0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 13/05/2025 14:12 (GMT+7)

Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi): Sắp xếp ưu đãi thuế hợp lý, bổ sung nhiều chính sách vượt trội

Theo dõi KT&TD trên

Dự thảo Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi) đã rà soát, sắp xếp lại ưu đãi thuế hợp lý một mặt không ảnh hưởng chính sách ưu đãi chung, nhưng cũng bổ sung các chính sách ưu đãi mới vượt trội để hỗ trợ DN mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn cần khuyến khích, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên họp

Sớm đưa Luật vào thi hành từ 1/10/2025

Các ý kiến đều đánh giá cao việc Chính phủ và cơ quan thẩm tra đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, của chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp (DN) để hoàn thiện dự thảo luật. Các nội dung về phương án thuế suất phổ thông ưu đãi đối với DN nhỏ và vừa, DN đổi mới sáng tạo, hay đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đã được rà soát kỹ lưỡng, cân đối giữa thông lệ quốc tế, cạnh tranh trong khu vực và sức chịu đựng của nền kinh tế.

“Việc rà soát, sắp xếp lại ưu đãi thuế TNDN tại dự thảo Luật cũng đã tính toán hợp lý để một mặt không ảnh hưởng đến tổng thể chung về chính sách ưu đãi mà chúng ta đang áp dụng, nhưng đồng thời cũng có những chính sách ưu đãi mới vượt trội để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các DN mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn cần khuyến khích.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý để hoàn thiện nhiều quy định về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thuế, phương pháp tính thuế và ưu đãi thuế.

Các đại biểu cũng đề cập nhiều đến nội dung miễn thuế đối với các khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST&CĐS), bù trừ lãi lỗ của hoạt động kinh doanh bất động sản và các hoạt động kinh doanh khác như đơn vị sự nghiệp công lập, DN vừa và nhỏ. Nhiều đại biểu đề nghị, Luật nên có hiệu lực thi hành sớm từ 1/10/2025 để giúp phần tăng thêm động lực và nguồn lực cho phát triển của DN

Thay mặt cho cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã tham gia phát biểu hết sức tâm huyết và trách nhiệm với nhiều nội dung có tính thực tiễn cao. Trên cơ sở các ý kiến của đóng góp, Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo Luật được ban hành với chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng làm rõ thêm một số nội dung chủ yếu mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Về rà soát hệ thống các ưu đãi thuế để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển các lĩnh vực, ngành, địa bàn ưu tiên, Bộ trưởng cho biết tại Kỳ họp thứ 8, trên cơ sở rà soát các pháp luật hiện hành và căn cứ vào tình hình chung, tránh ưu đãi dàn trải, gây xói mòn cơ sở thuế, Chính phủ đã đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN (TNDN) bao gồm các đối tượng hưởng ưu đãi, lĩnh vực, địa bàn ưu đãi.

Trong đó, tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành có giá trị gia tăng cao, KHCN, ĐMST, CĐS, thúc đẩy kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thúc đẩy phát triển các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công và thúc đẩy đầu tư vào các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng đã chủ động rà soát kinh nghiệm quốc tế, nhất là trong bối cảnh chúng ta phải thực hiện Trụ cột hai về thuế tối thiểu toàn cầu để xây dựng chính sách ưu đãi phù hợp nhằm tiếp tục thu hút hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, các chính sách đảm bảo khuyến khích được sự tham gia của các thành phần kinh tế khác, trong đó có kinh tế tư nhân. Theo đó, Chính phủ đang nghiên cứu các phương thức để hỗ trợ gián tiếp, đảm bảo không vi phạm các cam kết, các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đang tham gia.

Ngoài ra, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách ưu đãi thuế, đảm bảo các chính sách thuế chỉ được quy định tại văn bản pháp luật về thuế, tránh việc quy định chính sách ưu đãi thuế dàn trải tại các văn bản luật chuyên ngành khác, dự thảo Luật đã bổ sung quy định trường hợp các luật khác có quy định về ưu đãi thuế TNDN khác với quy định của luật này, thì thực hiện theo quy định của luật này.

Bộ trưởng nhấn mạnh, “về nguyên tắc, các ưu đãi thuế chỉ nên được quy định trong các văn bản luật về thuế. Đồng thời chúng ta cần phải chấm dứt việc lồng ghép các chính sách ưu đãi thuế trong các luật chuyên ngành để đảm bảo tính tổng thể, nhất quán và dễ thực hiện”.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 12/5

Nhiều ưu đãi đột phá cho khoa học công nghệ

Một nội dung quan trọng nữa của dự thảo là về góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tại dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ sung tiếp nhiều ưu đãi đột phá hơn so với quy định hiện hành liên quan đến KHCN, ĐMST&CĐS.

Cụ thể là bổ sung khoản tài trợ cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST&CĐS, khoản chi cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ĐMST&CĐS trong DN là khoản chi được trừ khi tính thuế. Đồng thời, giao Chính phủ quy định mức chi bổ sung, điều kiện và phạm vi áp dụng đối với khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của DN, để phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng thời kỳ.

“Kinh nghiệm một số nước, người ta không quy định cứng mà giao cho Chính phủ. Để đảm bảo linh hoạt, đảm bảo tính thực tiễn, chúng tôi cũng đề nghị tiếp tục giao nhiệm vụ này cho Chính phủ”, Bộ trưởng đề nghị.

Dự thảo cũng bổ sung quy định các khoản tài trợ cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST&CĐS; khoản thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST&CĐS là thu nhập được miễn thuế. Tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận thuộc đối tượng miễn thuế TNDN.

Bên cạnh việc bổ sung các chính sách ưu đãi vượt trội nêu trên tại dự thảo này, Bộ trưởng cho biết, nhiều chính sách ưu đãi cũng được bổ sung vào các Luật thuế khác như Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế để trình Quốc hội trong thời gian tới. Ngay dự thảo luật sửa 7 luật trình Quốc hội tại kỳ này cũng tập trung vào việc bổ sung các quy định để thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đảm bảo Luật được ban hành với chất lượng tốt nhất

Chính sách thuế phù hợp cho các đơn vị sự nghiệp công lập

Ưu đãi thuế với lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công lập cũng là vấn đề được nhiều đại biểu góp ý. Theo Luật hiện hành, đơn vị sự nghiệp công lập xác định được doanh thu, chi phí thu nhập thì phải nộp thuế TNDN như các DN thông thường. Trường hợp xác định được doanh thu nhưng không xác định chi phí, thu nhập thì kê khai nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu.

Theo Bộ trưởng, hiện nhiều đơn vị sự nghiệp công lập vừa thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập có sử dụng kinh phí NSNN, vừa cung cấp dịch vụ sự nghiệp không sử dụng kinh phí nhà nước hoặc sử dụng một phần. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập tự quyết định giá theo nguyên tắc thị trường hoặc liên doanh, liên kết để kinh doanh thu lợi nhuận thì phải nộp thuế TNDN như hoạt động kinh doanh bình thường là phù hợp.

Tuy nhiên, với những đơn vị sử dụng kinh phí nhà nước nhưng giá dịch vụ chưa được tính đủ chi phí, NSNN vẫn hỗ trợ chi phí thì không phải hoạt động kinh doanh tạo lợi nhuận, Bộ trưởng nêu rõ.

Đại diện cơ quan soạn thảo khẳng định, việc các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng các dịch vụ cơ bản, thiết yếu có ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tác động đến toàn bộ người dân phải nộp thuế TNDN như hiện hành là chưa phù hợp. Do đó, tại dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã có tính toán và đưa vào nhiều nội dung, trong đó có hai nội dung quan trọng.

Một là, miễn thuế với thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công bao gồm dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, do cơ quan có thẩm quyền ban hành; dịch vụ sự nghiệp công mà Nhà nước phải hỗ trợ đảm bảo kinh phí hoạt động do chưa tính đủ chi phí cung cấp dịch vụ trong giá dịch vụ; dịch vụ sự nghiệp công tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Hai là, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được giảm 50% số thuế TNDN đối với thu nhập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở địa bàn có điều kiện xã hội khó khăn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho hay, sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh dự thảo để đảm bảo phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị sự nghiệp nhưng đồng thời không để thất thoát thuế, thất thoát NSNN.

Về thời hiệu của luật, từ ý kiến các đại biểu, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết sẽ cố gắng để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, đảm bảo Luật có thể thi hành từ 1/10/2025.

Chỉ đưa vào Luật những nội dung đã chắc, đã chín

Đối với các chính sách ưu đãi liên quan được nêu tại các Nghị quyết của Đảng như Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học công nghệ, Chính phủ sẽ tiếp tục tiếp tục trình Quốc hội để thể chế hoá các nội dung có thể đưa ngay vào Luật này cũng như các luật sắp tới trình Quốc hội.

Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý hiện Chính phủ cũng đang trình Quốc hội ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW. Một số chính sách được đưa vào Nghị quyết cũng là hình thức thí điểm để tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh trong thời gian thời gian tới.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị chỉ đưa vào Luật những nội dung đã chắc, đã chín. Còn lại, sẽ đưa vào Nghị quyết của Quốc hội ban hành ngay trong kỳ họp này. Sau khi thực hiện ổn định, sẽ đưa vào trong các luật.

Bạn đang đọc bài viết Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi): Sắp xếp ưu đãi thuế hợp lý, bổ sung nhiều chính sách vượt trội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chứng khoán Mỹ tăng vọt sau thỏa thuận giảm thuế Mỹ - Trung
Ngày 12/5, chứng khoán Mỹ đã chứng kiến một sự tăng trưởng mạnh mẽ sau khi Mỹ và Trung Quốc công bố thỏa thuận tạm thời giảm thuế đối ứng lẫn nhau, giúp xoa dịu lo ngại của các nhà đầu tư về các tác động tiêu cực từ chiến tranh thuế quan kéo dài.
Tín dụng khởi sắc trong quý II/2025
Tăng trưởng tín dụng đang ghi nhận tín hiệu tích cực trong quý II/2025, với mức tăng mạnh so với cùng kỳ và dòng vốn tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng.

Tin mới

Đề xuất áp giá trần với nhà ở xã hội: Cần thêm thời gian đánh giá kỹ
Bộ Tư pháp vừa đề xuất bổ sung quy định áp giá trần với nhà ở xã hội trong dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù, nhằm đảm bảo người dân tiếp cận được nhà ở với mức giá hợp lý. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng chưa đồng tình, cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện hơn trước khi áp dụng.
Thị trường bất động sản phía Nam sôi động trở lại
TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đang chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của thị trường BĐS sau thời gian dài trầm lắng. Hàng loạt dự án mới được công bố, mở bán rầm rộ, cho thấy các DN đang đón đầu chu kỳ phục hồi với kỳ vọng lớn vào nhu cầu thực và sự tháo gỡ vướng mắc pháp lý từ chính sách mới.
Cầu căn hộ dịch vụ tại Hà Nội cải thiện nhờ dòng vốn FDI
Phân khúc căn hộ dịch vụ tại Thủ đô đang chứng kiến sự phục hồi tích cực, được thúc đẩy bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cùng nhu cầu lưu trú dài hạn đến từ các chuyên gia nước ngoài. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản Hà Nội sau giai đoạn trầm lắng kéo dài.
Nước giải khát có đường: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, nhằm định hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng là một trong các vấn đề được đặt ra khi sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình với đề xuất của cơ quan soạn thảo.
Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi): Sắp xếp ưu đãi thuế hợp lý, bổ sung nhiều chính sách vượt trội
Dự thảo Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi) đã rà soát, sắp xếp lại ưu đãi thuế hợp lý một mặt không ảnh hưởng chính sách ưu đãi chung, nhưng cũng bổ sung các chính sách ưu đãi mới vượt trội để hỗ trợ DN mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn cần khuyến khích, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.