Quốc hội quyết nghị giảm 2% thuế GTGT đến 30/6/2025
Với số phiếu biểu quyết cao, tại phiên họp bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV vào chiều 30/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết của kỳ họp, trong đó có nội dung Quốc hội quyết nghị tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT
Đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.
Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đã đưa ra những quyết định quan trọng đối với việc sửa đổi, bổ sung hệ thống các Luật nhằm tháo gỡ các nút thắt đối với nền kinh tế
Thông qua các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối NSNN năm 2025 đã được Quốc hội quyết định; khẩn trương ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua kênh thương mại điện tử (TMĐT), bảo đảm không cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng giá trị nhỏ, làm cơ sở cho cơ quan quản lý thuế có căn cứ pháp lý và chế tài quản lý thu đối với các sàn TMĐT nước ngoài bán hàng hoá vào Việt Nam, trước mắt chấm dứt ngay hiệu lực của Quyết định 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng tại Nghị quyết, Quốc hội thông qua các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để Tổng công ty Hàng không Việt Nam sớm phục hồi và phát triển bền vững. Trong đó, cho phép Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tính trên các khoản nợ thuế phát sinh theo quyết định của cơ quan thuế có thẩm quyền, còn nợ đến ngày 31/12/2024. Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền thuế còn nợ (nợ gốc) trước ngày 31/12/2024. Sau thời hạn trên, cơ quan thuế thực hiện tính tiền chậm nộp, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định.
Quốc hội cũng đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Giao Chính phủ chủ động thực hiện theo quy định của pháp luật, nghiên cứu trình Quốc hội thông qua điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong năm 2025.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại kỳ họp, Quốc hội thông qua 18 luật và 21 nghị quyết, trong đó có nhiều dự án luật quan trọng như Luật Thuế GTGT, Luật sửa 9 luật trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, Luật Công đoàn (sửa đổi) và cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật. Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ đã khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và 5 năm 2021-2025.
Thông qua Luật sửa 9 luật
Trước đó, chiều 29/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế TNCN, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong quá trình chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật NSNN; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ Quốc gia (Luật sửa 7 Luật), một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Kiểm toán độc lập liên quan đến các quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính; nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế liên quan đến các quy định của Luật Thuế TNCN.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung nội dung sửa đổi 2 Luật trên và sửa đổi tên gọi của dự thảo luật này là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế TNCN, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính” (Luật sửa 9 Luật).
Sửa đổi một số nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT
Tại nội dung sửa đổi Luật Quản lý thuế, luật sửa đổi đã bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” của các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT hoặc trên cơ sở nền tảng số (khoản 4 Điều 42 Luật hiện hành). Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, việc bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” là phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo việc quản lý thuế hiệu quả, công bằng giữa các quốc gia. Đồng thời tạo cơ sở, hành lang pháp lý để cơ quan thuế đôn đốc các nhà cung cấp ở nước ngoài “có cơ sở thường trú” đăng ký, khai, nộp thuế qua Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài, đảm bảo bao quát đầy đủ, mở rộng cơ sở thuế, chống thất thu thuế, nhất là trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.
Theo Luật mới sửa đổi, công chức quản lý thuế chịu trách nhiệm giải quyết hồ sơ thuế trong phạm vi hồ sơ, tài liệu, thông tin của NNT cung cấp, cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế, thông tin của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp có liên quan đến NNT, kết quả áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, bảo đảm theo đúng chức trách, nhiệm vụ, tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý thuế và quy định pháp luật khác về thuế có liên quan.
Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của NNT.
Đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài, luật sửa đổi quy định, nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Luật cũng bổ sung nội dung: “Đối với hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số thì tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch TMĐT, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác theo quy định của Chính phủ thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số không thuộc đối tượng được khấu trừ, nộp thuế thay thì có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế.
Chính phủ quy định chi tiết phạm vi trách nhiệm và cách thức các tổ chức quản lý sàn giao dịch TMĐT, quản lý nền tảng số và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ đối với các giao dịch kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số của các hộ, cá nhân; về hồ sơ, thủ tục khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế của các hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số.”
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
Liên quan đến những sửa đổi về quản lý thuế đối với những hoạt động trên nền tảng số, Luật sửa 9 Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN.
Theo đó, sửa đổi tên điều và bổ sung điểm a1 vào sau điểm a khoản 1 Điều 24 Luật Thuế TNCN. Tên điều được đổi thành “Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập, tổ chức là nhà quản lý sàn TMĐT, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán, các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác; trách nhiệm của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú”.
Bổ sung điểm a1 vào sau điểm a khoản 1 nội dung: “Tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch TMĐT, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán, các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác theo quy định của Chính phủ thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ, đối với các giao dịch kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số của các hộ, cá nhân”.
Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung Điều 33 Luật Thuế TNCN như sau:
“Điều 33. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập, tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch TMĐT, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán, các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác; trách nhiệm của đối tượng nộp thuế là cá nhân không cư trú:
1. Tổ chức, cá nhân trả thu nhập có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế vào NSNN theo từng lần phát sinh đối với các khoản thu nhập chịu thuế trả cho đối tượng nộp thuế.
2. Tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch TMĐT, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán, các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác theo quy định của Chính phủ thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ đối với các giao dịch kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số của các hộ, cá nhân.
3. Đối tượng nộp thuế là cá nhân không cư trú có trách nhiệm kê khai, nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.”.
Được biết, Luật sửa 9 Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Quy định tại điểm b khoản 5 Điều 6 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025.
Nguyễn Thủy