Phát triển giao thông xanh: Cơ hội và thách thức
Tại Hà Nội những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2022, việc phát triển giao thông xanh được xem là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững.
Đặc biệt, Thành phố đã đề ra chương trình và lộ trình cụ thể cho việc phát triển giao thông xanh trong giai đoạn 2025 - 2030, với việc sẽ đầu tư mới toàn bộ xe buýt công cộng, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh.
Xu hướng phát triển tất yếu
Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nhất cả nước, đây là cơ hội cũng là thách thức, chính vì vậy, trong suốt nhiều năm qua, các cấp chính quyền Thủ đô đều kiên định mục tiêu phát triển đô thị xanh một cách toàn diện và bền vững. Với Hà Nội, vấn đề nan giải nhất đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm và quá tải hạ tầng giao thông.

Giao thông vận tải là một trong những hoạt động chủ yếu phát sinh khí nhà kính, đứng thứ 3 so với các ngành khác như ngành năng lượng, ngành nông nghiệp. Tỉ lệ khí phát thải trong giao thông là xấp xỉ 20%. Đáng nói, mật độ dân số cao, cùng với sự gia tăng chóng mặt của các phương tiện giao thông cá nhân, đã biến Hà Nội thành “điểm nóng” về ô nhiễm không khí trong những năm gần đây. Riêng tại Hà Nội, qua theo dõi thì tỉ lệ số ngày có chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu luôn chiếm tỉ lệ cao.
Không khó để thấy, ở những nút giao thông lớn như Ngã Tư Sở, đường Giải Phóng hay cầu Chương Dương… nơi có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, khói bụi ở các khu vực này luôn trong tình trạng bốc lên dày đặc, bám chặt vào từng tòa nhà, vỉa hè.
Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Hà Nội thường bước vào mùa ô nhiễm không khí từ tháng 10 đến tháng 3 sang năm. Nguyên nhân là do mật độ xây dựng trong Thành phố, lượng khí thải từ các khu đốt rác và rơm rạ, từ khu công nghiệp... Đặc biệt là khói bụi từ xe cộ gây ô nhiễm không khí.
Ông Hoàng Dương Tùng cũng khuyến cáo, việc không khí ô nhiễm tác động rất lớn đến sức khỏe, người dân cần hạn chế các hoạt động ngoài trời trong những ngày chất lượng không khí ở mức có hại. Người khỏe mạnh khi tiếp xúc lâu dài trong bầu không khí ô nhiễm thường có triệu chứng như kích ứng mắt, da, mũi và cổ họng; ho, khạc đờm, tức ngực khó chịu... Việc sử dụng khẩu trang đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế rất cần thiết, bởi không phải loại nào cũng tránh được bụi mịn 2.5PM…
Giải pháp hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường được Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đưa ra là cần phải “xanh hóa” giao thông. Nói cách khác, Hà Nội cần đồng bộ các giải pháp, trong đó phát triển hệ thống đường sắt đô thị, có lộ trình chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện, năng lượng xanh… Bởi kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển trên thế giới cho thấy, việc thúc đẩy giao thông công cộng như xe buýt điện, tàu điện đường sắt đô thị là giải pháp hiệu quả, không chỉ giảm ô nhiễm môi trường mà còn giúp hạn chế phương tiện cá nhân.
Thúc đẩy nhanh sử dụng năng lượng sạch
Thực tế, theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Luật Thủ đô 2024 đã đưa ra nhiều quy định quan trọng về chuyển đổi giao thông xanh. Luật nhấn mạnh việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường, ưu tiên các phương tiện giao thông xanh như xe buýt điện, xe đạp và đi bộ; yêu cầu các cơ quan chức năng lập kế hoạch chi tiết về phát triển hạ tầng phục vụ giao thông xanh, bao gồm các tuyến đường dành riêng cho xe đạp và lối đi bộ; khuyến khích đầu tư vào công nghệ mới trong giao thông như hệ thống giao thông thông minh và xe điện; cung cấp các chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển giao thông xanh... Những quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Theo tìm hiểu, ngoài Luật Thủ đô 2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”. Đề án nhằm đưa ra kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022; đồng thời, đề xuất các giải pháp chuyển đổi, phát triển và đạt được tỷ lệ 100% phương tiện sử dụng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh vào năm 2035.
Theo đó, ngay trong năm 2025, Hà Nội sẽ chuyển đổi các phương tiện buýt lớn sử dụng diesel hết hạn khấu hao và hết hạn thầu sang xe buýt lớn chạy bằng điện. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, đạt 5% tổng số phương tiện chuyển đổi.
Từ năm 2026, dự kiến, Thành phố ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đầy đủ cho các chủng loại xe buýt điện. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2026 - 2030 là 1.813 xe. Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 dự kiến đạt 93,4% tổng số phương tiện được chuyển đổi. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2031 - 2035 là 238 xe.
Mới đây nhất, Hà Nội cũng phê duyệt Đề án tổng thể phát triển mạng lưới đường sắt Thủ đô đến năm 2045 với 15 tuyến, chiều dài hơn 650km. Thành phố quyết tâm đến năm 2035 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng 10 tuyến theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô với tổng chiều dài trên 400km. Với sự dẫn dắt của đường sắt đô thị, xu hướng xanh hóa phương tiện vận tải hành khách công cộng Thủ đô cũng đã được cụ thể hóa.
Ngoài ra, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng thông qua Nghị quyết xây dựng Vùng phát thải thấp, hạn chế xe cơ giới cá nhân. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong tương lai, phạm vi các vùng phát thải thấp sẽ dần được mở rộng, biến Hà Nội thành một đô thị xanh, văn minh và hiện đại.