Quảng cáo trên mạng: Sẽ xử lý nghiêm các vi phạm
Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động quảng cáo đang dịch chuyển mạnh từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống sang không gian mạng. Sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng,
Đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước. Vì vậy, Luật Quảng cáo đang được xem xét sửa đổi, bổ sung, với nhiều đề xuất chính sách quan trọng.
Nghiên cứu thiết kế tính năng có sự lựa chọn quảng cáo hay không
Thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn tỉnh Quảng Bình) đồng tình với các quy định về quảng cáo trên mạng, trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người truyền tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo... trong dự thảo Luật.
Tuy nhiên, với quảng cáo trên mạng, đại biểu bày tỏ băn khoăn khi việc quảng cáo trên các phương tiện điện tử là hoạt động tự động, không phụ thuộc vào sự lựa chọn của người sử dụng. Mặt khác, hoạt động quảng cáo trên mạng rất đa dạng, bao gồm cả nội dung nhạy cảm và thậm chí có yếu tố không phù hợp với một số đối tượng và lứa tuổi.
Trong khi đó, dự thảo Luật mới chỉ quy định đối với những quảng cáo không ở vùng cố định phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 2 lần quảng cáo liên tiếp cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo cáo nội dung quảng cáo không phù hợp.
“Thiết nghĩ với thời gian 6 giây thì người sử dụng mạng cũng đã nhận biết, tiếp cận được hết nội dung quảng cáo bao gồm các nội dung quảng cáo không mong muốn. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng phải thiết kế tính năng có sự lựa chọn quảng cáo hay không quảng cáo”, theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh) cho hay, thị phần quảng cáo tại Việt Nam hiện nay chủ yếu nằm trong tay các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, Tiktok. Theo báo cáo của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) năm 2023 thì các nền tảng này chiếm hơn 75% doanh thu quảng cáo, trong khi báo chí truyền thống chỉ chiếm dưới 10%.
Các nền tảng này thường không đăng ký hoạt động đầy đủ tại Việt Nam hoặc chỉ đăng ký một phần, dẫn đến việc không thể quản lý thuế một cách hiệu quả. Năm 2023, Việt Nam thất thu hơn 1.000 tỷ đồng từ quảng cáo trực tuyến, gây áp lực lên nguồn thu ngân sách quốc gia.
Vì vậy, ông Bình đề xuất cần áp dụng các biện pháp mạnh để quản lý nền tảng xuyên biên giới như bắt buộc các nền tảng phải đăng ký hoạt động tại Việt Nam và nộp thuế, áp dụng cơ chế phối hợp quốc tế trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp xuyên biên giới...
Đại biểu Thạch Phước Bình cũng cho biết, trong thực tiễn, nhiều nội dung quảng cáo trực tuyến đang vi phạm thuần phong mỹ tục, quảng cáo sai sự thật hoặc tự động xuất hiện trên các trang web không phù hợp. Cục An toàn thông tin ghi nhận hơn 500.000 lượt quảng cáo vi phạm chỉ trong năm 2023, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng và tăng nguy cơ lừa đảo trực tuyến.
Do đó, cần bắt buộc các nền tảng phải rà soát và kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi hiển thị; thiết lập chế tài mạnh, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo. Cùng với đó, nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2-3 lần lợi ích thu được, tương đương với các tiêu chuẩn tại các nước EU hoặc Mỹ và công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để tăng tính răn đe.
Cũng theo ông Bình, nhiều quảng cáo trực tuyến thiếu thông tin sản phẩm, gây hiểu lầm hoặc lừa đảo người tiêu dùng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2023, có hàng trăm vụ khiếu nại có liên quan đến việc mua hàng qua quảng cáo trực tuyến nhưng sản phẩm không đúng như mô tả đã được ghi nhận.
Bên cạnh đó, việc sử dụng dữ liệu cá nhân để quảng cáo không có sự đồng ý của người tiêu dùng đang là vấn đề nghiêm trọng, vi phạm quyền riêng tư. Vì vậy, đại biểu đề xuất quảng cáo phải ghi rõ thông tin sản phẩm, dịch vụ, đơn vị chịu trách nhiệm và cơ chế hỗ trợ sau bán hàng. Đồng thời, ban hành chế tài nghiêm khắc đối với việc sử dụng dữ liệu cá nhân một cách trái phép và bổ sung quy định về đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về quyền riêng tư và cách bảo vệ thông tin cá nhân.
Tránh đùn đẩy trách nhiệm
Theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn tỉnh Đắk Nông), hình thức quảng cáo trên Internet, quảng cáo thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube hiện đang phát triển rất mạnh. Điều đó có nghĩa quảng cáo trên Internet có sự tương tác cao, tạo cơ hội cho các nhà quảng cáo nhắm chính xác vào khách hàng của mình, tiến hành quảng cáo theo đúng sở thích và thị hiếu của người dân. Do đó, việc dự thảo Luật sửa đổi, mở rộng phạm vi trên mạng xã hội, trên internet là phù hợp...
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Đoàn tỉnh Ninh Thuận) cũng cho rằng, hiện nay hoạt động quảng cáo hoặc những nội dung có thông điệp quảng cáo trên Facebook, Zalo, Tiktok... rất đa dạng, có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng nhưng được lan truyền trên không gian mạng một cách rộng rãi, công khai.
Cụ thể như trào lưu uống nước kiềm để chữa bách bệnh, thải độc ruột, thải độc đại tràng bằng cà phê, thần thánh hóa gạo lứt, nước tương có thể chữa bệnh ung thư, các bài thuốc, phương thuốc bí truyền, các thực phẩm giảm cân thần tốc, thực phẩm phòng ngừa đột quỵ, ung thư... Kèm theo đó là gián tiếp giới thiệu, bán các sản phẩm và rất nhiều người tin theo, thậm chí là từ bỏ giai đoạn vàng điều trị bệnh để chạy theo các thông tin quảng cáo, gây tổn hại rất lớn cho sức khỏe cá nhân, gia đình và xã hội.
Vì vậy, dự thảo Luật có sửa đổi, bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, nhưng cần phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ để quy định thật phù hợp khả thi, tránh đùn đẩy trách nhiệm.
Phương Thảo