0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ hai, 11/03/2024 13:59 (GMT+7)

Công ty Tuân Mạch Linh đang lừa dối NTD khi 'nổ' quảng cáo TPBVSK như thuốc ‘đặc trị’

Theo dõi KT&TD trên

Sản phẩm được giới thiệu và bán trên thị trường chỉ là Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK), không hề có chức năng điều trị nhưng Công ty TNHH Tuân Mạch Linh (Công ty Tuân Mạch Linh) vẫn quảng cáo “nổ” công dụng như thuốc, “đặc trị” suy giãn tĩnh mạch mọi cấp độ về bệnh giãn tĩnh mạch.

Sau khi nhận được phản ánh của người tiêu dùng, và thực tế qua khảo sát của PV Thương Trường, trên không gian mạng hiện nay, có rất nhiều cơ sở bán TPBVSK đang giới thiệu, quảng cáo với nhiều nội dung không đúng bản chất của sản phẩm thực phẩm chức năng. Thực tế, tại trang web https://tuanmachlinh.com cơ sở này đang quảng cáo sản phẩm TPBVSK Tuân Mạch Linh với công dụng chữa các bệnh lý về tĩnh mạch, thậm chí quảng cáo còn ghi rõ là “Đặc trị suy giãn tĩnh mạch mọi cấp độ từ các thảo dược quý được chọn lọc và đúc kết qua nhiều năm kinh nghiệm”.

Công ty Tuân Mạch Linh quảng cáo TPBVSK ‘nổ’ công dụng như thuốc ‘đặc trị’
Dù là TPBSK nhưng Cao Tuân Mạch Linh được quảng cáo với công dụng như thuốc "đặc trị" mọi cấp độ.

“NỔ” CÔNG DỤNG CỦA TPBVSK NHƯ THUỐC “ĐẶC TRỊ”

Theo phản ánh của anh N.T.Đ (Nam Từ Niêm, Hà Nội), tìm hiểu về một số TPBVSK được quảng cáo trên các website, kênh bán hàng online để mua phục vụ nhu cầu sử dụng của cá nhân. Anh Đ thấy “lạ” khi Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Cao Tuân Mạch Linh lại được giới thiệu, quảng cáo có công dụng đặc trị hay điều trị. Điều này khiến anh Đ cảm thấy hoang mang vì không biết công dụng thực sự của sản phẩm có đúng như những lời quảng cáo “có cánh” kia không.

Từ phản ánh của người tiêu dùng, PV Thương Trường đã tìm hiểu tại một số website kinh doanh TPNVSK Cao Tuân Mạch Linh, điển hình như trang web https://tuanmachlinh.com/, TPBVSK Cao Tuân Mạch Linh được quảng cáo là một sản phẩm “chữa” suy giãn tĩnh mạch, cơ chế hoạt động của sản phẩm là “điều trị” nội khoa, thuốc sẽ đi vào cơ thể nuôi dưỡng và phục hồi cải thiện chức năng của hệ thống mạch,…

Công ty Tuân Mạch Linh quảng cáo TPBVSK ‘nổ’ công dụng như thuốc ‘đặc trị’
Không chỉ quảng cáo là “chữa” được bệnh, sản phẩm này còn được quảng cáo là “đặc trị” suy giãn tĩnh mạch

Không chỉ quảng cáo là “chữa” được bệnh suy giãn tĩnh mạch, sản phẩm này còn được quảng cáo là “đặc trị” suy giãn tĩnh mạch với các công dụng như: Tăng sức bền, tăng trương lực của thành tĩnh mạch; Giảm triệu chứng khó chịu của bệnh như nặng chân, tê bì, chuột rút, nhức mỏi… giúp người bệnh nhanh chóng bình phục, quay trở lại với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày; Giúp phòng được những biến chứng nguy hiểm của suy giãn tĩnh mạch như thuyên tắc động mạch phổi, đột quỵ…

Còn tại trang web https://www.dongyphambatuan.com/ và https://www.tuanmachlinh.vn/, nội dung tại 2 trang web này gần như chẳng khác gì nhau ngoài tên đường link truy cập. Theo quảng cáo tại hai trang web này, sản phẩm TPBVSK Cao Tuân Mạch Linh được quảng cáo là “bài thuốc điều trị” bệnh suy giãn tĩnh mạch, sản phẩm có công dụng “đặc trị” suy giãn tĩnh mạch; đánh tan mạch máu bị xưng phồng do tắc nghẽn; phục hồi tái tạo tĩnh mạch, hết đau, chuột rút ở chân tay…

Công ty Tuân Mạch Linh quảng cáo TPBVSK ‘nổ’ công dụng như thuốc ‘đặc trị’
Nội dung tại trang web dongyphambatuan.com và tuanmachlinh.vn gần như chẳng khác gì nhau ngoài tên đường link truy cập.

Với những quảng cáo như vậy lẽ ra người tiêu dùng phải thấy an tâm vì có thể được tiếp cận thương hiệu kinh doanh Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ tốt. Tuy nhiên, sự thực không hẳn như vậy!

Bởi, các quy định pháp luật đều nêu rõ, thuốc và thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là khác nhau, có công dụng và mục đích sử dụng khác nhau. Thuốc là để chữa bệnh còn thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là để hỗ trợ bảo vệ sức khỏe.

NGHI VẤN CÓ DẤU HIỆU QUẢNG CÁO “ CHUI”

Dù chỉ là Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, sản phẩm chỉ dùng để hỗ trợ, hoàn toàn không có công dụng chữa trị, điều trị bệnh. Thế nhưng, hành vi quảng cáo “thổi phồng” công dụng đối với sản phẩm Cao Tuân Mạch Linh của Công ty Tuân Mạch Linh là hoàn toàn sai phạm, có dấu hiệu bất chấp quy định của pháp luật, lừa dối người tiêu dùng.

Công ty Tuân Mạch Linh quảng cáo TPBVSK ‘nổ’ công dụng như thuốc ‘đặc trị’
Công ty Tuân Mạch Linh có dấu hiệu quảng cáo “chui” khi mới có số đăng ký sản phẩm mà chưa có số xác nhận quảng cáo.

Trong khi, pháp luật đã ban hành các quy định về quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ là một trong những loại hình quảng cáo có điều kiện, doanh nghiệp chỉ có thể tiến hành hoạt động quảng cáo khi đã được cơ quan chức năng cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Nhưng tại website https://tuanmachlinh.com/, đơn vị này không hề cung cấp thêm cơ sở pháp lý nào liên quan về công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Nghi vấn Công ty Tuân Mạch Linh có hành vi quảng cáo “chui” các sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ khi chưa có giấy xác nhận quảng cáo hoặc quảng cáo không đúng với nội dung được cơ quan chức năng xác nhận?

Tìm hiểu thêm về chủ thể sử các dụng tên miền nêu trên, tại trang web https://tuanmachlinh.com/, phóng viên ghi nhận trang web này thuộc bản quyền của Công ty TNHH Tuân Mạch Linh (địa chỉ tại Liên Hồng, Bách Thuận, Vũ Thư, Thái Bình). Sau khi tra cứu thông tin tên miền tại Hệ thống thống tin tra cứu tên miền (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), tên miền của trang web này thuộc tên miền quốc tế, không được cấp và quản lý bởi các tổ chức đăng ký tên miền tại Việt Nam. Tại cuối chân trang web đang quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ với công dụng chữa các bệnh lý về tĩnh mạch, thậm chí quảng cáo còn ghi rõ là “Đặc trị suy giãn tĩnh mạch mọi cấp độ từ các thảo dược quý được chọn lọc và đúc kết qua nhiều năm kinh nghiệm”.

Công ty Tuân Mạch Linh quảng cáo TPBVSK ‘nổ’ công dụng như thuốc ‘đặc trị’
Tên miền của trang web https://tuanmachlinh.com/ thuộc tên miền quốc tế, không được cấp và quản lý bởi các tổ chức đăng ký tên miền tại Việt Nam.

Đối với trang web https://www.dongyphambatuan.com, tên miền của trang web này thuộc tên miền quốc tế, tên đăng ký chủ thể sử dụng là Nguyễn Như Dung; Còn tại trang web https://www.tuanmachlinh.vn, tên miền của trang web này thuộc tên miền quốc gia .VN, tên chủ thể đăng ký sử dụng là Phạm Bá Bang. Nhà đăng ký quản lý của hai trang web này là Công ty TNHH Phần mềm iNET.

QUẢNG CÁO “NỔ” CÔNG DỤNG, QUẢNG CÁO SAI SỰ THẬT CÓ THỂ BỊ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Trên thực tế, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ. Các quy định pháp luật đều nêu rõ, thuốc và thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là khác nhau, có công dụng và mục đích sử dụng khác nhau. Trong đó, thuốc là để chữa bệnh còn thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là để hỗ trợ bảo vệ sức khỏe.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều tổ chức cá nhân quảng cáo mập mờ, đánh tráo khái niệm, quảng cáo thực phẩm chức năng giống như các loại thuốc, có thể chữa bách bệnh. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo vi phạm quy định.

Đối với các thông tin quảng cáo về thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao Tuân Mạch Linh tại website https://tuanmachlinh.com/ nêu trên hay các sản phẩm thực phẩm chức năng nói chung trên internet, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi quyết định mua để tránh tình trạng "tiền mất, tật mang".

Công ty Tuân Mạch Linh quảng cáo TPBVSK ‘nổ’ công dụng như thuốc ‘đặc trị’
Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Cao Tuân Mạch Linh quảng cáo mập mờ, đánh tráo khái niệm, quảng cáo thực phẩm chức năng giống như các loại thuốc, có thể chữa bệnh.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều giải pháp xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, tuy nhiên, hành vi vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi. Các hình thức vi phạm phổ biến là sử dụng hình ảnh, bài viết của nhân viên y tế hoặc bài viết, phản hồi của người tiêu dùng nhằm ám chỉ thực phẩm là thuốc chữa bệnh hoặc có công dụng như thuốc chữa bệnh, là trái quy định pháp luật.

Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân còn có hành vi quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm; dùng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, hoặc logo các đài truyền hình để lồng ghép nội dung quảng cáo trái phép, gần như lừa dối người tiêu dùng về công dụng của các thực phẩm bảo vệ sức khỏe...

Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và “thổi phồng” như thuốc chữa bệnh hiện nay như: sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan..., thậm chí có thuốc quảng cáo phải dùng vài tháng mới thấy tác dụng, chính thời gian này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân, rất nguy hiểm.

Hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng được cho là hành vi vi phạm trái pháp luật, trái với quy tắc xử sự chung theo quy định của luật quảng cáo hoặc các văn bản pháp luật khác có liên quan, gây ảnh hưởng đến xã hội, hay một đối tượng cụ thể như là người tiêu dùng. Mọi hành vi vi phạm pháp luật thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, và tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm của hành vi mà cá nhân tổ chức vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành chính, dân sự, hình sự. Và đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng và cũng là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước tới đời sống sức khoẻ của nhân dân.

Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định về đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm thì việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo còn phải tuân thủ các quy định cụ thể như: Trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành. Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm.

Chiếu theo các quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi vi phạm về quảng cáo, đưa ra thông tin sai sự thật công dụng, hiệu quả của thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo từng tình huống cụ thể.

Đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị… sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng.

Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, còn phải buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin.

Các đối tượng quảng cáo sai sự thật, gian dối về hàng hóa, dịch vụ cũng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 197 Bộ luật hình sự quy định về "Tội quảng cáo gian dối".

Trước hành vi vi phạm nêu trên, đề nghị các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng cần nhanh chóng vào cuộc tiến hành thanh kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm nhằm bảo vệ quyền và lợi chính đáng của người tiêu dùng, nâng cáo tính thượng tôn pháp luật... Bên cạnh đó, là lời cảnh tỉnh những cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận mà bất chấp quy định của pháp luật, gây hiểu lầm và hoang mang cho người tiêu dùng và xã hội.

Thanh Phong

Bạn đang đọc bài viết Công ty Tuân Mạch Linh đang lừa dối NTD khi 'nổ' quảng cáo TPBVSK như thuốc ‘đặc trị’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Viettel là nhà mạng đầu tiên khôi phục hoàn toàn kết nối vùng biển đảo bị ảnh hưởng bởi bão số 3
 Ngày 17/9, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) khôi phục mạng di động chất lượng như trước bão cho chính quyền, quân đội, hàng trăm nghìn người dân trên đảo và ngư dân trên biển tại các huyện đảo, xã đảo Quảng Ninh, Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.