Quảng Bình: Cần sớm giải cơn “khát” về nhà ở xã hội
Cùng với sự sôi động của các dự án phát triển sản xuất kinh doanh, nhu cầu nhà ở xã hội của người thu nhập thấp cũng gia tăng nhanh chóng. Trong khi đó, việc triển khai các dự án này tại Quảng Bình hết sức chậm chạp.
Dự án nhiều, thực hiện ít
Theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng, trong hơn 10 năm qua đã triển khai một số đồ án về dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, học sinh - sinh viên, công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2020, tiêu biểu là các dự án: Dự án nhà ở thu nhập thấp tại khu vực phía Bắc đường Trần Quang Khải (thành phố Đồng Hới) quy mô 80.000m2 sàn xây dựng, với kinh phí 550 tỷ đồng.
Dự án nhà ở thu nhập thấp tại Khu dân cư đường Phan Đình Phùng (thành phố Đồng Hới) quy mô 100.000m2 sàn xây dựng, với kinh phí 687 tỷ đồng. Tuy nhiên chưa có dự án nào được thực hiện và đi vào hoạt động, vì không có nhà đầu tư nào quan tâm. Toàn tỉnh hiện chỉ có 1 dự án Khu nhà ở công nhân của Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Đại Phong, với quy mô 204 căn hộ, tổng diện tích sàn 700m2, đáp ứng cho 400 người.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, việc phát triển nhà ở xã hội lần nữa được tỉnh Quảng Bình xem là cần thiết và cần phải tái khởi động việc mời gọi đầu tư, triển khai xây dựng. Với việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng khu nhà ở xã hội độc lập ở xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới, có quy mô 96.000m2.
Trong đó, đất phát triển nhà ở xã hội là 42.855m2 (chiếm 80% tổng diện tích), gồm 2 block xây nhà chung cư; một phần diện tích đất còn lại sẽ bố trí xây dựng 93 căn nhà ở thương mại liền kề.
Ông Phạm Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đầu năm 2023, UBND tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo sơ tuyển nhà đầu tư, thực hiện thủ tục đầu tư. Sở Xây dựng xây dựng phương án triển khai 2 block nhà ở chung cư với 691 căn hộ, tại Dự án nhà ở xã hội độc lập tại xã Lộc Ninh (thành phố Đồng Hới).
Hiện, các ngành đang rà soát, khi nhà đầu tư đảm bảo đáp ứng năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý vận hành dự án nhà ở xã hội tương tự, sẽ cho phép triển khai xây dựng. Để có thể hình thành nên những căn hộ giá rẻ tại đô thị, người dân tìm về sinh sống ổn định. Từ đó, khuyến khích các doanh nghiệp khác quan tâm, đầu tư xây dựng các dự án tương tự.
Phòng Quản lý đô thị thành phố Đồng Hới cho biết: Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, lao động tại khu vực đô thị đang là chủ trương lớn của tỉnh, nhằm hạn chế tác động của quá trình đô thị hóa lên đời sống thị dân. Tuy vậy, qua thực tế và nắm bắt, nhận thấy: Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh. Nhà đầu tư chỉ quan tâm dự án nhà ở thương mại mà chưa có sự quan tâm nhà ở thu nhập thấp.
Anh Lê Cương, phường Đồng Phú (thành phố Đồng Hới) cho biết: Người lao động thu nhập thấp hiện đang có khát vọng được bám trụ lại khu vực đô thị thành phố Đồng Hới. Giải pháp hiện thời của phần lớn cá nhân, gia đình là thuê phòng trọ hoặc thuê nhà nguyên căn, chứ rất khó có thể đủ tài chính để mua được đất và làm được nhà.
Thời gian tới, nếu có các căn hộ giá rẻ từ các dự án nhà ở thu nhập thấp độc lập, thì họ sẽ nộp đơn thuê, mua. Chứ người thu nhập thấp thì rất khó để sống hài hòa ở dự án nhà ở xã hội được xây dựng từ 20% quỹ đất dự án khu nhà ở thương mại, bởi giá cả và tâm lý.
Tháo điểm nghẽn
Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030 đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 19 và UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2804 ngày 31/8/2021, trong đó quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân khoảng 24,1ha. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh những năm qua chưa đáp ứng nhu cầu của các đối tượng này. Vậy đâu là điểm nghẽn?
Đặc tính sở hữu, thói quen văn hóa của người dân địa phương là muốn sở hữu tài sản riêng về đất đai lâu dài (của để dành cho con cháu). Trong khi đó, giá một lô đất vùng ven, khoảng cách 5-8km, thời điểm hiện nay khoảng 1 tỷ đồng. Nhưng so với giá một căn hộ chung cư nhà ở xã hội, tại khu trung tâm có giá khoảng 500 - 600 triệu đồng thì người dân muốn sở hữu đất nền và tích lũy xây nhà.
Hơn nữa, người dân muốn được tự do lựa chọn quy mô, vị trí khi mua nhà ở thương mại để thuận lợi hơn trong thụ hưởng các tiện ích xã hội và các nhu cầu sinh hoạt (nhà trẻ, bệnh viện, chợ, khu thể thao...) hơn là bó buộc tại một vị trí dự án. Do vậy, các đối tượng có thu nhập thấp hướng đến các nhà ở, đất ở thương mại giá rẻ.
Đáng chú ý, việc xúc tiến đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn chậm do các doanh nghiệp chưa mặn mà với loại hình này. Việc lựa chọn chủ đầu tư vẫn phải thực hiện theo quy trình của Luật Đấu thầu dẫn đến kéo dài thời gian và chi phí cho nhà đầu tư.
Nguyên tắc lựa chọn dự án chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu tại Điều 3 Thông tư số 09 ngày 16/8/2021 của Bộ Xây dựng là “có quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 44 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng thì ghi rõ: “Không dùng vốn ngân sách cho việc lập quy hoạch chi tiết”. Nội dung này đã tạo điểm nghẽn không nhỏ cần tháo gỡ để phát triển nhà ở xã hội, trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Ông Phan Phong Phú - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình cho biết: Đầu tháng 3/2023, theo kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án nhà ở xã hội tại xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới, có sơ bộ tổng chi phí thực hiện hơn 972 tỷ đồng, Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư NNP - Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Đống Đa là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.
Liên danh nhà đầu tư này có địa chỉ tại Khu đô thị mới Việt Hưng, phường Giang Biên, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội. Qua đây, từng bước hiện thực hóa chủ trương lớn của tỉnh về nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.
Nhất Linh