0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 15/04/2025 09:37 (GMT+7)

Ngành bia Việt Nam trước áp lực kép: Suy giảm tiêu dùng và gánh nặng thuế

Theo dõi KT&TD trên

Từng là điểm sáng tiêu thụ hàng đầu châu Á, ngành bia Việt Nam đang đối mặt áp lực kép: nhu cầu sụt giảm và gánh nặng thuế gia tăng. Trong bối cảnh biến động, đâu là lối đi để giữ vững thị phần và phục hồi tăng trưởng?

Từng được ca tụng là “thị trường vàng” của ngành đồ uống có cồn tại châu Á, Việt Nam đã và đang giữ vị thế là một trong những quốc gia tiêu thụ bia hàng đầu thế giới. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 7 toàn cầu về lượng tiêu thụ, với gần 4,6 tỷ lít bia, chiếm khoảng 2,4% tổng tiêu thụ bia toàn cầu. Không chỉ vượt qua Nhật Bản để đứng thứ hai châu Á sau Trung Quốc, Việt Nam còn giữ ngôi vương tại khu vực ASEAN trong suốt nhiều năm. Tuy nhiên, ẩn sau những con số ấn tượng ấy là một thực trạng đang khiến toàn ngành phải đối mặt với áp lực kép: suy giảm tiêu dùng và gánh nặng thuế ngày một lớn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi thị hiếu thay đổi, tiêu dùng đảo chiều

Từ sau đại dịch Covid-19, hành vi người tiêu dùng bia tại Việt Nam đã thay đổi rõ rệt. Nếu trước đây, các hoạt động xã giao, liên hoan, tiếp khách là "mảnh đất màu mỡ" cho ngành bia phát triển thì nay, tâm lý thận trọng khi uống rượu bia và lái xe đã khiến tiêu dùng tại các nhà hàng, quán bar sụt giảm mạnh. Nghị định 100/2019/NĐ-CP, với mức phạt nghiêm khắc đối với hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu bia, là một cú hích chính sách mang tính bước ngoặt. Dù hiệu quả trong việc bảo vệ an toàn giao thông, nhưng điều này cũng dẫn đến hệ lụy đáng kể cho ngành bia – doanh số tại các kênh tiêu dùng tại chỗ đã giảm hơn 55% từ năm 2017 đến 2022.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đáng chú ý, ba quý đầu năm 2024 đã ghi nhận sản lượng bia giảm thêm 4% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh nhu cầu tiêu thụ vẫn tiếp tục đi xuống. Thậm chí, nhà máy Heineken tại Quảng Nam một trong những điểm sản xuất lớn của thương hiệu bia hàng đầu thế giới đã phải tạm thời đóng cửa do nhu cầu thị trường không đủ lớn. Tổng doanh thu ngành năm 2023 chỉ đạt khoảng 2,7 tỷ USD, giảm hơn 14% so với năm 2022, trong khi kỳ vọng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018–2023 là 5,2% nay đã trở thành xa vời.

Chi phí sản xuất tăng cao và thuế chồng thuế

Không chỉ giảm doanh thu, các doanh nghiệp bia còn đối mặt với bài toán chi phí leo thang. Giá nguyên liệu đầu vào, từ malt đến lon nhôm, đã tăng từ 20% đến 40% do những bất ổn kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, mặt bằng thuế suất tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam lại ở mức rất cao so với khu vực – 65% từ năm 2018 và dự kiến sẽ tăng lên 100% vào năm 2030 theo kế hoạch của Bộ Tài chính. Đây không chỉ là gánh nặng tài chính mà còn có nguy cơ triệt tiêu sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, làm giảm đi 62.000 tỷ đồng giá trị gia tăng của toàn ngành trong giai đoạn 2026–2030.

Đáng nói, trong bối cảnh Chính phủ áp dụng chính sách giảm thuế VAT 2% để kích cầu tiêu dùng, bia và các sản phẩm có cồn lại bị loại khỏi danh sách ưu đãi càng khiến các doanh nghiệp bia chịu thiệt thòi kép: vừa không được hỗ trợ, vừa gánh thuế cao hơn nhiều ngành khác.

Thị trường thay đổi – cơ hội vẫn còn

Dù gặp nhiều khó khăn, ngành bia Việt Nam không hoàn toàn mất đi sức hút. Trái lại, sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng đang mở ra các cơ hội mới, đặc biệt trong phân khúc cao cấp và sản phẩm ít/không cồn. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và giới trẻ Gen Z – những người có lối sống năng động, chuộng sự cân bằng giữa thưởng thức và sức khỏe – đang làm dấy lên làn sóng tiêu dùng mới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo khảo sát năm 2022, có tới 88% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm bia chất lượng cao. Đây là tiền đề cho sự xuất hiện của hàng loạt dòng bia cao cấp như Tiger Platinum, Saigon Special, hay bia thủ công địa phương. Đặc biệt, các thương hiệu bia không cồn như Heineken 0.0, Sagota hay Suntory All-Free đang chiếm được cảm tình từ nhóm người dùng trẻ tuổi, giúp các doanh nghiệp giữ chân khách hàng trong bối cảnh Nghị định 100 vẫn còn hiệu lực mạnh mẽ.

Cạnh tranh khốc liệt – nhưng không phải ai cũng thua

Heineken Việt Nam, Sabeco, Habeco và Carlsberg hiện chiếm hơn 90% thị phần trong nước. Tuy nhiên, cuộc chơi không còn là "sân nhà" cho các thương hiệu nội. Với danh mục đầu tư đa dạng, chiến lược marketing sáng tạo và khả năng thích ứng cao, các thương hiệu nước ngoài như Heineken, Carlsberg hay Sapporo đang từng bước chiếm ưu thế. Những chiến dịch như hợp tác với ứng dụng gọi xe để khuyến khích tiêu dùng tại chỗ một cách an toàn, dịch vụ đỗ xe qua đêm tại quán nhậu, hay các khuyến mãi tại điểm bán hàng là minh chứng cho sự linh hoạt và đổi mới cần có của ngành bia thời hiện đại.

Thị trường quốc tế cũng được xem là "vùng đất hứa" khi giá trị xuất khẩu của ngành bia Việt Nam đã tăng đều với CAGR 11% từ năm 2016 đến 2023. Điều này mở ra hướng đi mới để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn nội địa và tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu.

Ngành bia Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ: hoặc tiếp tục chịu sức ép của thuế và quy định, hoặc được tiếp sức bằng một môi trường chính sách minh bạch và hỗ trợ đúng lúc. Trong khi người tiêu dùng đang thay đổi, thị trường đang tự điều chỉnh và doanh nghiệp đang nỗ lực thích nghi, thì điều ngành bia cần lúc này là sự đồng hành của cơ quan quản lý: cân bằng giữa mục tiêu kiểm soát tiêu thụ và phát triển kinh tế, giữa lợi ích sức khỏe cộng đồng và sức sống của một ngành công nghiệp đóng góp hàng tỷ USD mỗi năm. Nếu làm được điều đó, ngành bia Việt Nam vẫn có thể duy trì vị thế dẫn đầu châu lục – nhưng lần này là với một diện mạo mới: hiện đại, sáng tạo và bền vững hơn.

Bạn đang đọc bài viết Ngành bia Việt Nam trước áp lực kép: Suy giảm tiêu dùng và gánh nặng thuế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Cà phê mang đi: Ngon – rẻ nhưng liệu có an toàn?
Trong nhịp sống hối hả của đô thị hiện đại, cà phê mang đi đã trở thành một phần không thể thiếu trong thói quen hàng ngày của nhiều người. Với giá thành phải chăng và hương vị đậm đà, những ly cà phê "take-away" này đáp ứng nhu cầu nạp năng lượng nhanh chóng cho người tiêu dùng.
Mua sắm online: Nhanh, tiện nhưng rủi ro ngày càng lớn
Không thể phủ nhận, mua sắm online đang ngày càng trở thành một phần thiết yếu trong đời sống hiện đại. Chỉ với vài cú nhấp chuột hoặc thao tác trên điện thoại, người tiêu dùng có thể sở hữu món hàng mình yêu thích mà không cần bước chân ra khỏi nhà.

Tin mới

Gỡ nút thắt hạ tầng – thể chế để logistics Việt Nam cất cánh
Hạ tầng logistics của Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến đáng kể với việc đầu tư xây dựng nhiều cảng biển hiện đại, mở rộng hệ thống đường cao tốc và phát triển các trung tâm logistics. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển, hạ tầng logistics của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.