Phát triển năng lượng tái tạo là ngành chủ lực của tỉnh Ninh Thuận
Từ ngày 9-11/6, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương khu vực 5 phía Nam, các cơ quan báo chí Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh đã đi thực tế tại tỉnh Ninh Thuận.
Chuyến đi thực tế này, Đoàn đã được nghe đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận báo cáo sơ lược về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kinh tế - xã hội nhiều chuyển biến rõ nét
Theo báo cáo những năm qua, mặc dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn duy trì ổn định, kinh tế tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng, tiềm năng, lợi thế được nhận diện rõ, đánh giá đúng và bước đầu khai thác có hiệu quả; quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể. Nhất là trong 3 năm 2019, 2020 và 2021, Ninh Thuận đều nằm trong nhóm 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước (2019 đạt 13,9%, 2020 đạt 10,02%, 2021 đạt 10,27% thứ tư cả nước). Vị thế của tỉnh được nâng lên, thu hẹp nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước và trong vùng, đưa Ninh Thuận từ một tỉnh thuộc nhóm nghèo nhất cả nước đến nay đã vươn lên đứng thứ 31/63 tỉnh, thành và đứng thứ 8/14 các tỉnh duyên hải miền Trung.
Đến năm 2022, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 76,8 triệu đồng, cao hơn mức GRDP bình quân của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, rút ngắn nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp (tăng từ 34,1% năm 2020 lên 37,6% năm 2022); khai thác hiệu quả được nhiều tiềm năng thế mạnh nhất là lĩnh vực kinh tế biển và năng lượng tái tạo. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP đạt trên 40%; ngành năng lượng đạt trên 21%.
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn từ tác động suy giảm của tình hình thế giới và trong nước, kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng khá, GRDP 6 tháng đạt 7,95% (xếp thứ 8/63 tỉnh thành cả nước và nhất vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung). Các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, khai khoáng, dịch vụ, du lịch đã phục hồi và tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung.
Kết cấu hạ tầng kết nối được quan tâm đầu tư như kết nối Cảng tổng hợp Cà Ná với cao tốc Bắc-Nam; đường giao thông liên vùng lên Lâm Đồng và các tỉnh Nam Tây Nguyên. Tỉnh kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ bổ sung Cảng hàng không Thành Sơn vào Quy hoạch cảng hàng không thời kỳ 2021-2030, tạo động lực mới cho phát triển. Hạ tầng thủy lợi được tập trung đầu tư đồng bộ và phát triển theo hướng đa mục tiêu, đến nay đã đầu tư hoàn thành 22 hồ chứa với tổng dung tích 520 triệu m3 bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân và giải quyết các vấn đề về thiên tai trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã hình thành 03 Khu công nghiệp và 02 Cụm công nghiệp, với tổng diện tích trên 1.830 ha. Tỉnh đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hạ tầng Khu Công nghiệp Cà Ná với quy mô 827ha là một trong 4 khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, công tác cải cách hành chính có chuyển biến rõ nét, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, chất lượng khám và điều trị bệnh cho nhân dân được nâng lên. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc được cải thiện.
Đẩy mạnh triển khai các dự án năng lượng tái tạo
Sau khi Quốc hội tạm dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22/11/2016, dựa trên tiềm năng, lợi thế thiên nhiên, tỉnh đã điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và xác định đây là một trong những ngành kinh tế trụ cột của tỉnh. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2018-2023 đã mở ra nhiều cơ hội mới cho tỉnh, trong đó có chủ trương phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Với sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban ngành các cấp của tỉnh. Đến nay, lĩnh vực năng lượng tái tạo đã đạt được những thành quả nhất định. Cụ thể: UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 63 dự án năng lượng với tổng công suất đạt 3.630 MW, với tổng vốn đầu tư trên 100 nghìn tỷ đồng. Dự kiến đến cuối tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh có tổng số 56 dự án hoàn thành hòa lưới điện Quốc gia với tổng công suất gần 3.400 MW, còn lại 01 dự án đã hoàn thành đang thỏa thuận giá điện với EVN; 04 dự án đang triển khai thi công và 04 dự án đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để đủ điều kiện khởi công.
Các dự án điện năng lượng tái tạo hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại đã khai thác tối ưu công suất, tạo ra giá trị gia tăng đóng góp lớn cho tăng trưởng chung của tỉnh; là một trong ba trụ cột kinh tế của địa phương (cùng với du lịch và nông nghiệp), đưa tỉnh Ninh Thuận vào nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 5 năm qua. Ngành Năng lượng tái tạo đã tạo động lực lan tỏa để phát triển các ngành khác như bất động sản, công nghiệp xây dựng, thương mại, dịch vụ...
Việc phát triển các dự án năng lượng đã phát huy hiệu quả sử dụng đất và nâng cao giá trị sử dụng đất đối với diện tích đất khô cằn, hoang hóa, không phát triển được nông nghiệp trước đây. Trước đây các vùng đất hoang hóa, giá trị sản xuất hàng năm khoảng 10 triệu/ha, khi chuyển sang sản xuất điện mặt trời đã đạt giá trị khoảng 3,84 tỷ đồng/ha. Hơn thế phát triển năng lượng tái tạo làm giảm phát thải khí nhà kính với tỷ lệ giảm phát thải 97,9% so với sử dụng điện truyền thống (điện than), góp phần thực hiện các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó việc phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian qua đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động của tỉnh; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh. Đến nay tổng tỷ trọng ngành năng lượng chiếm 22,3% GRDP và chiếm 61,8% trong ngành công nghiệp – xây dựng của tỉnh.
Định hướng phát triển trong thời gian tới
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu, tầm nhìn khát vọng đến năm 2025, là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước; đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Theo đó, tỉnh tập trung phát triển 05 cụm ngành, lĩnh vực quan trọng: Năng lượng, Năng lượng tái tạo; Du lịch chất lượng cao; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp công nghệ cao; Xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Đồng thời, tập trung phát triển các vùng theo không gian 03 hành lang chính (Trục cao tốc Bắc Nam, tuyến đường ven biển và hành lang Đông-Tây theo tuyến Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên), trong đó tập trung phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh hướng đến thành lập khu kinh tế ven biển.
Bên cạnh đó, tăng cường liên kết vùng, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để vận động, thu hút, kêu gọi đầu tư vào các ngành tỉnh có lợi thế.
Nhằm đạt được kết quả cao trong chủ trương đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra, tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu về kinh tế-xã hội theo hướng liên thông kết nối cao, đồng bộ, hiện đại. Trong đó kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm như: Dự án Cảng cạn và Trung tâm dịch vụ Logistics; Dự án Tổng kho xăng dầu Cà Ná; Dự án Tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối; Nhà máy sản xuất Hydrogen. Tỉnh đang tiếp tục xúc tiến đầu tư xây dựng tuyến đường động lực kết nối Cảng tổng hợp Cà Ná lên khu vực Nam Tây Nguyên phục vụ nhu cầu giao thương, vận chuyển hàng hóa, quặng bauxit Tân Rai, Nhân cơ (với lượng hàng hóa khoảng 1,2 triệu tấn/năm), xuất nhập khẩu nông sản của các tỉnh Tây Nguyên về cảng, kết nối các Khu công nghiệp, phát triển dịch vụ.