Quý I/2023, số doanh nghiệp phá sản vượt số doanh nghiệp đăng ký mới
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên trong các quý I từ trước tới nay, số doanh nghiệp đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý I năm 2023. Lần đầu tiên trong các quý I từ trước tới nay, số doanh nghiệp đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Cụ thể, trong quý I/2023, cả nước có 57 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Ở chiều ngược lại, trong quý 1/2023 có 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 71,1%).
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 42.858 doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2022; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 12.766 doanh nghiệp, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022; và số doanh nghiệp giải thể là 4.617 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong tháng 3, cả nước có 14,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 60,9% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 6,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,1% và tăng 46,2%; có 4.147 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 9,1% và tăng 39,3%; 3.452 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 31% và tăng 39,5%; có 1.412 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 21% và tăng 31,1%.
Vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp thành lập mới trong 3 tháng đầu năm nay đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả 446.400 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 10.600 doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2023 là 756.700 tỷ đồng, giảm 35,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo khu vực kinh tế, quý I/2023 có 330 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm trước; 8,1 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 9,6%; 25,4 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 1,5%.
Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2023 cho thấy số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn thấp hơn nhiều so với các quý năm 2022 (chỉ có 24,3%) nhưng dự kiến quý II/2023, có 44,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý I/2023.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 80,2% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm 2023 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I năm 2023; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 78,2% và 76,4%.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023 cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cả thuận lợi và khó khăn, nhưng khó khăn thách thức lại nhiều hơn thuận lợi. Điều này được thể hiện rõ qua số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I/2023 khi lần đầu tiên số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 60.241 doanh nghiệp, cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 56.946 doanh nghiệp.
Cụ thể, căng thẳng tại Nga - Ukraine khiến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh. Đồng thời, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, theo phản ánh của các doanh nghiệp, cơ chế hoàn thuế VAT thể hiện mục tiêu khuyến khích của Nhà nước đối với các hoạt động sản xuất, xuất khẩu và đầu tư. Hoàn thuế VAT sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về dòng tiền, đảm bảo tâm lý an tâm cho doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ về thuế.
Tuy nhiên, quy trình hoàn thuế giá trị gia tăng hiện đang kéo dài và không có thời hạn cụ thể khiến doanh nghiệp bị động, số tiền chờ hoàn của các doanh nghiệp lên hàng nghìn tỷ đồng, trở thành điểm nghẽn, tạo ra áp lực về dòng tiền đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, tiếp cận vốn khó khăn và lãi suất cao như hiện nay. Nếu tình trạng còn kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tuyên bố phá sản.
Lan Anh