0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ tư, 30/08/2023 12:14 (GMT+7)

Nỗi lo thiếu đường, nguy cơ 'sốt giá'

Theo dõi KT&TD trên

Hồi giữa tháng 8, khi vụ ép mía đường vừa kết thúc, giá bán đường từ các nhà máy vẫn còn ở mức 20.000 - 22.200 đồng/kg nhưng chưa tới 2 tuần, có nhà máy đã báo giá tăng lên 26.000 - 27.000 đồng/kg.

Gía đường biến động bất thường

Ông Nguyễn Văn Thắng - chủ thương hiệu bánh trung thu Thành Đô, Hỷ Đồng Khánh (TP HCM) - cho biết rất bất ngờ khi đường bỗng dưng tăng giá. Hồi đầu mùa sản xuất đường tinh luyện chỉ 21.200 đồng/kg, tuần trước đại lý tăng thêm 2.000 đồng/kg, nay lại tăng thêm 3.000 đồng/kg.

"Đường chiếm tỉ lệ cao trong bánh trung thu, giờ đang vào cao điểm thì giá đường lại tăng trong khi giá bánh đã chốt từ trước khiến lợi nhuận của nhà sản xuất giảm sâu. Với sức mua thị trường yếu như năm nay, có thể chúng tôi phải kết thúc sản xuất sớm hơn mọi năm vì không có lãi" - ông Thắng bày tỏ.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), cũng cho hay mấy ngày nay các doanh nghiệp (DN) sản xuất đồ uống như Bidrico rất căng thẳng với giá đường.

Ông Hiến nhìn nhận: "Chúng tôi có hợp đồng mua sỉ nhưng vẫn bị tăng, dù chậm hơn thị trường đôi chút. Điều này khiến sản phẩm bị đội giá thành, gây khó khăn cho mùa kinh doanh cuối năm".

Nỗi lo thiếu đường sốt giá
Tiêu thụ đường trên thị trường chưa có nhiều biến động dù giá cả tăng vọt

Đường là một trong những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu nằm trong danh mục bình ổn thị trường của TP HCM hiện nay. Có 2 DN tham gia chương trình là Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh đăng ký tham gia sản phẩm đường mía Toàn Phát, giá bán 25.000 đồng/kg, sản lượng 400 tấn/tháng thường và 480 tấn/tháng Tết; Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM tham gia bình ổn đường RE, giá bán lẻ 24.500 đồng/kg, sản lượng 900 tấn/tháng thường và 1.400 tấn/tháng Tết.

Trong khi đó, giá bán lẻ đường cát tại các chợ TP HCM đều đã nhảy vọt lên 26.000 - 30.000 đồng/kg. Giá khác nhau tại nhiều điểm do một số đại lý vẫn bán hàng tồn với giá cũ.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nhấn mạnh thực tế hiện nay giá đường trên thị trường có những biến động bất thường. Thậm chí, bắt đầu có những dấu hiệu của hành vi găm hàng, tăng giá của một số đơn vị. Nếu xu hướng này tiếp tục, giá đường có thể bị đẩy đến mức vượt quá mức độ hợp lý đối với người tiêu dùng.

Một thành viên VSSA lý giải đường tăng giá gần đây do tác động từ nhiều yếu tố. Nổi bật là các dự báo nguồn cung thế giới và trong nước giảm. Đặc biệt là lo ngại Thái Lan mất mùa, nơi ảnh hưởng đến nguồn cung đường cho Việt Nam và mới đây nhất Ấn Độ và Pakistan hạn chế xuất khẩu.

Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM (FFA) cũng nêu rõ, ở thời điểm hiện tại, ngành lương thực thực phẩm của Việt Nam nói chung và thế giới nói riêng đang đứng trước nhiều tác động tiêu cực. Xung đột chính trị kèm nhiều lý do vĩ mô khác đã đẩy giá lương thực, thực phẩm tại nhiều nước lên cao. Các nước sản xuất nông nghiệp lớn tại châu Á đã hạn chế xuất khẩu bằng nhiều hình thức với lý do bảo vệ người tiêu dùng nội địa. Một trong số những hàng hóa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của làn sóng bảo hộ lương thực, thực phẩm là đường với các quyết định hạn chế xuất khẩu từ các cường quốc sản xuất đường trên thế giới như Ấn Độ, Brazil… dẫn đến mối lo ngại khủng hoảng nguồn cung đường.

Dự báo, sản lượng đường nhập khẩu chính ngạch trong năm 2023 dự kiến cũng chỉ đạt khoảng 319.070 tấn. Như vậy, tính tổng lượng đường sản xuất trong nước và lượng đường dự kiến nhập khẩu chính ngạch cũng xấp xỉ 1,19 triệu tấn đường. Con số này chỉ đáp ứng 50% mức nhu cầu tiêu thụ năm 2023 là 2,389 triệu tấn. Dựa vào các số liệu phân tích, FFA nhìn nhận trong năm 2023, Việt Nam cần phải nhập khẩu thêm gần 1.199.000 tấn đường thì mới đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Giải pháp ổn định thị trường đường

Trước tình hình trên, bên cạnh việc tiếp tục triển khai đấu giá hạn ngạch thuế quan với số lượng 119.000 tấn đường theo cam kết WTO, FFA kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu tối thiểu 600.000 tấn đường để đảm bảo cân đối cung - cầu trong nước.

“Con số này được đưa ra trên cơ sở lượng thiếu hụt là 1,199 triệu tấn trừ đi khoảng 600.000 tấn đường nhập khẩu bình quân theo đường không chính thức đến nay chưa kiểm soát được”, bà Lý Kim Chi cho biết.

Lý giải đề xuất trên, FFA cho biết, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã khiến cho lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan và 5 nước ASEAN giảm mạnh. Ở thời điểm hiện tại, nguồn cung đường thô/đường nguyên liệu ngoài khu vực ASEAN có đủ điều kiện để nhập khẩu vào Việt Nam với thuế suất ưu đãi đặc biệt trên cơ sở nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan là Úc. Tuy nhiên, thời gian nhập khẩu đường từ Úc về Việt Nam phải mất đến 70 ngày. Thời gian nhập khẩu kéo dài khiến cho DN được phân giao hạn ngạch nhập khẩu cũng khó có thể đưa đường vào sản xuất kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường đang tăng mạnh sau đại dịch.

“Trong trường hợp các nhà máy đường và DN sản xuất thực phẩm chấp nhận nhập khẩu đường mà không cần được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt trên cơ sở nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan, nguồn cung đường hiện tại trên thế giới cũng rất khan hiếm do ảnh hưởng từ nhiền nguyên nhân như Ấn Độ đang hạn chế xuất khẩu đường dù có sản lượng dồi dào”, FFA nêu khó khăn.

Nỗi lo thiếu đường sốt giá

Trước đề xuất của FFA, ông Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhìn nhận rõ về tình hình cung cầu hiện nay, nhất là khi có thông tin Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới.

Ông Lộc cho rằng, thông tin trên không ảnh hưởng tới Việt Nam vì chúng ta không nhập khẩu đường từ Ấn Độ.

“Ngành đường Việt Nam khác ngành gạo, ngành đường thế giới cũng khác ngành gạo, một thời gian dài giá giao dịch đường dưới giá thành sản xuất, gần đây mới đưa về giá thành sản xuất. Hiện nay, giá đường Việt Nam ở mức hợp lý, nâng được giá mua mía cho người nông dân và người nông dân sống được nhờ trồng mía”, ông Lộc nói.

Ông Lộc cũng khẳng định sẽ báo cáo Bộ NN&PTNT về cung – cầu của ngành đường. Đồng thời, ông Lộc khẳng định về cơ bản, sản xuất trong nước vẫn đáp ứng, sản lượng năm nay vượt năm ngoái. Việt Nam đã tham gia vào Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), do đó nếu thiếu có thể nhập khẩu từ các nước ASEAN.

Ông Lộc cũng thừa nhận, sau mấy năm bị “tàn sát” bởi đường nhập lậu, sản lượng đường trong nước chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu.

Trong khi đó, để chứng minh đề xuất của mình, FFA đánh giá, hiện nay không có nhà máy sản xuất đường trong nước nào có thể cung ứng đường thô ra thị trường do chính bản thân các nhà máy này cũng bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Nguồn đường thô nhập khẩu chỉ được sử dụng để bù đắp lượng thiếu hụt giữa cung cầu trong nước, không chiếm lĩnh thị phần hay ép giá, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất đường trong nước cũng đang thiếu hụt nguồn cung đường thô.

“Việc nhập khẩu đường thô cũng sẽ không làm mất cơ hội, công ăn việc làm của người nông dân trồng mía mà còn giúp các nhà máy đường có đủ nguồn nguyên liệu tạo ra các sản phẩm chất lượng, đa dạng mẫu mã để phục vụ cho người tiêu dùng/khách hàng, tối ưu hóa hoạt động dây chuyền sản xuất trong khoảng thời gian thiếu hụt nguồn cung từ mía nguyên liệu”, FFA cho biết.

Xét đề nghị của FFA, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ: Công Thương, NN&PTNT theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu kiến nghị, xử lý theo thẩm quyền và đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương, các quy định pháp luật hiện hành các cam kết quốc tế, bảo đảm nguồn cung đường cho thị trường trong nước hài hòa lợi ích của người trồng mía, DN và người tiêu dùng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 8/2023./.

Dương Định (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Nỗi lo thiếu đường, nguy cơ 'sốt giá'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Chủ xe tiết lộ 3 lý do xe máy điện VinFast “đáng mua” hơn xe xăng
Thiết kế thời thượng, nhiều tính năng tiên tiến, chi phí sở hữu đã thấp còn thấp hơn với nhiều chính sách ưu đãi như chương trình “Phủ xanh Việt Nam” đang diễn ra (ưu đãi tới 12 triệu đồng),… là những yếu tố khiến nhiều người chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện VinFast.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.

Tin mới

Viettel là nhà mạng đầu tiên khôi phục hoàn toàn kết nối vùng biển đảo bị ảnh hưởng bởi bão số 3
 Ngày 17/9, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) khôi phục mạng di động chất lượng như trước bão cho chính quyền, quân đội, hàng trăm nghìn người dân trên đảo và ngư dân trên biển tại các huyện đảo, xã đảo Quảng Ninh, Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.