PVcomBank 'chịu chơi' với cuộc đua trái phiếu
Trong khi NHNN liên tục thắt chặt các quy định về đầu tư trái phiếu của các ngân hàng nhằm kiểm soát nguy cơ gây mất an toàn thì Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) – một ngân hàng ở nhóm cuối hệ thống.
Đã từng có thời điểm bị hạn chế do nợ xấu từng vượt ngưỡng trần 3% lại đang rất “chịu chơi” ở lĩnh vực này. PVcomBank đã hỗ trợ cho loạt doanh nghiệp rất “lạ lẫm” một cách “thần tốc”?
Nợ xấu có thời điểm vượt ngưỡng 3%
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành thanh tra đột xuất và có kết luận tại nhiều tổ chức tín dụng với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các ngân hàng có hành vi vi phạm. Kết quả thanh tra và các biện pháp xử lý liên quan góp phần phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm và các rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động, đảm bảo việc chấp hành các quy định pháp luật trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
NHNN cho biết, nhiều quy định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn để kiểm soát hoạt động này. Chẳng hạn, quy định về trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng (gồm cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp). Hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp được tính vào dư nợ tín dụng của một khách hàng và người có liên quan khi xác định giới hạn cấp tín dụng.
NHNN cũng đã chỉ thị cơ quan thanh tra giám sát trong năm nay phải thanh tra có trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, cơ cấu lại, xử lý nợ xấu... Ngoài ra, cơ quan thanh tra giám sát cần cảnh báo kịp thời, xử lý nghiêm vi phạm đối với việc cấp tín dụng của các ngân hàng trong lĩnh vực rủi ro, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, hạch toán lại dự thu.
Dù NHNN đã siết chặt các quy định liên quan đến đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, thậm chí đã tiến hành thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm nhưng vẫn có không ít những tổ chức tín dụng “mạnh tay” trong hoạt động này.
Có thể kể đến như PVcomBank - một ngân hàng chỉ nằm ở top cuối của hệ thống nhưng đã liên tục hỗ trợ một loạt doanh nghiệp khá “lạ lẫm” trong cuộc chơi trái phiếu, kêu gọi vốn trong giai đoạn khủng hoảng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Novaland, kết thúc năm 2022, PVcomBank đang “đọng” khoảng 3.000 tỷ đồng vào trái phiếu của Novaland. Cụ thể, PVcomBank – chi nhánh Sài Gòn đã mua 1.350 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn tại Novaland. Gói trái phiếu đáo hạn vào năm 2024. Lãi suất cho kỳ tính lãi đầu tiên cố định bằng 12,5%/năm. Lãi suất cho các kỳ tính lãi tiếp theo được điều chỉnh ba tháng một lần và bằng lãi suất cơ sở tại thời điểm điều chỉnh cộng 5,0%.
Ngoài ra, PVcomBank – chi nhánh Sài Gòn Novaland cũng có khoản đầu tư 1.650 tỷ đồng trái phiếu dài hạn tại Novaland, đây là khoản huy động bằng việc phát hành trái phiếu, đáo hạn vào tháng 11/2024. Lãi suất cho kỳ tính lãi đầu tiên cố định 12,5%.
Còn theo báo cáo hợp nhất năm 2022, tính đến hết 31/12, tổng nợ xấu của PVcomBank giảm nhẹ 1,2% xuống mức 3.061 tỷ đồng. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 29% khi chiếm 2.006 tỷ đồng, còn nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đều giảm. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của PVcomBank giảm từ mức 3,5% của đầu kỳ xuống còn 2,8%.
Một thông tin đáng chú ý, tính đến ngày 30/06/2022 chất lượng cho vay khách hàng của PVcomBank đang có dấu hiệu suy giảm khi tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng là hơn 3.031 tỷ đồng, cao gấp 2,1 lần so với đầu năm. Nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn cao tăng 38,2% lên mức 2.144,4 tỷ đồng, chiếm 70,7% tổng nợ xấu của PVcomBank. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của PVcomBank tăng từ 1,6% hồi đầu năm lên 3,21%.
Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỉ lệ nợ xấu trên 3%
Theo Thông tư 16/2021/TT-NHNN của NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp nêu rõ: Tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng đó có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp còn phải đáp ứng các nguyên tắc như:
Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp: Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
PVcomBank vẫn “chịu chơi” trong cuộc đua trái phiếu
Trong thời điểm giữa năm 2023, khi thị trường trái phiếu gần như đóng băng, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) bất ngờ thông báo, Công ty TNHH Phát triển kinh doanh xây dựng 3 (Công ty xây dựng 3) vừa công bố phát hành thành công lô trái phiếu mã XD3CH2328001 có tổng giá trị phát hành là 2.250 tỷ đồng, kỳ hạn 60 tháng. Ngày phát hành là 20/6/2023, hoàn tất cùng ngày, ngày đáo hạn là 20/6/2028. Đáng chú ý, đây là lô trái phiếu có giá trị phát hành lớn nhất thị trường kể từ đầu tháng 5/2023.
Dù đơn vị phát hành không công bố các thông tin cụ thể về nhà đầu tư mua, lãi suất hay tài sản đảm bảo nhưng HNX cho biết, lô trái phiếu này có lãi suất kết hợp giữa cố định 14%/năm và thả nổi. Mức lãi suất này cao gần gấp đôi so với lãi suất ngân hàng ở giai đoạn hiện tại rơi vào 7-8% và là một trong hai lô trái phiếu trả lãi suất cao nhất thị trường tính từ đầu năm. Đối tượng chào bán là tổ chức chuyên nghiệp và tổ chức lưu ký là CTCP Chứng khoán Dầu khí.
Sẽ không có gì đáng nói với thương vụ này ngoài việc lãi suất lên đến 14%/năm và “sợi dây” liên quan với PVcomBank. Cụ thể, một ngày trước khi Công ty xây dựng 3 hoàn tất việc phát hành 2.250 tỷ đồng trái phiếu, tức ngày 19/6 – doanh nghiệp này đã thực hiện một giao dịch bảo đảm tại PVcomBank.
Cụ thể, Công ty xây dựng 3 đã thế chấp tất cả quyền tài sản (không bao gồm Quyền sử dụng đất và không bao gồm quyền sở hữu nhà ở) của Công ty, phát sinh từ hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án Đầu tư xây dựng nhà ở thương mại An Sinh thuộc khu D khu cửa ngõ Đông Bắc, Phường Tân Thành, TP Cà Mau, Tỉnh Cà Mau giữa Công ty này và Công ty TNHH Đầu Tư Xây Dựng và Thương Mại CIT.
Công ty TNHH Phát triển kinh doanh xây dựng 3 chỉ mới thành lập năm 2019, trụ sở chính ở Tầng 5 tòa nhà Icon4, Số 243A Đê La Thành, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty là bà Nguyễn Thị Thu Hường. Trước khi phát hành trái phiếu, trong tháng 5/2023, công ty đã tăng vốn điều lệ từ 2 tỷ đồng lên 252 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty Đầu Tư Xây Dựng và Thương Mại CIT thành lập cuối năm 2011 do ông Trần Sỹ Hùng sinh năm 1977 là người đại diện pháp luật. Ông Hùng cũng xuất hiện tại một loạt doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Tiến Thịnh hay CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Khải Nguyên.
Những “diễn biến thần tốc” khi Công ty xây dựng 3 ký kết giao dịch bảo đảm ngay trước khi thực hiện phát hành lô trái phiếu trị giá 2.250 tỷ đồng đã khiến nhiều người nhận định về khả năng PVcomBank chính là bên “liên quan” trong đợt phát hành này và những lần gọi vốn của các doanh nghiệp "lạ lẫm".
PVcomBank – Ngân hàng “thân thiết”, hỗ trợ đắc lực cho nhóm North Star Holdings
Những nhận định này sẽ càng có cơ sở khi nhìn vào một đợt phát hành cũng đặc biệt không kém của Công ty xây dựng 3, lô trái phiếu của Công ty CP North Star Holdings (NSH) giá trị 671 tỷ đồng với lãi suất 14%. Hai thương vụ có nhiều điểm tương đồng này PVcomBank xuất hiện với cùng vai trò, sợi dây liên quan một cách "gián tiếp" trong cuộc “đua” trái phiếu để trợ vốn doanh nghiệp.
Cụ thể, theo thông tin trên HNX, trong tháng 4/2023, lô trái phiếu duy nhất được phát hành thuộc nhóm ngành bất động sản, có trị giá 671 tỷ đồng, phát hành bởi NSH.
Y như đợt phát hành của Công ty xây dựng 3, đợt phát hành trái phiếu mã NSTCH2324001 với thời hạn 16 tháng của NSH thành công chỉ trong một ngày, cùng có lãi suất phát hành là 14%/năm và cũng có tổ chức lưu ký là Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI).
Điều này đồng nghĩa với việc lô trái phiếu trị giá 671 tỷ đồng đã được mua lại bởi số ít hoặc thậm chí là chỉ một nhà đầu tư có tiềm lực tài chính. Và cũng không loại trừ việc có một nhà đầu tư đã ôm trọn 2 lô trái phiếu của Công ty xây dựng 3 và của NSH.
Càng đặc biệt khi cùng ngày phát hành thành công 14/4 của NSH, PVcombank cũng xuất hiện tương tự như đợt phát hành của Công ty xây dựng 3. Cụ thể, trong cùng ngày NSH phát hành thành công lô NSTCH2224002, doanh nghiệp này đã thực hiện thế chấp một loạt tài sản tại PVcomBank, đó là tất cả quyền tài sản của North Star Holdings phát sinh từ các hợp đầu nguyên tắc văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, diện tích thương mại dịch vụ với CTCP Phát triển Xây dựng Miền Bắc, CTCP Dịch vụ Đầu tư và Thương mại Hưng Long, CTCP Xây dựng và Thương mại VT. Các giao dịch đảm bảo này cũng tiếp tục được NSH thực hiện với PVcomBank vào giữa tháng 5.
Theo tìm hiểu, North Star Holdings được thành lập vào ngày 17/10/2006; ban đầu trụ sở doanh nghiệp đặt tại số 237 Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Vốn điều lệ của Công ty là gần 10 tỷ đồng, tính tới ngày 11/10/2021, sở hữu tại NSH được chia cho ba cá nhân là bà Nguyễn Thị Hoa (30%), bà Lương Bích Hữu (30%) và ông Lê Thanh Tùng (40%).
Vốn điều lệ NSH hiện đạt 48 tỷ đồng sau 2 lần điều chỉnh tăng, trụ sở doanh nghiệp cũng chuyển về khu văn phòng, CX3, khu đô thị Ao Sào, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Về các cổ đông sáng lập, theo tìm hiểu, bà Lương Bích Hường (sinh năm 1983) hiện là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Đầu tư và Phát triển nhà Gia Phát và Công ty TNHH Realtalk.
Bà Hường từng là chủ của Realtalk cho tới ngày 28/1/2021 sau khi chuyển nhượng lại 100% vốn góp (563 tỷ đồng) cho CTCP Infinity Land và toàn bộ số cổ phần nói trên được Infinity Land thế chấp tại PVcomBank vào ngày 5/3/2021. Trước đó ít hôm, ngày 3/2/2021 Infinity Land cũng đã phát hành thành công lô trái phiếu mã InfinityH2127001 với tổng giá trị 450 tỷ đồng. Lô trái phiếu này lại được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán Dầu khí và Ngân hàng PVcomBank.
Một điểm đáng lưu tâm, là đầu tháng 8 mới đây, Infinity Land đã công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu InfinityH2127001 nói trên. Ngày 3/8 là đến hạn, Infinity Land phải thanh toán hơn 157 tỷ đồng đồng gốc, lãi trái phiếu. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản diễn biến không thuận lợi, dẫn đến công ty chưa thu xếp đủ nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu đúng hạn.
Vậy, liệu rằng trái chủ sẽ có nguy cơ sở hữu nợ xấu, mất vốn tại lô trái phiếu này hay không? Và việc bán cổ phần thế chấp đang là tài sản bảo đảm tại ngân hàng sẽ diễn ra như thế nào?
Ngoài ra, vào ngày 27/4/2023, bà Hường cũng đã thế chấp 100% vốn góp tại Công ty TNHH Thương mại Đầu tư và Phát triển nhà Gia Phát trị giá 301,6 tỷ đồng tại PVcomBank.
Đối với bà Nguyễn Thị Hoa hiện làm chủ Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Phát triển Enkatig, doanh nghiệp từng sở hữu 99,92% vốn của CTCP Dâu tằm tơ Mộc Châu. Tháng 8/2021, toàn bộ cổ phần được mang thế chấp tại PVcomBank.
Còn ông Lê Thanh Tùng lại chính là người đại diện của CTCP Dâu tằm tơ Mộc Châu. Ông Tùng hiện cũng là người đại diện cho loạt pháp nhân khác như CTCP Bất động sản số 1 Hòa Bình, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng và Đầu tư Nhật Minh, CTCP S8, CTCP Đầu tư GX Sapa, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Đức, CTCP Tập đoàn AE,…
Đó là những cổ đông sáng lập, NSH còn qua nhiều lần thay đổi Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật, đầu tiên là ông Nguyễn Ngọc Dư (sinh năm 1970) đến các cá nhân khác như ông Lê Thanh Tùng (sinh năm 1982), bà Nguyễn Thu Uyên (sinh năm 1996), ông Hoàng Minh tiến (sinh năm 1987).
Đối với bà Nguyễn Thu Uyên – nguyên Tổng giám đốc North Star Holdings là người có nhiều liên hệ với Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Đức. Cụ thể, vào ngày 29/12/2021, bà Uyên đã ký hợp đồng chuyển nhượng 100% vốn góp, tương đương 2.126 tỷ đồng tại Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư DHB Việt Nam cho Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Đức.
Tới đây, sợi dây liên quan đến PVcombank lại xuất hiện, cụ thể ngày 31/12/2021, tài sản là các quyền liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng nói trên được Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Đức thế chấp tại PVcomBank. Cũng trong ngày 31/12/2021, Công ty Việt Đức đã phát hành thành công lô trái phiếu VDICH2128001 có thời hạn tới 7 năm, trị giá 1.700 tỷ đồng. Đây cũng là khoảng thời gian nhiều pháp nhân cùng nhóm North Star Holdings, Công ty Việt Đức tích cực huy động vốn thông qua kênh trái phiếu.
Cụ thể, CTCP Signo Land vào ngày 31/12/2021 đã phát hành thành công 1.366,6 tỷ đồng trái phiếu mã SNLCH2123001, kỳ hạn 18 tháng. Cùng ngày, CTCP Mua bán nợ Thuận Minh phát hành 495,9 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 15 tháng.
Trước đó, vào tháng 4/2020, Công ty TNHH Viễn thông Trịnh Gia Nguyễn cũng hút thành công 1.400 tỷ đồng từ lô trái phiếu Trinhgianguyen.Bond.2020 có thời hạn 7 năm. CTCP Chứng khoán Dầu khí đóng vai trò đại lý phát hành và lưu ký, trong khi PVcomBank là tổ chức quản lý tài khoản trái phiếu và quản lý tài sản đảm bảo cho đợt phát hành.
PV