
Theo kết luận, các Giám đốc nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu và cải cách các chính sách về biến đổi khí hậu để đạt được tăng trưởng bền vững, xanh và toàn diện. Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế có thu nhập trung bình cao sẽ đòi hỏi các nỗ lực hơn để cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường cơ sở hạ tầng quan trọng và đầu tư vào nguồn nhân lực. Họ hoan nghênh Quy hoạch Điện VIII và kế hoạch xây dựng Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải để giúp đạt được các mục tiêu về khí hậu của Việt Nam và thúc đẩy an ninh năng lượng.
“Tầm quan trọng của việc thực hiện chiến lược và xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp để thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo và đảm bảo nguồn tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh. Việc tiến hành Đánh giá Quản lý Đầu tư Công về Khí hậu có thể sẽ rất hữu ích cho Việt Nam”, Các Giám đốc cho biết và hoan nghênh những nỗ lực chống tham nhũng của các cơ quan chức năng và nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường quản trị, cải thiện khuôn khổ Phòng Chống Rửa Tiền/Chống Tài Trợ Khủng Bố và đơn giản hóa khuôn khổ pháp lý. Cần nỗ lực nhiều hơn để thu hẹp những khoảng trống về dữ liệu.
Minh Thành