Petrolimex lên kế hoạch lãi 2.900 tỷ trong năm 2024
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) đề ra mục tiêu doanh thu 188.000 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là 2.900 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2023.
Theo đó, Tập đoàn đặt mục tiêu sản lượng xăng dầu bán hợp nhất đạt hơn 13,03 triệu tấn, giảm 9% so với thực hiện năm 2023. Doanh thu hợp nhất đạt 188.000 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 2.900 tỷ đồng, lần lượt giảm 32% và 26% so thực hiện năm 2023. Công ty cũng dự kiến tỷ lệ chia cổ tức tối thiểu là 10%.
Ban lãnh đạo Petrolimex cho biết, kinh tế thế giới dần phục hồi nhưng vẫn còn nhiều bấp bênh khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm ở nhiều quốc gia, tình hình kinh doanh của tập đoàn theo đó dự báo có nhiều yếu tố không thuận lợi.
Petrolimex đưa một số giải pháp kinh doanh như đàm phán đảm bảo nguồn cung tối đa từ 2 nhà máy lọc dầu để lấy lợi thế về giá, đầu tư phát triển hệ thống phân phối, cho thuê kho xăng dầu, thí điểm khai thác địa điểm cho thuê quảng cáo và các dịch vụ bổ trợ, chuyển đổi số và chuyển dịch xanh...
Tại báo cáo về Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến 2035, Petrolimex cho biết, sẽ chuyển đổi dần sang các sản phẩm năng lượng xanh, mục tiêu 50% doanh thu từ năng lượng sạch vào năm 2030 và đến 2045 sẽ kinh doanh 100% năng lượng sạch và thân thiện môi trường.
Về kết quả kinh doanh, năm 2023, Petrolimex ghi nhận sản lượng xăng dầu xuất bán gần 14,4 triệu m3, cao hơn 11% so với kế hoạch. Doanh thu hợp nhất giảm 10% còn gần 274.000 tỷ đồng, vượt 44% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế 3.947 tỷ đồng, tăng 78% so với năm trước và hoàn thành 22% kế hoạch.
Với kết quả đạt được, Hội đồng quản trị Petrolimex đề xuất phương án chia cổ tức 15% bằng tiền cho năm 2023, trong khi kế hoạch ban đầu chỉ 10%. Đây là mức chi trả cao nhất từ năm 2019 đến nay. Theo đó, với 1,27 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tổng số tiền chi trả tương đương hơn 1.900 tỷ đồng.
Theo một báo cáo gần đây của SSI Research, Petrolimex sẽ có cơ hội giành thêm thị phần, nhờ việc kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các nhà phân phối xăng dầu.
Thứ nhất, Hải Hà Petro và Xuyên Việt Oil là những nhà phân phối xăng dầu lớn với tổng doanh thu khoảng 40.000 tỷ đồng trong năm 2022 đã bị thu hồi giấy phép và dừng việc thông quan xăng dầu do không đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối xăng dầu do một loạt sai phạm.
Thứ hai, Petrolimex cũng có thể được hưởng lợi từ việc Chính phủ yêu cầu các đại lý bán lẻ phát hành hóa đơn điện tử cho từng giao dịch nhằm tăng cường tính minh bạch trong ngành xăng dầu Việt Nam.
Nhóm phân tích ước tính mới có khoảng 36% trong số 17.000 đơn vị bán lẻ trong nước phát hành hóa đơn điện tử vào đầu tháng 2. Các cửa hàng xăng dầu không phát hành hóa đơn điện tử có thể đối mặt với nguy cơ bị thu hồi giấy phép hoạt động.
Trong khi Petrolimex là đơn vị tiên phong phát hành hóa đơn điện tử và đã triển khai hệ thống này tại 2.700 điểm bán lẻ của doanh nghiệp từ giữa năm 2023. Do đó, quy định mới có thể giúp Petrolimex giành được thị phần trong thời gian tới.
Về Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2025, PLX hướng đến trở thành tập đoàn năng lượng đứng đầu Việt Nam về những sản phẩm năng lượng xanh, sạch, chất lượng cao, thân thiện với môi trường dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số toàn diện.
Mục tiêu PLX đặt ra là tiếp tục phát triển thành doanh nghiệp nhà nước trọng yếu, doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường Việt Nam trong kinh doanh xăng dầu ở khâu hạ nguồn; lấy xăng dầu làm trục chính trong hoạt động kinh doanh cùng với các sản phẩm, lĩnh vực khác.
Đồng thời, trở thành Tập đoàn năng lượng đứng đầu Việt Nam về những sản phẩm năng lượng xanh, sạch, chất lượng cao, thân thiện với môi trường dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số toàn diện; Phấn đấu đạt được 50% doanh thu từ sản phẩm nhiên liệu và năng lượng sạch, thân thiện với môi trường vào năm 2030, đến năm 2045 sẽ đạt 100% tỷ trọng năng lượng sạch và thân thiện với môi trường.
Tiến Hoàng