0922 281 189 [email protected]
Chủ nhật, 07/01/2024 16:18 (GMT+7)

Ngân hàng đồng loạt thay đổi phí tin nhắn SMS

Theo dõi KT&TD trên

Hàng loạt các ngân hàng thông báo về cơ chế tính phí dịch vụ tin nhắn mới và khuyến khích khách hàng sử dụng ngân hàng số để không tốn phí đồng thời phòng ngừa rủi ro lừa đảo, gian lận, đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản của khách hàng.

Tính phí SMS Banking theo số giao dịch

Vietcombank vừa thông báo về việc điều chỉnh biểu phí tin nhắn thông báo biến động số dư (SMS Banking) từ ngày 1/1/2024. Theo đó, phí duy trì dịch vụ SMS chủ động sẽ tính theo số lượng tin nhắn phát sinh trong tháng thay vì mức phí cố định 10.000 đồng/tháng/số điện thoại như trước đây.

Cụ thể, Vietcombank sẽ áp dụng mức phí 10.000 đồng/tháng/số điện thoại nếu số lượng tin nhắn dưới 20 tin nhắn/tháng/số điện thoại. Trên 20 tin nhắn/tháng/số điện thoại, ngân hàng này thu phí theo số lượng tin nhắn thực tế phát sinh trong tháng với mức phí 700 đồng/tin nhắn. Các mức phí này chưa bao gồm VAT.

Như vậy, nếu khách hàng phát sinh khoảng 100 tin nhắn/tháng, tiền phí dịch vụ SMS chủ động trong tháng vào khoảng 70.000 đồng (chưa bao gồm VAT). Ngân hàng này cũng cho biết sẽ chính thức dừng gửi tin nhắn biến động số dư với các giao dịch có giá trị dưới 50.000 đồng. Khách có thể soạn tin nhắn hủy dùng SMS Banking.

Ngân hàng đồng loạt thay đổi phí tin nhắn SMS

ACB cũng thông báo kể từ ngày 1/1 cơ chế tính phí và mức thu phí SMS Banking với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp sẽ được thay đổi.

Theo đó, ngân hàng này áp dụng mức phí thấp nhất là 15.000 đồng/tháng/thuê bao đối với các khách hàng có nhu cầu nhận SMS thông báo giao dịch. Cụ thể, biểu phí mới (bao gồm VAT) được tính như sau: số lượng SMS dưới 20 tin thì phí 15.000 đồng/tháng/thuê bao/khách hàng; số lượng SMS trên 20 tin, phí 15.000 đồng cộng với 700 đồng x số lượng tin nhắn thứ 21 trở lên, tính trên tháng/thuê bao/khách hàng. Thông báo biến động số dư chỉ gửi SMS cho các giao dịch từ 50.000 đồng trở lên.

Tuy nhiên, để không tốn phí và an toàn hơn, ACB khuyến khích khách hàng sử dụng tính năng nhận thông báo không tốn phí qua ứng dụng Ngân hàng số ACB ONE.

Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng vừa thông báo thay đổi biểu phí SMS Banking - phí thông báo biến động số dư tài khoản qua điện thoại. Theo đó, OCB miễn phí dịch vụ SMS Banking của tháng 1-2024 và bắt đầu tính phí theo biểu phí mới từ ngày 1-2. Đồng thời, OCB cũng dừng gửi tin nhắn SMS thông báo biến động số dư đối với các giao dịch có giá trị dưới 50.000 đồng.

Phí SMS Banking sẽ được ngân hàng này tính theo số lượng tin nhắn phát sinh của từng tài khoản, từ 5.000 – 70.000 đồng/tháng. Khách hàng của OCB có thể nhận và theo dõi biến động số dư qua tài khoản thanh toán miễn phí trên ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI.

Nam A Bank mới đây cũng thông báo áp dụng mức phí và cấu trúc tính phí mới đối với phí dịch vụ SMS Banking và thời gian thu phí dịch vụ định kỳ mỗi tháng từ tháng 1/2024. Đối tượng áp dụng là khách hàng đăng ký mới/đã đăng ký sử dụng dịch vụ SMS Banking bao gồm cả khách hàng cá Nhân, khách hàng tổ chức.

Theo đó, với khách hàng phát sinh dưới 15 tin nhắn trong tháng, mức phí là 12.000 đồng/tháng (chưa bao gồm VAT). Khi khách hàng phát sinh trên 15 tin nhắn/tháng, ngân hàng sẽ thu phí 695 đồng/SMS vượt.

Trường hợp khách hàng không đồng ý với mức phí trên thì có thể hủy dịch vụ SMS Banking trước ngày 31/01/2024 để hệ thống không thu phí sử dụng dịch vụ của khách hàng từ kỳ thu phí tháng 02/2024.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) từ 1/1/2014 cũng sẽ điều chỉnh mức thu phí dịch vụ SMS Banking đối với khách hàng cá nhân lên mức 16.500 đồng/khách hàng/tháng (đã bao gồm thuế VAT). Đồng thời, ngừng gửi tin nhắn thông báo biến động số dư với các giao dịch nhỏ hơn 20.000 đồng.

Trước đó, nhiều ngân hàng khác như Sacombank, VietinBank, BIDV, VIB, VPBank, Techcombank, HDBank... đã thay đổi cách tính phí dịch vụ thông báo số dư qua SMS theo bậc thang hoặc theo số lượng SMS sử dụng thực tế, đồng thời thay đổi thời điểm thu phí SMS Banking.

Chẳng hạn, tại Sacombank, khách hàng có số lượng tin nhắn SMS phát sinh dưới 30 tin nhắn, mức phí áp dụng là 15.000 đồng/tháng/số điện thoại. Nếu trên 30 tin nhắn, Sacombank sẽ thu theo số lượng tin nhắn với số tiền 500 đồng/tin nhắn và mức phí thu tối đa là 500.000 đồng/tháng/số điện thoại (chưa bao gồm VAT).

VietinBank cũng thông báo phí SMS Banking giữ nguyên ở mức 10.000 đồng với tài khoản nhận dưới 14 tin nhắn/tháng. Nếu số lượng SMS biến động số dư từ 15 tin trở lên, phí SMS Banking tính trên mỗi tin nhắn là 880 đồng/tin nhắn.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, hầu hết ngân hàng lớn trên thị trường đều đã áp dụng chính sách phí thông báo biến động số dư qua SMS dựa trên số lượng tin nhắn SMS thực tế khách hàng nhận được hàng tháng.

Giảm chi phí, tăng bảo mật cho khách hàng

Lý giải về việc tăng phí sử dụng SMS Banking, nhiều ngân hàng cho biết đang phải chịu lỗ từ dịch vụ này do phải trả phí SMS cho nhà mạng với mức giá đắt gấp 3 lần so với thông thường.

Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, với số lượng tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động lên tới cả trăm đơn vị, chi phí viễn thông do cả hệ thống ngân hàng trả cho các nhà mạng lên tới vài trăm tỷ đồng/tháng.

Ngân hàng đồng loạt thay đổi phí tin nhắn SMS

Trên thực tế, đối với xác minh khách hàng đăng ký dịch vụ, ngân hàng phải gửi cho khách hàng ít nhất 2 tin nhắn là OTP xác thực thông tin số điện thoại của khách hàng và gửi thông tin đăng ký thành công. Đối với giao dịch thanh toán, ngân hàng phải gửi cho khách hàng ít nhất 2 tin nhắn là OTP xác thực giao dịch và thông tin báo biến động số dư.

Với mức chi phí SMS quá lớn, các ngân hàng đang đẩy mạnh khuyến khích khách hàng chuyển sang các hình thức khác thay thế như nhận thông báo số dư qua ứng dụng ngân hàng (app) và xác thực giao dịch thông qua Smart OTP. Đặc điểm chung của các hình thức này là có độ bảo mật cao và đều miễn phí.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nếu xác thực giao dịch bằng OTP gửi qua tin nhắn SMS truyền thống, hạn mức giao dịch tối đa chỉ là 100 triệu đồng/giao dịch. Nhưng nếu xác thực bằng Smart OTP, khách hàng có thể giao dịch với hạn mức lên tới cả tỷ đồng/giao dịch.

Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng cổ phần cho hay, ngoài việc thay đổi chính sách tính phí SMS Banking để phù hợp với nhu cầu thực tế phát sinh tin nhắn của từng khách hàng, giảm chi phí cước tin nhắn, một lý do quan trọng khác là phòng ngừa rủi ro lừa đảo, gian lận, đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản của khách hàng.

"Mạo danh thương hiệu ngân hàng qua tin nhắn SMS là một trong những thủ đoạn lừa đảo phổ biến, khi kẻ gian tạo link giả mạo giống tên ngân hàng, yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link... Nguy cơ khách hàng bị lừa đảo là rất lớn mà ngân hàng không thể kiểm soát được, trong khi ứng dụng ngân hàng số của các ngân hàng có độ bảo mật cao gần như không thể bị chèn tin nhắn giả mạo" - Phó Tổng Giám đốc ngân hàng này phân tích.

Trung Anh

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng đồng loạt thay đổi phí tin nhắn SMS. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chứng khoán giảm mạnh sau tin Chính phủ Mỹ áp thuế mới
Sáng nay, thị trường ngập trong sắc đỏ, VN-Index có tới gần 500 mã giảm giá, trong đó có 177 mã giảm sàn. Kết phiên sáng, chỉ số VN-Index rơi tự do mất hơn 82,28 điểm về ngưỡng 1.235,55 điểm. Chỉ số VN30 cũng mất hơn 85 điểm, HNX mất hơn 16 điểm về ngưỡng 221,37 điểm.

Tin mới

Chứng khoán giảm mạnh sau tin Chính phủ Mỹ áp thuế mới
Sáng nay, thị trường ngập trong sắc đỏ, VN-Index có tới gần 500 mã giảm giá, trong đó có 177 mã giảm sàn. Kết phiên sáng, chỉ số VN-Index rơi tự do mất hơn 82,28 điểm về ngưỡng 1.235,55 điểm. Chỉ số VN30 cũng mất hơn 85 điểm, HNX mất hơn 16 điểm về ngưỡng 221,37 điểm.
Xu hướng kinh doanh đồ uống: Đâu là mô hình tiềm năng nhất?
Thị trường đồ uống luôn là một lĩnh vực năng động với nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự biến đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều mô hình kinh doanh đồ uống mới, sáng tạo và đầy tiềm năng.
Giá căn hộ tăng cao: Khi nào người mua nhà mới "dễ thở"?
Thị trường bất động sản Việt Nam những năm gần đây đang trải qua giai đoạn biến động mạnh mẽ. Mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, giá căn hộ vẫn duy trì ở mức cao, khiến người mua nhà - đặc biệt là tầng lớp trẻ và người có thu nhập trung bình - vẫn phải đối mặt với áp lực tài chính nặng nề.
Gen Z và cơn sốt trà: Khi thế hệ trẻ biến thức uống cổ điển thành xu hướng mới!
Gen Z đang biến trà từ một thức uống truyền thống thành xu hướng sành điệu và sáng tạo. Từ trà sữa trân châu đến trà masala chai đậm đà, họ không ngừng thử nghiệm và đổi mới. Không chỉ là một sở thích, trà đã trở thành phong cách sống, gắn kết cộng đồng và thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững.