Cục Hàng không chỉ chọn sân bay Ninh Thuận, Đồng Nai vào quy hoạch?
Cục Hàng không đề xuất chuyển hai sân bay quân sự Thành Sơn (Ninh Thuận) và Biên Hòa (Đồng Nai) vào quy hoạch hệ thống sân bay thời kỳ 2021 - 2030.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải về rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Cục Hàng không đề xuất chuyển hai sân bay quân sự Thành Sơn (Ninh Thuận) và Biên Hòa (Đồng Nai) vào quy hoạch hệ thống sân bay thời kỳ 2021 - 2030.
Lý giải nguyên nhân về đề xuất trên ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, có 10 tỉnh đã đề xuất đưa thêm sân bay địa phương mình vào quy hoạch. Nhưng nếu đánh giá theo bộ tiêu chí trong hồ sơ quy hoạch đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thống nhất thì chưa đạt.
"Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT đã kết luận là thực hiện theo hướng mở, tức là để cho các địa phương tiếp tục xây dựng đề án đánh giá, nếu đủ điều kiện thì sẽ báo cáo Thủ tướng đưa vào kế hoạch phát triển. Còn lần này chỉ bổ sung thêm hai sân bay là sân bay Ninh Thuận và sân bay Biên Hòa”, ông Thắng thông tin.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu với một số địa phương chưa có sân bay, để đánh giá khả năng quy hoạch sân bay ở địa phương có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, về lâu dài có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ để báo cáo Thủ tướng xem xét khi đủ điều kiện.
Cụ thể, đối với sân bay Thành Sơn có công suất 1,5 triệu khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 công suất 3 triệu khách/năm. Hiện sân bay này có quỹ đất lớn để xây dựng hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay và khu hàng không phục vụ khai thác dân dụng. Bộ Quốc phòng đã đồng ý bàn giao khu đất phía đông nam để phát triển hàng không dân dụng khi có nhu cầu.
Dự báo, đến năm 2030, sản lượng khách du lịch tại tỉnh Ninh Thuận dự kiến đạt 6 triệu khách. Nhu cầu vận tải khách hàng không có thể đạt tới 1,5 triệu năm 2030 và 3-5 triệu khách năm 2050. Do đó, theo Cục Hàng không, việc bổ sung sân bay Thành Sơn khai thác lưỡng dụng vào quy hoạch là có cơ sở.
Trong khi đó, sân bay Biên Hòa thời kỳ 2021 - 2030 có công suất 5 triệu khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 công suất 10 triệu khách/năm. Đồng thời, sân bay Biên Hòa còn nhiều khu vực đất bị nhiễm dioxin.
Cục Hàng không cho biết, nội dung này sẽ được cập nhật bổ sung vào hồ sơ đánh giá môi trường của đồ án quy hoạch. Việc xử lý dioxin là khả thi, đã và đang được thực hiện tại một số cảng hàng không và ngay sân bay Biên Hòa.
Tuy nhiên, Cục Hàng không cho rằng, điều kiện để chuyển đổi sân bay quân sự Thành Sơn và Biên Hòa sang khai thác lưỡng dụng chỉ khi thu hút được nhà đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Có thể khai thác thương mại sân bay Gia Lâm
Trong báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không cũng kiến nghị tiếp tục xem xét, nghiên cứu đưa vào quy hoạch một số sân bay quân sự địa phương sang khai thác lưỡng dụng như Yên Bái (tỉnh Yên Bái), Gia Lâm (Hà Nội)...
Điểm khác biệt của báo cáo lần này so với kỳ trước là việc Cục Hàng không nhắc đến khả năng chuyển đổi sân bay Yên Bái (tỉnh Yên Bái) và sân bay Gia Lâm (Hà Nội) sang khai thác lưỡng dụng (cả quân sự và dân dụng). Việc chuyển đổi công năng của các sân bay này sẽ được báo cáo lên Thủ tướng xem xét khi có đủ các điều kiện cần thiết.
Từ góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM) ủng hộ động thái của Cục Hàng không khi mở ra cơ hội cho sân bay Gia Lâm khai thác dân dụng. "Thay vì xây dựng sân bay mới, Nhà nước chỉ phải tốn thêm tiền đầu tư các hạng mục dân dụng", ông Tống chia sẻ với báo chí.
Theo đó, sân bay Gia Lâm khi được khai thác dân dụng sẽ bổ trợ cho sân bay Nội Bài, tương tự sân bay Biên Hòa sẽ bổ trợ cho Tân Sơn Nhất.
Với đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay mới của các tỉnh, Cục Hàng không đã làm việc với UBND các tỉnh và tư vấn nghiên cứu, đề xuất phân loại thành 2 nhóm:
Nhóm các địa phương có sân bay quân sự đang khai thác: Tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch, chuyển đổi một số sân bay quân sự hiện có sang khai thác lưỡng dụng gồm sân bay Yên Bái (tỉnh Yên Bái), sân bay Gia Lâm (Hà Nội)... báo cáo Thủ tướng xem xét khi có đủ các điều kiện cần thiết.
Nhóm các địa phương hiện chưa có sân bay: Tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch sân bay tại một số tỉnh có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ gồm Hà Giang (huyện Bắc Quang), Tuyên Quang (huyện Hàm Yên), Hà Tĩnh (huyện Cẩm Xuyên), Kon Tum (thị trấn Măng Đen), Quảng Ngãi (đảo Lý Sơn), Bình Thuận (đảo Phú Quý), Khánh Hòa (Khu kinh tế Vân Phong), Đắk Nông (huyện Đắk Glong), Tây Ninh (huyện Dương Minh Châu)... báo cáo Thủ tướng xem xét khi có đủ các điều kiện cần thiết.