0922 281 189 [email protected]
Thứ tư, 06/11/2024 11:38 (GMT+7)

Gỡ vướng thể chế để hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 7% trong năm 2025

Theo dõi KT&TD trên

Tại Kỳ họp thứ 8, chia sẻ bên lề phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, bên cạnh các giải pháp Chính phủ nêu thì việc tích cực tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách là nhiệm vụ cần được ưu tiên để đạt được các mục tiêu GDP khoảng 6,5 - 7%.

Gỡ vướng thể chế để hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 7% trong năm 2025
Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP.

Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP.

Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, pháp luật; phát triển hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân…

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, nhưng cũng bày tỏ băn khoăn, bởi tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2025, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp quan trọng, căn cơ, cấp bách cần triển khai là tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách nhằm tạo sự phát triển bứt phá:

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết: “Tôi đã nghiên cứu dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%). Tôi cho rằng, các mục tiêu này có thể đạt được nhưng cần điều kiện và giải pháp thực sự quyết liệt và mạnh mẽ, trong đó, cần quan tâm tháo nút thắt về thể chế”.

Chính phủ đang đề xuất Quốc hội chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương nhưng phải thể hiện bằng những chính sách rõ ràng, cụ thể, nhất là về thẩm quyền đề xuất, phê duyệt và triển khai thực hiện.

Trong quá trình thực hiện các luật mới được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và các luật khác có tác động mạnh đến các thị trường, nhất là thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, các thị trường phục vụ cho phát triển doanh nghiệp…

“Tôi cho rằng, chúng ta phải triển khai thực sự mạnh mẽ và quyết liệt. Cần thực hiện bài bản, có trọng tâm, trọng điểm chủ trương địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, đại biểu Sơn nhấn mạnh.

Một trong những động lực tăng trưởng là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, bởi qua nghiên cứu báo cáo cho thấy, tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp vẫn còn chậm, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, doanh nghiệp gặp khó khăn rất lớn.

Do đó, cần có giải pháp để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng cách quan tâm hơn đến thị trường vốn, giúp doanh nghiệp hấp thu vốn và đưa vào sản xuất kinh doanh; có những chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm – bởi xuất khẩu cũng là động lực của tăng trưởng kinh tế.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: “Tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 7% là rất cao, vì nền kinh tế vẫn đang phục hồi chậm, hơn nữa năm 2024 chúng ta gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ và Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách để miễn, giảm hoặc giãn nợ, gia hạn nợ. Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng như dự kiến kế hoạch đặt ra, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương cần quyết tâm và nỗ lực hơn nữa trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025”.

Theo tôi, giải pháp trọng tâm cần thực hiện là đánh giá lại tính khả thi của tăng trưởng để có giải pháp phù hợp. Trong đó, điều quan trọng là tháo gỡ thể chế, vì tất cả các vướng mắc đều xuất phát từ thể chế, nếu tháo gỡ được nút thắt thể chế, tôi tin rằng sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển. Song song với đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch năm 2025.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Tôi đánh giá cao Chính phủ tích cực đề xuất Quốc hội sửa đổi các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm phát triển bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình thực hiện, đòi hỏi tiếp tục phải hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc tổng thể. Cần nhìn nhận bức tranh tổng thể về những khó khăn của từng vùng, từng ngành để có đề xuất tháo gỡ cụ thể, ví dụ những khó khăn của vùng Tây Bắc khác với khó khăn của vùng Đồng bằng sông Hồng hay khu vực miền Trung, Tây nguyên, Đông Nam bộ.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận một luật sửa đổi nhiều luật liên quan đến đầu tư, đây là một trong những đột phá được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những rào cản thời gian qua nhiều địa phương đang gặp phải. Việc xây dựng 1 luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư sẽ giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Việc sửa đổi cũng phân quyền cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh để nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, linh hoạt của cấp tỉnh trong tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh. Đơn giản hóa quy trình lập quy hoạch và quy định cụ thể sự tham gia, phối hợp của các cơ quan liên quan trong quá trình lập quy hoạch.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Tôi cho rằng, đầu tư công có vai trò quan trọng, dẫn dắt nền kinh tế, nếu thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ tạo nên sự tăng trưởng bứt phá những tháng còn lại năm 2024 và cả năm 2025. Theo thống kê, 9 tháng năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 47,29%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, trong đó phải kể đến trách nhiệm của các cấp, các ngành được giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án, công trình có vốn đầu tư công triển khai chưa quyết liệt. Bên cạnh đó, có nguyên nhân từ thể chế - là điểm nghẽn trong 3 điểm nghẽn lớn nhất; căn bệnh sợ trách nhiệm và việc phân cấp, phân quyền cho các Bộ, ngành, địa phương chưa đến nơi, đến chốn.

Đối với hoạt động đầu tư công, tôi cho rằng các quy định của pháp luật cần minh bạch, rõ ràng, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và giám sát chặt chẽ. Để không còn tình trạng sợ trách nhiệm, cần rà soát để khắc phục triệt để, đảm bảo các chủ thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo dễ thực hiện; các quy định của pháp luật cũng cần chặt chẽ, minh bạch hơn.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội xem xét, thông qua sửa đổi 1 luật sửa 4 Luật; 1 Luật sửa 7 Luật, tôi kỳ vọng việc sửa đổi này sẽ tháo gỡ ngay điểm nghẽn, bất cập trong thực tế, góp phần đáng kể vào tăng trưởng của đất nước.

Bạn đang đọc bài viết Gỡ vướng thể chế để hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 7% trong năm 2025. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội đạt 18,38%
Cuối tháng 11/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 4.282 nghìn tỷ đồng, tăng 0,79% so với cuối tháng trước và tăng 18,38% so với thời điểm kết thúc năm 2023.
Thị trường vốn cần “đòn bẩy” từ quỹ bảo hiểm, hưu trí
Để nâng tầm thị trường vốn Việt Nam, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa việc phát triển mô hình Quỹ hưu trí tự nguyện, đồng thời thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ, vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa gia tăng khả năng huy động vốn một cách bền vững.
Quy định mới liên quan đến thuế
Nhiều quy định mới về khuyến mại, trái phiếu, hoạt động thương mại biên giới, thuế, bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai... sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2024.
Không lo lãi suất cho vay tăng mạnh
Chênh lệch giữa tốc độ huy động vốn và cho vay đang gia tăng. Điều này được cho sẽ gây ra áp lực khiến lãi suất đầu vào tăng, kéo lãi vay lên theo. Tuy nhiên, chuyện không hẳn như vậy.
An Giang:Tăng cường kiểm tra ngăn chặn hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường
Đội Quản lý Thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý Thị trường tỉnh An Giang,phối hợp với Công an huyện Thoại Sơn đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và tạm giữ trên 1.000 sản phẩm áo len kiểu nữ các loại, trị giá trên 100 triệu đồng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; Đoàn kiểm tra tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý

Tin mới

Mật ong rừng Việt Nam - Tiềm năng lớn cần được khai phá
Mật ong rừng tự nhiên là một trong những sản vật quý giá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Việt Nam. Với hệ sinh thái rừng nhiệt đới phong phú trải dài từ Tây Nguyên, Tây Bắc đến Nam Trung Bộ, mật ong rừng Việt Nam nổi bật với độ tinh khiết và giá trị dinh dưỡng cao.
Xu hướng mua sắm mùa Tết 2025
Trước bối cảnh kinh tế còn khó khăn, các chuyên gia cho rằng, dịp Tết năm 2025, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng tiếp tục là mùa Tết tiết kiệm, đơn giản và thiết thực.
Các nhà bán lẻ nỗ lực ổn định nguồn cung, kỳ vọng thị trường bùng nổ cuối năm
Cuối năm là thời điểm “vàng” của ngành bán lẻ, khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh để chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết. Để thành công trong mùa mua sắm cuối năm, ngành bán lẻ không chỉ phải chuẩn bị kỹ lưỡng về hàng hóa, mà còn phải triển khai các chiến lược kích cầu, đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm.
Xuất khẩu rau quả Việt Nam bứt phá, hướng đến kỷ lục 7,2 tỷ USD
Ngành xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang chứng kiến một bước tiến vượt bậc trong năm 2024. Với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng mạnh, lần đầu tiên trong lịch sử, xuất khẩu rau quả dự kiến đạt mốc 7,2 tỷ USD. Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn giữ vững vị trí là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.