0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 08/07/2025 13:25 (GMT+7)

Luật Thương mại điện tử: Thúc đẩy xuất khẩu qua nền tảng số

Theo dõi KT&TD trên

Dự thảo Luật Thương mại điện tử (TMĐT) không chỉ hướng đến việc tạo môi trường pháp lý minh bạch, thúc đẩy sáng tạo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường quản lý nhà nước và phát triển TMĐT bền vững;

Mà còn đặt nền móng pháp lý mới nhằm thúc đẩy xuất khẩu số, hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường toàn cầu.

Tạo đòn bẩy xuất khẩu từ chính sách hỗ trợ

Dự thảo Luật TMĐT dự kiến trình Quốc hội và có hiệu lực từ năm 2026, đang được đánh giá là bước ngoặt lớn trong việc xây dựng khung pháp lý đầy đủ và hiện đại cho hoạt động kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam. Đặc biệt, một trong những trọng tâm quan trọng được đặt ra là thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ qua các nền tảng TMĐT trong nước và xuyên biên giới.

Theo nội dung dự thảo, Luật được thiết kế để áp dụng cho cả tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khi tham gia hoạt động TMĐT tại thị trường Việt Nam. Dự thảo luật hóa các loại hình nền tảng TMĐT, từ nền tảng kinh doanh trực tiếp, trung gian, mạng xã hội đến tích hợp đa dịch vụ và quy định rõ điều kiện hoạt động, trách nhiệm pháp lý, nghĩa vụ lưu trữ dữ liệu, kiểm duyệt thông tin, bảo vệ người tiêu dùng cũng như nghĩa vụ thuế.

Luật Thương mại điện tử: Thúc đẩy xuất khẩu qua nền tảng số
Thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận nhanh chóng thị trường toàn cầu. (Ảnh: Đ.Đ)

Tại Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Luật TMĐT do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, nhiều ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, Dự thảo Luật TMĐT dành một chương riêng để thúc đẩy phát triển thị trường, trong đó xuất khẩu qua TMĐT được xác định là trụ cột chiến lược.

Theo đó, Bộ Công Thương được giao chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển TMĐT quốc gia, trình Thủ tướng phê duyệt, với các chương trình mục tiêu, dự án ưu tiên và cơ chế tài chính kèm theo. Trong đó, việc xây dựng khu thí điểm TMĐT xuyên biên giới là một nội dung đột phá.

Các khu thí điểm này sẽ được hưởng chính sách đặc thù về thông quan, kho ngoại quan, logistics và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, những đối tượng thường gặp nhiều rào cản khi tiếp cận thị trường xuất khẩu truyền thống.

Bên cạnh đó, Quỹ phát triển TMĐT, một quỹ tài chính ngoài ngân sách trực thuộc Bộ Công Thương, sẽ là nguồn lực chủ đạo để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển mô hình kinh doanh trực tuyến, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường quốc tế. Quỹ này có thể hỗ trợ thử nghiệm mô hình kinh doanh mới (sandbox), phát triển nhân lực, nâng cấp nền tảng số, và tài trợ cho hoạt động xuất khẩu qua TMĐT.

Về hạ tầng hỗ trợ, Luật đề cập đến việc thiết lập nền tảng quản lý hoạt động TMĐT, kết nối với các hệ thống dữ liệu quốc gia, giúp theo dõi, phân tích thị trường, quản lý gian lận và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin kịp thời. Nền tảng này cũng sẽ đóng vai trò như một “cổng thông tin công” tích hợp nhiều chức năng như phản ánh vi phạm, xử lý khiếu nại và thống kê thị trường.

Cơ chế thanh toán đảm bảo cho TMĐT cũng được thiết kế để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo sự tin tưởng cho giao dịch xuất khẩu, đặc biệt trong các nền tảng xuyên biên giới. Các doanh nghiệp cung cấp nền tảng sẽ được khuyến khích thiết lập cơ chế đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ, thậm chí có thể bồi thường trực tiếp cho người mua nếu phát sinh tranh chấp…

Bước tiến toàn diện trong hỗ trợ xuất khẩu số

Đề cập đến vai trò quan trọng của Luật TMĐT, tại hội nghị, nhiều ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và hiệp hội chuyên ngành cũng cho rằng, hệ sinh thái hỗ trợ xuất khẩu số hiện vẫn còn nhiều khoảng trống và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) đánh giá: “Dự thảo chưa làm rõ các chính sách để khuyến khích các đối tượng tham gia hệ sinh thái xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ Việt Nam qua TMĐT”.

Theo vị đại diện USABC, cần xây dựng cơ chế ưu đãi rõ ràng đối với các sàn giao dịch điện tử quốc tế nếu họ tích cực hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa Việt. “Có thể xem xét miễn, giảm thuế cho doanh thu từ hoạt động quảng bá, tiếp thị hoặc hỗ trợ người bán Việt Nam; tạo chính sách kết nối trực tiếp giữa người bán và sàn giao dịch nước ngoài và đơn giản hóa thủ tục hành chính nếu các nền tảng này có đóng góp tích cực”, đại diện USABC đề xuất.

Liên quan đến việc thúc đẩy xuất khẩu qua TMĐT, bên cạnh các nguyên tắc pháp lý chung, dự thảo Luật đặt trọng tâm vào việc minh bạch hóa các giao dịch điện tử. Việc hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý như văn bản gốc giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng yên tâm hơn khi thực hiện các giao dịch số. Các quy định chi tiết về quy trình giao kết hợp đồng, từ khâu mời chào, xác nhận, đến việc hủy hợp đồng và lưu trữ thông tin, là những công cụ pháp lý cần thiết để hạn chế rủi ro trong giao dịch quốc tế.

Đối với nền tảng có yếu tố nước ngoài, vốn là nơi tập trung phần lớn lưu lượng xuất khẩu số, Luật quy định rõ điều kiện để hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, như phải có tên miền “.vn”, ngôn ngữ hiển thị tiếng Việt hoặc lượng giao dịch từ Việt Nam vượt ngưỡng 100.000 lượt/năm. Các chủ thể nước ngoài trong trường hợp này bắt buộc phải có pháp nhân đại diện hoặc ủy quyền tại Việt Nam, đảm bảo năng lực tài chính và kỹ thuật, chịu trách nhiệm liên đới về pháp lý nếu xảy ra vi phạm.

Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cũng khẳng định, đây là một trụ cột cần ưu tiên. Từ đầu năm đến nay, Hiệp hội đã đồng hành cùng Ban soạn thảo góp ý cho Dự thảo Luật với kỳ vọng định hình hành lang pháp lý vừa quản lý hiệu quả, vừa tạo thuận lợi để TMĐT trở thành kênh xuất khẩu chiến lược của doanh nghiệp Việt.

Về phía các doanh nghiệp TMĐT, đại diện Shopee nhấn mạnh yếu tố công bằng: “Nếu doanh nghiệp nội địa phải đáp ứng hàng loạt điều kiện pháp lý khi hoạt động TMĐT, doanh nghiệp xuyên biên giới cũng cần chịu trách nhiệm tương xứng khi tham gia vào xuất khẩu tại Việt Nam”.

Đại diện Shopee đề xuất bổ sung vào Điều 31 của Dự thảo một điều khoản bắt buộc các nền tảng xuyên biên giới khi đạt quy mô lớn phải được đánh giá an ninh mạng và chấp thuận từ Bộ Công an, giống như các nền tảng nội địa có vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cũng đề xuất chỉ cho phép mỗi nền tảng xuyên biên giới chỉ định một pháp nhân ủy quyền duy nhất tại Việt Nam, nhằm đảm bảo trách nhiệm liên đới và tránh tình trạng chuyển đổi đại diện để né tránh nghĩa vụ pháp lý…

Bạn đang đọc bài viết Luật Thương mại điện tử: Thúc đẩy xuất khẩu qua nền tảng số. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khi các thương hiệu F&B dùng đại nhạc hội để chinh phục người tiêu dùng
Thị trường bán lẻ và ngành F&B Việt Nam đang chứng kiến một cuộc dịch chuyển chiến lược đầy ngoạn mục. Thay vì chỉ tập trung vào các chương trình giảm giá hay khuyến mãi sản phẩm quen thuộc, các thương hiệu lớn đang ngày càng mạnh tay "đổ tiền" vào việc tổ chức các đại nhạc hội quy mô lớn.

Tin mới

Bài học từ vụ lừa đảo Mr Pips
Vụ án lừa đảo công nghệ cao liên quan đến đối tượng Phó Đức Nam (biệt danh Mr Pips) đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm không chỉ bởi quy mô khổng lồ, thủ đoạn tinh vi mà còn bởi số lượng nạn nhân lan rộng.
SeABankers Vì trẻ thơ - Một thập kỷ yêu thương khởi nguồn từ trái tim
“Hành động nhỏ hôm nay sẽ làm nên điều diệu kỳ cho thế hệ trẻ mai sau” là tinh thần xuyên suốt hành trình 10 năm của chương trình “SeABankers Vì trẻ thơ” - sáng kiến thiện nguyện đầy tính nhân văn do chính cán bộ nhân viên (CBNV) Ngân hàng SeABank khởi xướng và thực hiện từ năm 2015 đến nay.