0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 11/02/2025 07:12 (GMT+7)

Chính phủ đề xuất điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên

Theo dõi KT&TD trên

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4,5 - 5%.

Tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên

Chiều 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích.

Đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Chỉ tiêu 2021-2025 nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Chính phủ đề xuất điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Quốc hội

Về kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025: Tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên; dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên). Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024; công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.

Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.

Điều kiện để thực hiện kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên là tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp; phân cấp, phân quyền triệt để. Hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước; có cơ chế khuyến khích phù hợp đối với các địa phương tăng trưởng cao, có điều tiết về Trung ương.

Đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao để trở thành động lực, nhân tố ngày càng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng...

Thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định

Qua thẩm tra Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ.

Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Chính phủ đề xuất điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm 2025 chưa có nhiều khởi sắc, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 1/2025 chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI ở mức dưới 50 điểm trong 2 tháng liên tiếp, cho thấy các điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam thu hẹp.

Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Đề án, đặc biệt cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc về việc điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động vì chỉ tiêu này có mối tương quan chặt chẽ với chỉ tiêu tăng trưởng GDP.

Về chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô...

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4,5 – 5%; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý một số nội dung trọng tâm, bám sát yêu cầu tăng trưởng đạt 8% trở lên và Kết luận của Trung ương để xác định cụ thể lộ trình và trách nhiệm xây dựng trình Quốc hội các luật, Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm hành lang pháp lý cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 cũng như các năm tiếp theo.

Đồng thời, bảo đảm yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước, bảo đảm chất lượng của các luật, nghị quyết; chất lượng và thời gian ban hành văn bản hướng dẫn và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tập trung vào các điểm nghẽn trong việc thi hành pháp luật...

Bạn đang đọc bài viết Chính phủ đề xuất điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bộ Tài chính không đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tiết kiệm
Bộ Tài chính khẳng định tại Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và người dân, Bộ Tài chính đã đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định về miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với lãi tiền gửi tiết kiệm như quy định hiện hành.
Chống thất thu thuế trong thương mại điện tử
Theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, cá nhân kinh doanh nếu có phát sinh doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm thì thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Quy trình hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động
Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 108/QĐ-TCT ngày 24/01/2025 về quy trình hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động (Quyết định 108). Quy trình này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và được áp dụng đối với cơ quan thuế các cấp trên toàn quốc.

Tin mới

Chiều nay (21/2) vàng thế giới và trong nước đều quay đầu giảm
Sau 5 phiên liên tục tăng và lập các “đỉnh mới”, giá vàng cả thế giới và trong nước quay đầu giảm. Hiện tại, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá bán vàng miếng SJC ở mức 89,7 - 92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 300 nghìn đồng/lượng.
Cảnh báo nguy cơ mất thông tin tài khoản và mật khẩu tại các hệ thống thông tin dùng chung
Công an TP Hà Nội thông tin, thông qua thực hiện công tác giám sát, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện tình trạng lộ, mất thông tin tài khoản, mật khẩu đăng nhập vào các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn TP.
Cơn sốt “túi mù” lan sang ngành F&B: Trào lưu kích thích trí tò mò và tăng doanh số
Thời gian gần đây, “túi mù” (hay còn gọi là hộp mù, blind box... ) đã trở thành một hiện tượng gây sốt trên mạng xã hội và dần lan rộng sang ngành F&B (Thực phẩm và đồ uống). Điểm đặc biệt của mô hình này nằm ở sự bất ngờ – người mua không biết chính xác mình sẽ nhận được gì cho đến khi mở gói.
Ô tô nhập khẩu giảm mạnh dù được giảm thuế
Thị trường ô tô nhập khẩu tại Việt Nam đang chứng kiến một giai đoạn đầy biến động. Dù các chính sách giảm thuế nhập khẩu đã được áp dụng nhằm kích cầu tiêu dùng, tuy nhiên số lượng xe nhập khẩu trong những tháng gần đây lại sụt giảm đáng kể.