Phê duyệt đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử
Mục tiêu cụ thể của đề án là hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29.3.2023 phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Theo đó nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm.
Phát triển hạ tầng, cải tiến công nghệ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng để quản lý tập trung, xuyên suốt, đồng bộ phục vụ hiệu quả công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
100% đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử được đào tạo, trang bị kiến thức về thương mại điện tử, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
100% sàn giao dịch thương mại điện tử lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử, pháp luật chuyên ngành đối với các hàng hóa do tổ chức, cá nhân kinh doanh; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.
Một trong các giải pháp thực hiện đề án là xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử và kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu liên quan của các lực lượng chức năng thuộc các bộ, ngành.
Đồng thời, xây dựng hệ thống giám sát, thu thập dữ liệu về giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội để bổ sung nguồn dữ liệu đầu vào cho cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan.
Tăng cường hoạt động phối hợp, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử.
Xây dựng kênh thông tin chính thống của Bộ Công Thương và các lực lượng chức năng để thường xuyên cập nhật, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và các thông tin cảnh báo người tiêu dùng; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm buôn bán hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.
Thương mại điện tử Việt Nam trong những năm gần đây đã có bước chuyển biến khá mạnh mẽ. Việc đầu tư về hạ tầng công nghệ, hành lang pháp lý cũng như nhận thức của các doanh nghiệp về ứng dụng thương mại điện tử được nâng cao rõ rệt.
Theo số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng, năm 2022, trong số 72 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số tại Việt Nam thì có đến 52 triệu người đang sử dụng thương mại điện tử, tăng 13,5% so với cùng kỳ 2021.
Trong đó, chi tiêu hàng năm cho thương mại điện tử là 12,4 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng ấn tượng và vững chắc của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm vừa qua có một phần không nhỏ đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử khi ngành này chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số của Việt Nam.
Cùng với tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử thì các vụ vi phạm cũng tăng lên. Tuy nhiên, trên thế giới tỷ lệ các vụ vi phạm chỉ chiếm không quá 5-10%. Tỷ lệ này không phải quá nhiều đó là lý do mà người ta chấp nhận thương mại điện tử có những sai phạm.
Trong tương lai, thương mại điện tử Việt Nam sẽ có ít những sai phạm, gian lận thương mại hơn và lúc đó tỷ lệ sai phạm sẽ cũng tương đương với thế giới bởi vì công nghệ phát triển và các hành lang pháp lý định danh ở Việt Nam cũng được hình thành.
Trong năm 2023 Việt Nam dự kiến sẽ hoàn thiện Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là hàng lang pháp lý có độ tinh cậy cao. Ngoài ra việc cải tiến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đặc biệt là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong thương mại điện tử sẽ có căn cứ để xử lý tốt hơn.
Tiến Hoàng