Những hậu quả khôn lường từ việc cho thuê, bán tài khoản xe công nghệ
Nhiều khách hàng phản ánh hiện nay xảy ra tình trạng, đặt xe ôm, taxi công nghệ của người này nhưng người khác đến đón. Đó là tình trạng mua bán, trao đổi tài khoản xe công nghệ trên mạng xã hội. Do đi xe không phải chính chủ nên có thể xảy ra nhiều rủi ro cho cả người mua và người bán.
Nở rộ hội nhóm mua bán tài khoản công nghệ
Đã có nhiều khách hàng phản ánh, nhiều lần đặt xe ôm công nghệ của một người nhưng khi đến đón lại là xe có biển số không giống trong app đã đặt. Như trường hợp của chị Lê Thị Thu, chị đặt xe từ Nhà văn hóa quận Cầu Giấy về Hà Đông, tuy nhiên khi xe đến đón thì lại không phải xe trên app của chị đặt, chị Thu kể: “Tôi cứ tưởng tài xế đã hủy chuyến, nhảy sang tài xế mới tuy nhiên nhìn vào app thì không có thông tin hủy chuyến nào. Khi tôi hỏi tài xế thì người này bảo vì xe bị hỏng nên phải mượn xe của người thân để chở khách. Vừa đi vừa nơm nớp lo sợ vì hôm đó, chị đặt xe đi từ sáng sớm, chỉ đến khi xuống đến nơi, chị Nguyệt mới thở phào nhẹ nhõm”
Hay như anh Nguyễn Công Hòa (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), trong một lần đi làm về muộn không kịp đón con, chị đã đặt xe ôm để đón cô con gái học lớp 8 ở Thái Hà. Khi tài xế gọi đã đến nơi, chị gọi con xuống và gửi biển số xe, số điện thoại cho con. Thế nhưng khi xuống tới nơi, cô bé đã phát hiện biển số xe không phải như số mẹ đã gửi.
“Khi con gọi cho tôi, tôi liền thắc mắc thì người này cho biết, có thể tài xế chuyến trước đã hủy nên nhảy sang xe của người này. Nhưng khi kiểm tra app tôi không thấy thông tin bị hủy chuyến như tài xế kia nói.Không an tâm tôi hủy chuyến và đặt xe khác cho con. Cẩn tắc vô áy náy, dù sao con mình cũng là con gái, nên mình phải cẩn thận” - Anh Hòa cho biết.
Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên, tình trạng cho thuê, mua bán tài khoản xe công nghệ đang diễn ra rất sôi nổi, công khai trên mạng xã hội.
Chỉ cần lên mạng xã hội gõ từ khóa “ma bán cho thuê tài khoản grab, Bee, Gojeck sẽ cho ra hàng loạt các fanpage, hội nhóm kín đăng tải nội dung cần thuê, cần mua, cho thuê tài khoản ứng dụng (app) xe công nghệ, đặc biệt là trên những nhóm cộng đồng tài xế công nghệ.
Mức giá cho thuê/bán tài khoản rất đa dạng, tùy thuộc vào chất lượng tài khoản, cũng như những chính sách mà công ty dành cho tài xế, từ hai bánh đến bốn bánh.
Một tài khoản T.V rao bán: “Cần bán và cho thuê app grab, bee, go các loại giá rẻ. 300k/tháng, 100k/tuần, app nổ đều full, hạng bạch kim, pro+ siêu chiến binh. Giao dịch trực tiếp, sang tên sim đầy đủ”. Còn một tài khoản thì công khai thu mua tài khoản grab không dùng số lượng lớn nhưng phải có điều kiện kèm theo là có lịch sử đặt đồ ăn từ 1-2 tháng rate 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng tùy người bán.
Trong vai một sinh viên có nhu cầu thuê tài khoản để chạy xe ôm, kiếm thêm thu nhập, phóng viên liên hệ với một nick T.Đ thì được biết hiện nay giá thuê sẽ dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/ tài khoản cho 1 tháng. Nếu mua tài khoản thì sẽ có giá từ 1.500.000 - 2.000.000 triệu đồng/ tài khoản, tùy vào thời gian đã đăng ký lâu hay mới sử dụng và tùy vào hãng.
Khi phóng viên thắc mắc có hãng check khuôn mặt hàng ngày (ID) thì làm thế nào, người này trấn an chỉ có grab và bee là check ID, nhưng chỉ một ngày 1 lần, hoàn toàn có thể hỗ trợ người mua. Còn các hãng khác hoàn toàn yên tâm, trong trường hợp cần chứng minh chính chủ, người chủ đăng ký tài khoản sẽ hỗ trợ. Hình thức cho thuê khá đơn giản, có thể thuê theo tháng hoặc vài tháng tùy vào nhu cầu khách hàng,thậm chí thuê hàng ngày, chỉ cần trả tiền cọc vài chục nghìn 1 ngày.
Rủi ro cho cả người mua, người bán và khách hàng
Trên các hội nhóm, ngoài việc hỏi mua, rao bán cho thuê tài khoản thì nhiều lời cảnh báo vì tình trạng lừa đảo cũng liên tục đưa ra. Một nick Đ.T cảnh báo: “Anh em mua bán và thuê tài khoản thì gặp trực tiếp người cho thuê xem có uy tín không, lừa đảo nhiều mà vẫn có anh em chuyển khoản trước”. Ngay sau đó nhiều nick vào bóc phốt một nick H.L thường xuyên đi rao cho thuê tài khoản, nhưng khi nhận được tiền cọc thì lặn mất tăm, không liên lạc được. Chưa kể nick này còn dụ người mua lập tài khoản Zalo pay liên kết giữa hai toàn khoản để người thuê rút tiền cho thuận tiện nhưng thực chất là để chiếm dụng tài khoản của người mua.
Theo anh T.V.Đ (Hà Đông), một tài xế xe ôm công nghệ lâu năm thì việc mua bán tài khoản xe công nghệ gặp rất nhiều trường hợp rủi ro. Nhiều trường hợp thuê tài khoản là do tài khoản chính chủ bị khóa, chủ tài khoản ngại lên công ty để mở lại, nên thuê tài khoản khác chạy tranh thủ trong lúc chờ đợi tài khoản chính chủ được mở lại. Nhiều trường hợp lái xe không muốn mất thời gian đi mở mới, vì khi đăng kí mới sẽ mất thêm khoản chi phí phát sinh (đăng kí, mua đồng phục hoặc kí quĩ...), chưa kể thủ tục lằng nhằng nên việc thuê, mua lại tài khoản giảm bớt chi phí, thời gian đi lại.
Hiện nay hãng xe công nghệ hoạt động tại Việt Nam, kinh doanh ở cả mạng giao đồ ăn lẫn gọi xe cho tới giao hàng, các shipper, xe ôm sẽ có thêm sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên hiện nay nhiều hãng yêu cầu check ID hàng ngày, nên rất khó để thuê hay mua lại. Nhiều người bị lừa vì chuyển khoản cọc, sau khi nhận cọc xong các đối tượng chặn luôn facebook zalo không thể liên lạc được. Không chỉ có thế, khi sử dụng tài khoản của người khác, nếu gặp phải chủ cũ không tốt, tố lên hãng lấy cắp tài khoản, thì người chủ mới có thể bị khóa tài khoản, chịu thiệt mất cả tiền cọc lẫn cả app sử dụng.
Còn với các tài khoản chính chủ cho thuê, hoặc đầu cơ mua bán lại tài khoản thì nguy cơ cao nhất là mất tài khoản. Giao tài khoản cho một người lạ trong khi chưa có hình thức kiểm soát rõ ràng sẽ phát sinh những vấn đề ngoài dự liệu. Đây cũng chính là nguyên nhân nhiều bài "bóc phốt" hành vi lấy cắp tài khoản xuất hiện trên mạng xã hội.
Nếu gặp phải trường hợp khách thuê xấu, thường xuyên vi phạm luật lệ giao thông, hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì hoàn toàn có thể bị khóa tài khoản vĩnh viễn.
Lúc ấy lại mất công đi đăng kí tài khoản hãng khác, vì chắc chắn hãng cũ không chấp nhận cho đăng ký lại một lần nữa. Chưa kể, khi người mua, người thuê dùng vào việc ghi nợ, hoặc lừa ship code thì chính chủ sẽ bị truy thu tận cùng.
Còn nhớ năm 2020, một vụ hiếp dâm rúng động xảy ra ở Tp.Hồ Chí Minh cũng xuất phát từ việc cho mượn tài khoản. Một thanh niên mặc áo BeBike đe dọa, giở trò đồi bại với một phụ nữ trên đường Lão Tử, quận 5, TP.HCM bị camera ghi lại. Tuy nhiên xác minh tại hãng, không có tên tuổi, biển số xe của thanh niên này mà thực chất, đối tượng mượn tài khoản của một người bạn trong hãng Bebike để chạy xe ôm.
Nói về thực trạng mua bán tài khoản xe ôm công nghệ, Luật sư Giáp Quang Khải, Đoàn luật sư Bắc Giang cho biết: Sự bùng nổ của thị trường xe công nghệ tại Việt Nam đã kéo theo hàng chục nghìn lượt đăng ký tài khoản trên các nền tảng khác nhau. Tuy nhiên thực tế ghi nhận có nhiều tài xế không còn chạy xe nữa đã bán, cho thuê tài khoản của mình cùng với các phụ kiện đi kèm như áo khoác, mũ,…
Điều này đã dẫn đến tình trạng khi khách hàng đặt xe nhưng tài xế và biển số xe không trùng khớp với thông tin trên ứng dụng, gây hoang mang, lo sợ và nguy hiểm đối với người đặt xe. Pháp luật Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng chưa có những quy định cụ thể về vấn đề này và lực lượng chức năng còn gặp khó khăn trong công tác xác minh, xử lý các vi phạm như trên.
Tuy nhiên, tài khoản lái xe công nghệ cũng có thể coi là một thông tin cá nhân. Chính vì vậy hành vi mua bán thông tin cá nhân có thể bị xử phạt. Căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân có thể bị xử phạt từ 40 triệu đến 60 triệu đồng. Để tránh rủi ro khi đi xe ôm công nghệ, người dân cần kiểm tra thông tin cụ thể, chỉ đồng ý lên xe khi thông tin tài xế trùng khớp từ biển số xe, số điện thoại và hình ảnh tài xế.
Thanh Cao