Đề xuất nâng hạn mức Mobile Money lên 100 triệu đồng/tháng: Bước tiến thúc đẩy tài chính số toàn dân
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến xây dựng Nghị định quy định dịch vụ tiền di động (Mobile Money), trong đó đáng chú ý là đề xuất nâng tổng hạn mức giao dịch cho mỗi khách hàng lên tới 100 triệu đồng/tháng.
Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm nâng cao tính cạnh tranh và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Hiện nay, theo quy định đang áp dụng trong giai đoạn thí điểm, mỗi tài khoản Mobile Money chỉ được phép giao dịch tối đa 10 triệu đồng mỗi tháng. Mức này bao gồm các giao dịch rút tiền, chuyển tiền và thanh toán, và được đánh giá là chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của người dùng. Nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đã kiến nghị điều chỉnh mức trần này, bởi giới hạn quá thấp khiến dịch vụ kém hấp dẫn so với các hình thức thanh toán số khác như ví điện tử hay tài khoản ngân hàng.
Theo nội dung dự thảo, NHNN đề xuất nâng tổng hạn mức giao dịch lên 100 triệu đồng/tháng cho mỗi khách hàng tại một tổ chức cung ứng dịch vụ Mobile Money. Quy định mới này áp dụng cho các giao dịch thông thường như rút tiền, chuyển tiền, thanh toán hàng hóa dịch vụ. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với các giao dịch đặc thù như thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia, hóa đơn điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí, bảo hiểm xã hội, y tế, phí bảo hiểm, phí giao thông đường bộ, hoặc các khoản trả nợ, lãi vay ngân hàng.

NHNN cho rằng việc nâng hạn mức sẽ tạo ra sự linh hoạt lớn hơn, giúp Mobile Money thực sự trở thành công cụ thanh toán thuận tiện, phù hợp với nhu cầu chi tiêu thường nhật của người dân.
Cùng với việc điều chỉnh hạn mức, dự thảo nghị định còn có nhiều điểm mới nhằm gỡ bỏ rào cản tiếp cận dịch vụ. Một trong số đó là việc loại bỏ yêu cầu SIM phải hoạt động liên tục tối thiểu 3 tháng mới được đăng ký sử dụng Mobile Money. Theo quy định mới, chỉ cần thuê bao di động đã đăng ký thông tin chính chủ là đủ điều kiện tham gia dịch vụ. Điều này tạo điều kiện để nhiều người dân hơn, đặc biệt ở nông thôn, miền núi, có thể tiếp cận phương thức thanh toán hiện đại mà không cần tài khoản ngân hàng.
Dự thảo cũng cho phép người dùng Mobile Money nạp tiền mặt, nhận tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử. Đây là điểm quan trọng, giúp dịch vụ tiền di động có thể cạnh tranh công bằng với ví điện tử, vốn đang chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực thanh toán số tại Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý khác là dự thảo mở rộng phạm vi thanh toán ra quốc tế với các giao dịch có giá trị nhỏ. Theo đó, người dùng có thể sử dụng tài khoản Mobile Money để thanh toán hàng hóa, dịch vụ từ nước ngoài. Đây là bước đi thể hiện chủ trương hội nhập, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Về phía doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, dự thảo cho phép hợp tác với ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài để phát triển mạng lưới đơn vị chấp nhận thanh toán. Điều này cho phép tận dụng mạng lưới sẵn có, mở rộng nhanh chóng hệ sinh thái thanh toán Mobile Money đến các điểm bán lẻ, dịch vụ ở khắp các địa phương, từ đó hình thành mạng lưới thanh toán không tiền mặt rộng khắp.
Để đảm bảo an toàn cho người dùng, NHNN cũng yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ duy trì số dư tài khoản tại ngân hàng hợp tác luôn lớn hơn hoặc bằng tổng số dư tài khoản của khách hàng tại mọi thời điểm. Đây là biện pháp nhằm đảm bảo khả năng thanh toán, tránh rủi ro mất an toàn hệ thống.
Theo báo cáo từ ba nhà mạng đang thí điểm dịch vụ VNPT-Media, Viettel và MobiFone đến cuối năm 2024 đã có hơn 10,22 triệu tài khoản Mobile Money được đăng ký sử dụng, trong đó 72% đến từ vùng nông thôn, miền núi, biên giới và hải đảo. Tổng cộng có hơn 193,8 triệu giao dịch đã được thực hiện với giá trị lũy kế trên 6.435 tỷ đồng.
Việc ban hành nghị định mới không chỉ giúp hoàn thiện khung pháp lý cho dịch vụ Mobile Money mà còn thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện. Qua đó, người dân, đặc biệt là nhóm chưa có tài khoản ngân hàng sẽ được tiếp cận dịch vụ tài chính số an toàn, tiện lợi, góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn quốc.
T.An