Cổ phiếu tăng nóng dù “gánh” gần 3.000 tỷ nợ xấu, Nam A Bank muốn tiếp tục tăng vốn
Cổ phiếu NAB tăng "nóng" cùng con sóng chuyển sàn trong bối cảnh tình hình kinh doanh của Nam A Bank vẫn còn nhiều “ngổn ngang”, đặc biệt là việc nợ xấu tăng mạnh.
Ngày 8/3, hơn 1 tỷ cổ phiếu NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã chính thức niêm yết trên HoSE với giá tham chiếu 15.900 đồng/cp. Cổ phiếu này chào sàn khá rực rỡ khi tăng 6,3% qua đó lập đỉnh mới tại 16.900 đồng/cp. Sau đó, NAB nhanh chóng hạ nhiệt và hiện đã điều chỉnh về mức 16.550 đồng/cp, vẫn gấp 2,2 lần thời điểm một năm trước. Tại thời điểm ngày 19/03, cổ phiếu NAB vẫn đang giao dịch với giá 16.100 đồng/cp.
Cổ phiếu NAB tăng nóng cùng con sóng chuyển sàn trong bối cảnh tình hình kinh doanh của Nam A Bank vẫn còn nhiều “ngổn ngang”. Thời điểm cuối năm 2023, tổng nợ xấu của Nam A Bank đã tăng thêm 1.044 tỷ, tương đương mức tăng gần 54% so với đầu năm, lên mức 2.989 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng cũng theo đó tăng từ mức 1,63% hồi đầu năm lên 2,11%.
Trong cơ cấu, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng vọt gấp 6,2 lần đầu năm lên 821 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nhóm 4) cũng tăng gấp gần 5 lần lên 1.182 tỷ đồng. Ngược lại, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) giảm 37% so với đầu kỳ xuống còn 986 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản Nam A Bank đã tăng 18,2% so với đầu năm, lên mức 209.900 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng trưởng 18,3%, đạt số dư hơn 141.400 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 16,3%, đạt hơn 145.400 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào tiền gửi có kỳ hạn.
Tiếp tục tăng vốn khi tăng trưởng lợi nhuận chậm lại?
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, theo tài liệu ĐHĐCĐ mới công bố, Nam A Bank dự kiến trình cổ đông thông qua mục tiêu lợi nhuận 4.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2023. Trước đó, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của ngân hàng đã tăng 46% so với năm 2022, lên mức 3.304 tỷ đồng. Như vậy, nếu hoàn thành 100% kế hoạch đề ra, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng đã giảm đáng kể.
Trong năm 2023, Nam A Bank đã phát hành hơn 211,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 25% qua đó đưa vốn điều lệ từ mức 8.464 tỷ đồng lên 10.580 tỷ đồng. Về phương án tăng vốn điều lệ năm 2024, ngân hàng dự kiến sẽ tăng thêm hơn 3.145 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ từ mức trên 10.580 tỷ đồng lên mức 13.725 tỷ đồng.
Các phương án phát hành bao gồm tăng vốn từ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (lợi nhuận chưa phân phối) với hơn 2.645 tỷ đồng, tương ứng trên 264,5 triệu cổ phần; và tăng vốn từ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) là 500 tỷ đồng, tương ứng phát hành 50 triệu cổ phần.
Mục tiêu tăng vốn được nhà băng này cho hay, nhằm tăng cường năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động ngân hàng như mua sắm, đầu tư tài sản cố định; cải tiến cơ sở vật chất; nâng cao công nghệ ngân hàng; phát triển nguồn nhân lực. Việc tăng thêm vốn tạo điều kiện tăng quy mô vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh như cho vay và kinh doanh các dịch vụ ngân hàng khác, đảm bảo việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch.
Đinh Hiệu