Phát triển toàn diện du lịch Thủ đô, giữ vững vai trò trung tâm du lịch lớn của cả nước
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND ngày 04/6/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, giai đoạn 2024-2025.
Phấn đấu đến năm 2025, Thủ đô Hà Nội đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch
Kế hoạch nhằm thu hút đông đảo nhân dân, khách du lịch quốc tế và nội địa đến tham quan, trải nghiệm tại Hà Nội; tạo bước tăng trưởng, phát triển toàn diện du lịch Thủ đô đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và cơ cấu khách du lịch đảm bảo tính bền vững. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn Thành phố, giữ vững vai trò Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, khẳng định là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới.
Mục tiêu để phát triển du lịch Hà Nội đảm bảo bền vững, hiệu quả, vừa là cửa ngõ đón và phân phối khách du lịch ở phía Bắc và cả nước; đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển của Du lịch Thủ đô. Phấn đấu một số chỉ tiêu phát triển du lịch của Thành phố trong giai đoạn 2024-2025 phục hồi tương đương và vượt mức so với giai đoạn trước dịch COVID-19. Thúc đẩy thu hút các nguồn lực phát triển và hình thành các nhóm sản phẩm du lịch thực sự chuyên nghiệp, hấp dẫn có lợi thế, tiềm năng. Triển khai các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến với Hà Nội.
Phấn đấu đến năm 2025, Thủ đô Hà Nội đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 7 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp tổng hợp của ngành Du lịch vào GRDP Thành phố phấn đấu đạt trên 8% và công suất sử dụng buồng phòng trung bình khối khách sạn, lưu trú đạt trên 60%.
Triển khai thực hiện 7 nội dung
1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và quảng bá, xúc tiến, hợp tác liên kết phát triển thị trường khách du lịch: Xây dựng kế hoạch tuyên truyền quảng bá thành phố Hà Nội trên các kênh truyền thông, truyền hình quốc tế, trong nước; xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu du lịch của một số điểm đến, làng nghề, phố nghề; tổ chức các sự kiện, lễ hội, chuỗi hoạt động du lịch lớn thường niên; xây dựng kế hoạch và triển khai quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô trên các nền tảng số, mạng xã hội; triển khai các chương trình xúc tiến, giới thiệu điểm đến du lịch tại các thị trường quốc tế trọng điểm và tiềm năng.
2. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch: Thúc đẩy phát triển mô hình hợp tác công - tư trong đầu tư, quản lý, khai thác điểm đến di sản, văn hóa có tiềm năng về du lịch. Tổ chức điều tra, khảo sát nhằm hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê, cơ sở dữ liệu ngành Du lịch Thủ đô.
3. Quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với môi trường: Đẩy nhanh việc lập và hoàn thiện quy hoạch xây dựng một số khu chức năng du lịch, dự án phát triển du lịch trọng điểm; phấn đấu sớm hình thành và phát triển được trung tâm mua sắm, công viên giải trí chuyên đề thương hiệu quốc tế, trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP.
4. Phát triển sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, hấp dẫn, chất lượng cao: Nâng cấp chất lượng điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch gắn với các giá trị văn hóa lịch sử, di sản; hoàn thiện tuyến du lịch đường sông và tiếp tục mở rộng các sản phẩm du lịch đường sông. Trong năm 2024, hoàn thiện 02 tuyến du lịch văn hóa - làng nghề và nâng cấp các dịch vụ du lịch tại các không gian, tuyến phố đi bộ.
5. Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch: Phối hợp, liên kết đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; triển khai áp dụng các tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch trong đào tạo, giảng dạy, tiến đến áp dụng các tiêu chuẩn nghề theo chuẩn quốc tế. Tổ chức các lớp nâng cao kiến thức, kỹ năng trong phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư làm du lịch kỹ năng nghề và tập trung phát triển kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch, nâng cao ý thức trách nhiệm hình thành văn hóa của người làm du lịch, của cộng đồng dân cư làm du lịch.
6. Quản lý nhà nước, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện: Triển khai hiệu quả, thường xuyên công tác thông tin, hỗ trợ khách du lịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa đảm bảo môi trường hoạt động du lịch an toàn, thân thiện; tổ chức vinh danh, trao thưởng cho các tổ chức, cá nhân có hành vi tốt, có sự đóng góp cho sự phát triển du lịch Thủ đô.
7. Thực hiện chuyển đổi số ngành Du lịch Thủ đô: Triển khai xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, bền vững gắn với chuyển đổi số, hình thành hệ thống tích hợp đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu điểm đến và gia tăng các trải nghiệm cho khách du lịch. Xây dựng bản đồ số du lịch thành phố Hà Nội; nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu ngành Du lịch Thủ đô.
UBND Thành phố yêu cầu bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận và chỉ đạo của Trung ương và Thành phố để đẩy mạnh phục hồi, phát triển ngành Du lịch Thủ đô với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Các giải pháp phải được xây dựng đồng bộ, thống nhất, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế và đạt hiệu quả cao. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch trong quá trình phục vụ khách du lịch.
Giao Sở Du lịch là cơ quan đầu mối, phối hợp kịp thời, chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; làm việc với các đơn vị được giao chủ trì để nắm tình hình, đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả Kế hoạch.
Minh Nguyệt