Mỹ phẩm Doctor Angel có đang coi thường pháp luật khi ‘thổi phồng’ công dụng như thuốc?
Theo quy định hiện hành, đối với hành vi cố tình ghi sai nhãn sản phẩm hoặc quảng cáo “thổi phồng” công dụng, ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, buộc cải chính thông tin, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tái phạm nhiều lần. Tuy nhiên hiện nay, không ít cơ sở vẫn ngang nhiên vi phạm.
Sau những phản ánh của người tiêu dùng, và thực tế qua kiểm chứng của PV Tạp chí Thương Trường, trên không gian mạng hiện nay, có rất nhiều cơ sở bán hàng mỹ phẩm đang giới thiệu, quảng cáo với nhiều nội dung không đúng bản chất của sản phẩm mỹ phẩm. Thực tế, tại trang web https://myphamyteangel.vn/, cơ sở này đang quảng cáo nhiều sản phẩm mỹ phẩm có công dụng chựa các bệnh lý về da, thậm chí còn ghi rõ trên nhãn sản phẩm là “đặc trị mụn” như thuốc chữa bệnh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Doctor Agel đang cố tình biến mỹ phẩm thành thuốc chữa bệnh?
Theo phản ánh của chị N.H.G (Thanh Trì, Hà Nội), vừa qua, tìm hiểu về một số mặt hàng làm đẹp được quảng cáo trên các website, kênh bán hàng online để mua phục vụ nhu cầu sử dụng của cá nhân. Theo lời chị G, chị thấy “lạ” khi có nhiều mặt hàng là mỹ phẩm lại được giới thiệu, quảng cáo có công dụng đặc trị hay điều trị. Điều này khiến chị G cảm thấy hoang mang vì không biết công dụng thực sự của sản phẩm có đúng như những lời quảng cáo “có cánh” kia không.
Từ phản ánh của người tiêu dùng, PV Thương Trường đã tìm hiểu một số website kinh doanh về mỹ phẩm, đơn cử như trang web https://myphamyteangel.vn/, PV nhận thấy không khó để đặt mua các sản phẩm mỹ phẩm kem trị mụn, serum trị mụn, trị thâm nám, tái tạo da…
Cụ thể, với sản phẩm Viên thải độc da, cơ sở này ngang nhiên giới thiệu rằng: “sử dụng sản phẩm thuốc thải độc da Angel, bạn sẽ an tâm có một làn da đẹp, trắng sáng mà không bị tổn hại sức khỏe và tiền bạc”. Không những vậy, Viên thải độc da này còn được quảng cáo có công dụng “Trị dị ứng da; Thải độc da; Trị mụn viêm, mụn bọc, mụn ẩn li ti; Giảm thâm nám”.
Còn với sản phẩm có tên “Đặc trị mụn” ghi hẵn trên nhãn bao bì sản phẩm, được cơ sở này quảng cáo, rằng “Kem đặc trị chuyên sâu về mụn và thâm, phù hợp với tất cả các loại da, kể cả nhạy cảm chịu nhiều tổn thương từ kích ứng. Mọi vấn đề về da mặt của bạn sẽ được chúng tôi giải quyết và điều trị dứt điểm. Angel luôn muốn bạn có một làn da sáng bóng, không tì vết, mang đến sự tự tin cho bạn trước đám đông”. Bên cạnh đó, sản phẩm này còn có công dụng “Trị tận gốc các loại mụn: mụn cám, mụn mủ, mụn bọc, mụn đầu đen, mụn nội tiết, mụn viêm nặng; Giảm sưng viêm, thâm; Se khít lỗ chân lông, công thức đặc biệt giúp liền sẹo, làm săn chắc da và đồng đều màu; Ngăn ngừa mụn trở lại”…
Với những quảng cáo như vậy lẽ ra người tiêu dùng phải thấy an tâm vì có thể được tiếp cận thương hiệu mỹ phẩm tốt. Tuy nhiên, sự thực không hẳn như vậy!
Bởi, theo Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, cùng với hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm, những từ dùng cho quảng cáo như: đặc trị, điều trị, trị mụn, trị nám, chữa khỏi, làm lành mụn; giảm/kiểm soát sự sưng tấy phù nề; loại bỏ/giảm mỡ/giảm béo; diệt nấm; diệt virus; kích thích… không được chấp nhận dùng trong quảng cáo mỹ phẩm.
Theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, mỹ phẩm là một chất hoặc chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông - tóc, móng, môi) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt. Mỹ phẩm không có tác dụng chữa bệnh hoặc thay thế thuốc chữa bệnh và không được phép kê đơn cho người bệnh.
Nội dung quảng cáo mỹ phẩm cũng phải tuân thủ theo đúng quy định tại Điều 4 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP. Theo đó, tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật. Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Thông qua nội dung nêu trên, dư luận đặt nghi vấn, sản phẩm đang bán tại https://myphamyteangel.vn/ của nhãn hàng mỹ phẩm Doctor Angel có thực sự như nội dung quảng cáo hay không, hay nhãn hiệu mỹ phẩm Doctor Angel đang cố tình biến mỹ phẩm thành thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng và để trục lợi?
Theo thông tin mà Thương Trường có được, nhãn hàng mỹ phẩm Doctor Angle thuộc Công ty TNHH Angel Hoa Thiên Lý, có địa chỉ tại số G21 đường Hoàng Bích Sơn, Phường Phú Thủy, Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Công ty này có mã số thuế 3401186501, và bà Nguyễn Tấn Mỹ Hiệp là người đại diện pháp luật.
Qua tìm hiểu trên hệ thống đăng ký tên miền quốc gia, tên chủ thể đăng ký tên miền trang web https://myphamyteangel.vn/ là ông Nguyễn Trọng Quyền. Dù là trang web bán hàng online, nhưng cơ sở này cũng chưa có đăng ký trên Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử (Bộ Công Thương).
Quảng cáo gian dối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Quy định của pháp luật liên quan đến sản xuất kinh doanh, công bố và ghi nhãn sản phẩm mỹ phẩm đều đã rất rõ. Đối với những từ ngữ mang ý nghĩa như: “chữa khỏi”, “trị”, “điều trị”, hay “xóa sẹo”, “trị mụn”, “làm lành mụn” sẽ không được phép dùng để đặt tên sản phẩm hoặc công dụng của sản phẩm mỹ phẩm.
Trường hợp nhà sản xuất, kinh doanh biết luật nhưng vẫn cố tình ghi nhãn sản phẩm mỹ phẩm không đầy đủ nội dung theo quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành từ 15.000.000 - 30.000.000 đồng (theo Điểm a, Khoản 1, Điều 53, Nghị định 176/2013/NĐ-CP). Mức phạt này cũng áp dụng đối với các nhãn ghi tính năng, công dụng sai với bản chất vốn có của sản phẩm. Cùng với xử phạt vi phạm hành chính, cơ sở vi phạm còn buộc tiêu hủy mỹ phẩm.
Đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo mỹ phẩm như: Quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng không đúng theo quy định đều bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng. Đồng thời, buộc cải chính thông tin và tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo theo quy định tại Điều 69, Nghị định 158/2013/NĐ-CP.
Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục quảng cáo gian dối, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 với các hình thức như: phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ tùy theo mức độ vi phạm.
Trước thực trạng quảng cáo “thổi phồng” công dụng sản phẩm tràn lan như hiện nay, để tránh gây hiểu lầm cũng như đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, thiết nghĩ cần phải có sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng, cơ quan quản lý để làm rõ, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh sai phạm theo quy định của pháp luật.
Minh Đức