Quốc hội quyết mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên trong năm 2025
Ngày 19/2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, với 463/464 đại biểu Quốc hội tán thành (96,86%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Mục tiêu tổng quát tại Nghị quyết nêu rõ, năm 2025 sẽ tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau.
Theo đó, một số chỉ tiêu chủ yếu được điều chỉnh với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.
Nghị quyết cũng nêu ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật... Trên cơ sở đó, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó tập trung rà soát, sớm sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Hành lang pháp lý sẽ được chủ động, khẩn trương xây dựng với cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Trong đó Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sẽ sớm ban hành. Ngoài ra, Đề án khung pháp lý về phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, mô hình quản trị thông minh, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược cũng sớm được xây dựng.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả các loại thị trường (tài chính, chứng khoán, khoa học công nghệ, lao động, bất động sản…). Việc rà soát để mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn, áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại 10 địa phương và đã phát huy hiệu quả. Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn, như Vân Đồn, Vân Phong, các khu kinh tế biên giới và các vùng theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị...
Đồng thời, quy định về tổ chức bộ máy hoàn thiện, trong đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phục vụ triển khai cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả...
Đặc biệt, cơ chế, chính sách đủ mạnh quy định pháp luật cụ thể, minh bạch sẽ được ban hành ngay, để khắc phục, xử lý tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, tạo không gian sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi; Tăng cường kiểm tra, đôn đốc để giám sát thường xuyên, kịp thời uốn nắn, khắc phục, chấn chỉnh ngay các vi phạm, khuyết điểm, không dám chịu trách nhiệm.
Tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên
Nghị quyết đề ra yêu cầu tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, từ đó khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công.
Nghị quyết quy định triệt để tiết kiệm chi, trong đó phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 và nguồn tăng thu ngân sách năm 2024 để đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tận dụng dư địa về nợ công, bội chi ngân sách Nhà nước để huy động, bổ sung nguồn lực cho phát triển.
Bên cạnh đó, các Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, trong đó khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 để thực hiện ngay trong năm 2025...
Nghị quyết cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 cả nước đạt 95% kế hoạch đồng thời bổ sung, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm. Trường hợp cần thiết điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP...
Ngoài ra, nhằm khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế, Nghị quyết chỉ rõ sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh...