0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 04/11/2024 20:27 (GMT+7)

Luật Thủ đô 2024: Thêm cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư xã hội

Theo dõi KT&TD trên

Với nhiều điểm mới và tiến bộ, Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 được đánh giá là hành lang pháp lý quan trọng để Hà Nội trở thành đầu tàu phát triển của cả nước. Đáng chú ý, để thu hút đầu tư xã hội, Luật quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù khác với pháp luật hiện hành.

Cơ chế mới thu hút đầu tư xã hội

Luật cho phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Thành phố khi quyết định chủ trương đầu tư được tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công.

Cùng với đó, để thu hút đầu tư xã hội, Luật quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù khác với pháp luật hiện hành. Cụ thể, đối với thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Điều 39 có 2 quy định đặc thù: Bổ sung 2 lĩnh vực văn hóa, thể thao được thực hiện đầu tư theo phương thức PPP; Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP, nhưng không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của dự án trong những trường hợp cần thiết.

Luật Thủ đô 2024: Thêm cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư xã hội
Đối với hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, Luật xác định rõ loại đất dùng để thanh toán cho nhà đầu tư. (Ảnh minh họa: ĐL)

Đối với thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), Luật quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các nguyên tắc, điều kiện đối với việc thanh toán hợp đồng BT bằng ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất, bảo đảm minh bạch, khả thi khi thực hiện. Xác định rõ lĩnh vực và điều kiện được thực hiện đầu tư theo hợp đồng BT: Giao thông vận tải; thủy lợi, thoát nước, xử lý nước thải với quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu không thấp hơn 200 tỷ đồng, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế - xã hội, chất lượng công trình dự án, không gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Quy định chặt chẽ thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện dự án, thanh toán, quyết toán dự án và thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với từng loại dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước và thanh toán bằng quỹ đất.

Đối với hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước, Luật xác định cụ thể các trường hợp được áp dụng (chủ yếu đối với dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển); tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư; nguồn vốn thanh toán và thời điểm thanh toán. Đối với hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, Luật xác định rõ loại đất dùng để thanh toán cho nhà đầu tư; tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư; xác định thời điểm giao đất, thời điểm kinh doanh, khai thác dự án đối ứng có sử dụng đất. Các nội dung cụ thể sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết.

Quy định này một mặt tạo thêm phương tiện và phương thức để Thủ đô phát huy tối đa nguồn lực cho phát triển, mặt khác có thể khắc phục những rủi ro, hạn chế của các quy định về BT và quá trình triển khai hình thức BT trước đây.

Tăng thẩm quyền về đầu tư

Ngoài thẩm quyền đầu tư theo quy định hiện hành, Luật Thủ đô đẩy mạnh phân quyền cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố trong lĩnh vực đầu tư. Theo đó, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức PPP thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành và các dự án đầu tư công, dự án PPP không sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương trên địa bàn thành phố.

Luật Thủ đô 2024: Thêm cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư xã hội
Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Công nghệ cao và dự án đầu tư xây dựng nhà ở. (Ảnh minh họa: BT)

Cụ thể: Dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD không giới hạn tổng mức vốn đầu tư, bao gồm cả trường hợp sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên, di dân tái định cư từ 50.000 người trở lên.

Dự án đầu tư công, dự án PPP không giới hạn tổng mức vốn đầu tư, dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường, hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh có mức độ tuyệt mật, dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công, dự án PPP trên địa bàn thành phố có sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao.

Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Công nghệ cao và các dự án: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300ha đến dưới 500ha hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên, trừ dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước và nước ngoài; quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực, phương thức thực hiện, phương thức thanh toán khác với quy định hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.

Với quy định này, Thành phố có thể chủ động lựa chọn áp dụng thống nhất một tiêu chuẩn, quy chuẩn chung tiên tiến, có tính phổ biến, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý, vận hành, giảm mức đầu tư, tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng giúp khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay trong nhiều lĩnh vực khác.

Bảo Thoa

Bạn đang đọc bài viết Luật Thủ đô 2024: Thêm cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Giá vàng đang “hạ nhiệt”: Có nên mua vào?
Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, giá vàng trong nước đã giảm hơn 3 triệu đồng/lượng. Việc giá vàng liên tục giảm sâu đang khiến nhiều nhà đầu tư và người dân băn khoăn: “Liệu có nên mua vào ở thời điểm này?”.
Nhà đầu tư sắp đón "mưa" cổ tức
Mùa chi trả cổ tức hàng năm luôn thu hút sự quan tâm lớn từ các cổ đông, không chỉ vì khoản lợi nhuận nhận được mà còn bởi đây thường là thời điểm cổ phiếu tăng giá mạnh mẽ.
Kinh tế tư nhân trong làn sóng FDI: Cơ hội và thách thức song hành
Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong những năm gần đây đã và đang tạo ra những tác động đa chiều, sâu rộng đến nền kinh tế, trong đó khu vực kinh tế tư nhân trong nước đứng trước những cơ hội phát triển chưa từng có, song cũng đối mặt với không ít thách thức cam go.
Tổng tiến công buôn lậu, hàng giả; xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực không vùng cấm, không ngoại lệ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15/5 2025 đến ngày 15/6/2025, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá.