'Năm 2023, các doanh nghiệp nhà nước lỗ khoảng 41.666 tỷ đồng'
Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, ước tính năm 2023 các doanh nghiệp nhà nước phát sinh lỗ khoảng 41.666 tỷ đồng.
Tại tọa đàm “Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới”, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp- Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước (DNNN) nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước.
Chỉ tính riêng các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (chưa đến 0,1% số doanh nghiệp hoạt động) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế (chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường). Do đó, khu vực DNNN, đặc biệt là các DNNN quy mô lớn đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế.
Tính đến 30/6/2023, tổng doanh thu của các DNNN trên cả nước đạt gần 690.000 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế là 67.400 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023. Tổng lỗ phát sinh của cả khu vực DNNN là 33.639 tỷ đồng. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp NSNN là 67.233 tỷ đồng, đạt 56% so với kế hoạch năm 2023.
Theo ông Trung, ước tính cả năm 2023, tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Tổng lãi phát sinh trước thuế của khu vực DNNN năm 2023 ước đạt hơn 117,3 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra.
“Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách Nhà nước của DNNN cả năm 2023 ước đạt gần 129.000 tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch. Ước tính năm 2023 các doanh nghiệp phát sinh lỗ khoảng 41.666 tỷ đồng”, ông Nguyễn Đức Trung cho biết.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng hoạt động của các DNNN còn không ít hạn chế. Các DNNN đang chậm chuyển mình trong thời đại, bối cảnh mới. Vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét.
DNNN có hiệu quả hoạt động tốt nhưng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, đặc biệt là khối tổng tài sản lên tới hơn 3,7 triệu tỷ đồng của đất nước. Chất lượng, hiệu quả của DNNN chủ yếu xuất phát từ những DNNN quy mô lớn, hoạt động hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên (như khai thác khoáng sản, dầu khí) hoặc thống lĩnh thị trường do lịch sử để lại (như viễn thông, tài chính tín dụng). DNNN hoạt động chưa dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và năng lực đổi mới sáng tạo.
Hoạt động đầu tư chưa được như kỳ vọng. Việc đầu tư nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế như các công nghệ lõi, công nghệ số; các ngành năng lượng mới, năng lượng sạch; các ngành chứa đựng giá trị khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cao...
“Khả năng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế của DNNN còn hạn chế. Các DNNN mới chỉ chiếm lĩnh được thị trường trong nước nhưng chưa có khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế. Thực tế là, các DNNN chưa có các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chưa tạo ra giá trị gia tăng cao trong khi xuất khẩu. Đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá chính xác nhất năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ.
Kỳ Thư